Có hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, bệnh nhân nhàn, bác sỹ “khỏe”

01/11/2019 06:09
Nhật Minh
(GDVN) - Việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử là nội dung lớn mà ngành Y tế xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong năm 2019.

Mục tiêu là giúp người dân thuận lợi hơn trong quá trình khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Theo tìm hiểu, tại tỉnh Hà Tĩnh, địa phương này đã triển khai lập hồ sơ sức khoẻ điện tử của từng người dân tại tất cả các trạm y tế trong toàn tỉnh (262 trạm y tế) từ tháng 2/2018. Đến nay đã có hơn 90% người dân (trên 1 triệu người) đã có hồ sơ sức khoẻ điện tử.

Triển khai thí điểm khám sức khỏe và lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân phường Phúc Đồng, quận Long Biên.
Triển khai thí điểm khám sức khỏe và lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân phường Phúc Đồng, quận Long Biên.

Một điều dễ nhận thấy khi đến các cơ sở y tế trên các địa bàn triển khai là dù số lượng bệnh nhân đông nhưng việc đăng ký khám chữa bệnh, xét nghiệm, lấy thuốc,...vẫn trơn tru, nhịp nhàng. Các bệnh nhân không phải kè kè bên mình cuốn sổ khám bệnh như tại các bệnh viện khác.

Bà Nguyễn Thị Lệ (53 tuổi, quận Long Biên) chia sẻ: "Từ hồi bệnh viện có áp dụng công nghệ thông tin, việc đi khám bệnh của gia đình tôi đã thuận tiện hơn rất nhiều. Các con tôi làm công việc văn phòng, nhiều lúc đột xuất muốn đến bệnh viện để kiểm tra cũng không phải lo lắng không mang theo sổ khám bệnh. Cứ đến bệnh viện, quét thẻ bảo hiểm y tế là được".

Được biết, từ tháng 7/2019, hồ sơ sức khỏe điện tử đã được triển khai rộng rãi trên toàn quốc.

Hiện cả nước đã có 24 tỉnh, thành triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử với những hiệu quả rất khả thi.

Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi và được thống nhất lưu trữ trong hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia.

Việc mỗi cá nhân có hồ sơ điện tử sẽ giúp quản lý và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tốt hơn, giúp ích cho cả người bệnh và cán bộ y tế.

Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình.

Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc.

Khi người dân đến cơ sở y tế, bác sĩ ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ cần bấm máy tính là sẽ hiện ra đầy đủ thông tin về hiện trạng sức khỏe của người đó. Giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán và điều trị.

Đối với người thầy thuốc, Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân.

Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khoẻ cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý của y học gia đình tốt hơn.

Đối với công tác quản lý, việc triển khai Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời.

Đối với bảo hiểm y tế, khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.

Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân là cơ sở dữ liệu về sức khỏe rất lớn, giúp ngành Y tế có các chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh, dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn.

Hồ sơ quản lý sức khỏe bao gồm các thông tin chung về nhân thân và một số thông tin tiền sử sức khỏe cơ bản (nhóm máu, chiều cao, cân nặng...), bệnh tật phù hợp nhóm đối tượng chia theo độ tuổi: Trẻ em dưới 5 tuổi; Độ tuổi học đường (6 - 18 tuổi); Người trưởng thành (18 - 59 tuổi); Người cao tuổi (từ 60 tuổi); Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49 tuổi).

Để triển khai lâu dài, hồ sơ quản lý sức khỏe dự kiến sẽ là một phần của gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả, với mong muốn mỗi năm người dân sẽ được kiểm tra sức khỏe một lần (trường hợp khỏe mạnh, không có bệnh).

Nếu thực hiện tốt, quản lý tốt các dữ liệu thì hồ sơ theo dõi sức khỏe không chỉ nâng cao chất lượng sống cho người dân mà còn là hiệu quả về kinh tế.

Nhật Minh