Phải tính đến tình huống xấu hơn
Đây là vấn đề mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục đặt ra khi làm việc với nhóm các nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên phân tích dữ liệu và truy vết theo dấu dịch tễ phục vụ chống dịch COVID-19, ngày 30/7.
Theo Phó Thủ tướng, không chủ quan, luôn sẵn sàng, tính đến tình huống xấu hơn, thậm chí tình huống xấu nhất để tình huống đó không xảy ra.
Tại buổi làm việc này, các chuyên gia đã phân tích dữ liệu, kết nối trực tuyến với các đội “đặc nhiệm” do Bộ Y tế cử vào Đà Nẵng để đưa ra các nhận định, dự báo.
Theo phân tích của nhóm, tới nay dù chưa thể kết luận chắc chắn nhưng có thể nhận định: Khả năng cao là nguồn bệnh xuất hiện ban đầu từ Đà Nẵng. Trong những ngày tới nhóm tiếp tục theo dõi, cập nhật và phân tích dữ liệu để có thể khẳng định.
Nhận định này rất quan trọng vì một khi xác định là dịch từ Đà Nẵng thì chỉ cần thực hiện khoanh vùng dập dịch tại Đà Nẵng còn các địa phương khác thì tập trung quản lý thật chặt chẽ, theo dõi sức khỏe những người đã đến, đi qua Đà Nẵng.
Ngược lại nếu các dữ liệu cho thấy khả năng dịch có thể xuất hiện đồng thời ở nhiều địa phương thì cần có các giải pháp mạnh trên quy mô rộng hơn, thậm chí là toàn quốc.
Cũng theo phân tích của nhóm thì trên địa bàn Đà Nẵng, dù có một số ca ngoài cộng đồng nhưng “ổ dịch” lớn nhất cần tập trung là cụm 3 bệnh viện. Trong các bệnh viện này cũng tập trung ở một số khoa.
Tình trạng khá tương đồng với ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trước đây. Nhóm dự báo trong vài ngày tới đây có thể sẽ liên tục phát hiện thêm hàng chục ca nhiễm mỗi ngày, chủ yếu liên quan tới “ổ dịch” này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với nhóm tình nguyện truy vết Covid-19. ảnh: VGP. |
Tham gia trao đổi ý kiến, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế), cho biết “Tình hình diễn biến dịch bệnh ở Đà Nẵng diễn ra khá trùng với các dự báo. Kết quả xét nghiệm và điều tra dịch tễ cho thấy nhiều khả năng đầu tháng 7 dịch mới phát ở Đà Nẵng, bởi kết quả xét nghiệm những ca có triệu chứng nghi ngờ nhưng chưa đến Đà Nẵng đến nay đều âm tính”.
Ông Nguyễn Thế Trung (thành viên Tổ tư vấn Chính phủ điện tử), Phó trưởng nhóm cũng nhận định: Kết quả phân tích dữ liệu đến thời điểm hiện tại có 2 điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, chưa phát hiện thông tin cho thấy khả năng có ổ dịch khác ngoài Đà Nẵng.
Thứ hai, ổ dịch tại khu 3 bệnh viện ở Thành phố Đà Nẵng khá giống với ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai. Điểm khác là dự báo số người nhiễm bệnh sẽ cao hơn ở Bạch Mai, số ca nặng cũng nhiều hơn, nhất là liên quan tới các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo. Việc giải tỏa bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai làm nhanh hơn.
Bộ Y tế tập trung toàn lực hỗ trợ, “chia lửa” với Đà Nẵng chống dịch Covid-19
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long cho hay, nhận định về tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố Đà Nẵng tương đối phức tạp, ổ dịch lớn nhất phần lớn ở khu vực của 3 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng (hiện đã được phong tỏa).
Ngay từ đầu, thực hiện theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Y tế đã rất quyết liệt, cử ngay 3 đoàn công tác đến Đà Nẵng là các chuyên gia đầu ngành, giỏi và có kinh nghiệm trong các lĩnh vực điều trị do Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa - Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế làm đội trưởng cùng 7 thành viên khác (trong đó có 3 bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy là những người trực tiếp điều trị thành công cho bệnh nhân 91 - nam phi công người Anh) trực tiếp ra điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, trong đó có các bệnh nhân nặng.
Về xét nghiệm do Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm đội trưởng cùng 4 thành viên khác của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Đây là nhóm chuyên gia đã từng nuôi cấy, phân lập được virus SARS-CoV-2, đồng thời hỗ trợ cho nhiều địa phương trong việc triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2. Nhóm chuyên gia này vào Đà Nẵng để hỗ trợ việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng các bộ kit xét nghiệm do Việt Nam sản xuất,
Đội điều tra giám sát dịch do Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương làm đội trưởng cùng 6 thành viên khác. Đây là những người đã từng tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho Sơn Lôi, Hạ Lôi, Bình Thuận và một số nơi khác trong phòng chống dịch COVID-19
Hàng ngày các ê kip này đều báo cáo, trao đổi và hội chẩn về chuyên môn, đặc biệt là trong công tác điều trị bệnh nhân nặng nhằm nỗ lực tốt nhất giúp Đà Nẵng nhanh chóng cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Ngay sau đó, Bộ Y tế cử thêm đội công tác tinh nhuệ nữa do Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai vào hỗ trợ Đà Nẵng. Hiện có khoảng 30 y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai là các chuyên gia có kinh nghiệm đang giúp Đà Nẵng về hồi sức, phòng chống nhiễm khuẩn, thận nhân tạo, điều trị, giám sát, xét nghiệm.
Viện Pauster Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đưa lực lượng đến Đà Nẵng thiết lập phòng xét nghiệm. Bệnh viện của Bộ Công an cũng lập labo xét nghiệm và Bộ Quốc phòng cũng hỗ trợ Đà Nẵng bằng việc đưa labo xét nghiệm di động đến. Năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng đã được nâng lên rất nhiều. Hiện năng lực xét nghiệm tại thành phố này đã lên hơn 7.000 mẫu xét nghiệm/1 ngày.
“Tinh thần là thực hiện nhanh nhất thực hiện xét nghiệm trên diện rộng cho Đà Nẵng", ông Long nói.
Giáo sư Nguyễn Thanh Long thông tin về tình hình chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng. |
Bộ Y tế cũng điều tới Đà Nẵng 10 máy thở và hỗ trợ thêm khẩu trang N95 cho các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng và Bệnh viện Trung ương Huế. Trước đó, các máy thở, máy ECMO cũng đã được Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy mang đến Đà Nẵng “chi viện” cho địa phương này thêm nguồn lực, vật tư thiết bị chống dịch.
Quyền Bộ trưởng cũng thông tin, ngày hôm nay Bộ Y tế cũng có văn bản quy định các trường hợp (từ Đà Nẵng về và có biểu hiện bệnh) đến cơ sở y tế (có khả năng xét nghiệm) để xét nghiệm sàng lọc COVID-19 sẽ được Bảo hiểm y tế chi trả.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông tin, cùng với hỗ trợ về nhân lực, vật lực, xét nghiệm, Bộ Y tế đã triển khai việc phân luồng chuyển bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền từ Bệnh viện Đà Nẵng ra điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế nhằm “chia lửa” cho Đà Nẵng,
Theo đó, Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Trung ương Huế sắp xếp phân luồng bệnh nhân tại cơ sở 2 về cơ sở 1, dành cơ sở 2 để tập trung hỗ trợ điều trị bệnh nhân cho Đà Nẵng.
Hiện đã có một số bệnh nhân COVID-19 nặng, kèm bệnh lý nền như ung thư, tim mạch, suy thận mạn... đã được chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế điều trị.
Cũng trong ngày 30/7/202, Bộ Y tế quyết định tăng cường chi viện nhân lực phòng chống dịch tới Đà Nẵng để giúp địa phương ứng phó tốt hơn với dịch COVID-19.
Thành phần chi viện bao gồm các chuyên gia từ Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Cục phòng, chống HIV/AIDS, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Họ sẽ phối hợp với 3 tổ công tác đặc biệt về giám sát dịch, xét nghiệm và điều trị mà Bộ Y tế cử đến Đà Nẵng từ ngày 25/7. Toàn bộ lực lượng này sẽ được đặt dưới sự chỉ đạo của PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn huy động hàng trăm sinh viên của Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng và Đại học Y Dược Huế tham gia thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch tại Đà Nẵng.
Ông Long cho biết: “Ngành Y tế tập trung tối đa lực lượng tinh nhuệ nhất để khoanh vùng, dập dịch ở Đà Nẵng. Ngoài các lực lượng của Bộ Y tế đang ở Đà Nẵng, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cử các chuyên gia ở các bệnh viện đầu ngành đến Đà Nẵng hỗ trợ địa phương này chống dịch. Bộ Y tế cũng thành lập Đội thường trực đặc biệt chống dịch COVID 19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng”.
Cũng trong ngày 30/7/2020, tại Trung tâm quản lý và Điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã làm việc với các điểm cầu về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.
Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành bệnh nhân COVID-19 đang công tác tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã tham dự và cùng điều hành từ điểm cầu này.
Bộ Y tế và các đơn vị họp trực tuyến chống Covid-19. |
Cùng tham gia hội chẩn có các giáo sư đầu ngành đã hội chẩn cho bệnh nhân COVID-19 nặng suốt mấy tháng qua là Giáo sư Nguyễn Gia Bình – Chủ tịch Hội hồi sức - cấp cứu - chống độc Việt Nam; Giáo sư Ngô Quý Châu, Giáo sư Nguyễn Như Hiệp, Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giáo sư Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giáo sư Đào Xuân Cơ; Tiến sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.... cùng các chuyên gia đầu ngành tại các điểm cầu.
Sau khi nghe báo cáo từ các điểm cầu, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cử thêm bác sĩ hồi sức (từ chuyên khoa trở lên) hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam; giao Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ đào tạo, kiểm định về xét nghiệm cho các bệnh viện tại Quảng Nam.
Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê cho biết, việc hội chẩn trực tuyến để các giáo sư tư vấn và hỗ trợ thêm về chuyên môn, đặc biệt là việc điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân nặng, phức tạp là rất cần thiết.
Các bệnh viện báo cáo về Sở Y tế, đánh giá nhu cầu và gửi văn bản đề nghị hỗ trợ về trang thiết bị, máy móc, thuốc, vật tư tiêu hao, khẩu trang….về Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia để được đáp ứng và huy động từ mọi nguồn lực.
Đối với các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Đà Nẵng tham gia vào công tác điều trị, yêu cầu tất cả các cán bộ y tế của bệnh viện phải được đào tạo tập huấn để sẵn sàng hỗ trợ và chi viện cho các bệnh viện tại địa phương và các tỉnh lân cận.
Theo Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê, việc phân luồng cách ly và phòng lây nhiễm COVID-19 phải được thực hiện rất sớm, khi có yếu tố dịch tễ nghi ngờ, biểu hiện lâm sàng rõ phải thực hiện ngay xét nghiệm.