Chè đắng Cao Bằng: uống quá hoá say

07/02/2012 13:00
Theo SGTT
Một số người khác vì muốn phòng bệnh nên cũng thay đổi thói quen uống nước hằng ngày bằng chè đắng Cao Bằng.
Nhiều người bệnh ở TP.HCM và một số địa phương đang chỉ nhau trị bệnh tiểu đường, huyết áp cao, tim mạch, gan mật, giảm mỡ máu… bằng cách uống thường xuyên đặc sản chè đắng Cao Bằng.

Một số người khác vì muốn phòng bệnh, muốn mát gan, trợ tim, thông mật, bổ thận, tiêu viêm, giải độc, thanh nhiệt, an thần... cũng thay đổi thói quen uống nước hằng ngày bằng chè đắng Cao Bằng pha loãng. Từ những lời đồn thổi, giá bán của loại chè này trở nên đắt đỏ. Thực hư về công dụng của loại chè này?

Chè đắng Cao Bằng: uống quá hoá say ảnh 1
Không chỉ chè đắng Cao Bằng mà các loại chè xanh nếu uống điều độ đều có lợi cho sức khoẻ. Ảnh: My Lan

Công dụng

Cây chè đắng sinh trưởng và phát triển tự nhiên trong những cánh rừng trên đất Cao Bằng. Các nhà khoa học cho biết, trong lá chè đắng tươi có chứa 16 loại axít amin có tác dụng tăng cường quá trình trao đổi chất của cơ thể. Ngoài lượng axít amin cao, lá chè còn chứa các nhóm hoạt chất có tác dụng sinh học như ankaloit, flavonoid, axít hữu cơ, polysaccharid, carotenoid và pyrocatechin, nên ngoài công dụng làm thức uống, chè đắng còn có giá trị y học.

Kết quả của nhiều công trình nghiên cứu chứng minh rằng chè đắng có tác dụng tăng cường miễn dịch, giảm mỡ, giảm cholesterol trong máu, điều hoà huyết áp, ổn định đường huyết, mát gan, thông mật, an thần, trợ tim, tiêu viêm, giải độc, giã rượu, kích thích tiêu hoá, thanh nhiệt và giúp ngủ tốt, nhóm polyphenol trong lá chè còn có tác dụng chống oxy hoá tế bào giúp làm chậm quá trình lão hoá, kháng ung thư.

Không riêng chè đắng Cao Bằng, các loại lá chè khác như lá chè xanh mà dân ta sử dụng hàng ngàn năm nay cũng tốt cho sức khoẻ, bởi ngoài các thành phần hoạt chất như đã nêu, trong lá chè xanh còn có nhiều khoáng tố vi lượng và sinh tố giúp đề kháng bức xạ, phòng trị xơ cứng huyết quản, giảm mỡ trong máu, tăng khả năng miễn dịch, kháng khuẩn, trừ đờm, sáng mắt, lợi tiểu, uống vào giúp tinh thần minh mẫn, trẻ lâu.

Chè đắng Cao Bằng: uống quá hoá say ảnh 2
Cây chè đắng Cao Bằng có tên gọi địa phương là ché khôm (Ilex Kaushue S.y.hu) trước đây mọc hoang nhiều nhất ở hai huyện Thạch An, Hạ Lang, ngày nay được trồng, chế biến dưới nhiều dạng như chè sấy khô đóng túi nilông, chè túi lọc, chè búp bán giá cao… Cây cao 20 - 30m, lá rất lớn, dài tới 20cm. Từng búp chè được sấy và cuốn thành cọng, mỗi lần uống chỉ cần pha với 1 - 2 cọng. Chè có hương thơm mát, vị rất đắng.

Cách dùng

Tuy nhiên, mọi cái tốt đều có giới hạn của nó, dùng chè cũng vậy, cần uống đúng cách và đúng liều, bởi nhiều nghiên cứu chứng minh chất cafeine có trong nước chè có tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh, gây khó ngủ, do đó những người uống thuốc an thần, thuốc ngủ nhất thiết không được uống nước chè. Lượng tanin trong chè cũng có thể gây kết tủa với chất sắt trong một số loại thực phẩm, dẫn đến tình trạng dùng lâu sẽ bị thiếu máu.

Các sách y học cổ truyền cũng ghi nhận rằng nếu sử dụng lâu dài với liều cao, chè có thể gây ra nhiễm độc mãn tính, biểu hiện là mất ngủ, gầy yếu, mất cảm giác ngon miệng, rối loạn thần kinh, vàng da. Uống chè quá đặc và uống lúc đói có thể dẫn đến tình trạng “say chè”, gây tổn thương khí của tì vị, lạnh bụng. Nước chè cũ hoặc để lâu còn phóng thích nhiều chất có hại cho cơ thể hoặc gây ung thư, vì thế chỉ nên dùng chè đắng với liều lượng hợp lý, và không nên lạm dụng.

Vả lại, để phòng bệnh tăng huyết áp, ngoài chè đắng Cao Bằng ra thiên nhiên còn cho chúng ta nhiều thứ rau củ khác rất tốt như rau cần tây, giá sống, đậu xanh, hoa hoè, hoa sứ... vì vậy không nên sử dụng lâu dài bất kỳ một loại thuốc hoặc dược thảo nào mà thỉnh thoảng nên thay đổi hoặc dùng mỗi loại một ít sẽ tốt hơn.

Theo SGTT