Đối phó với bệnh trào ngược dạ dày - thực quản

27/02/2012 18:27
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Tuyết Mai/TP
Không giống nhiều bệnh khác, bệnh trào ngược dạ dày - thực quản gần như hoàn toàn có thể ngăn ngừa được, nếu bạn duy trì được lối sống lành mạnh.

Không giống nhiều bệnh khác, bệnh trào ngược dạ dày - thực quản gần như hoàn toàn có thể ngăn ngừa được, nếu bạn duy trì được lối sống lành mạnh.

Trên thế giới, bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (gastroesophageal reflux disease - GERD) được đề cập từ vài chục năm nay, nhưng tại Việt Nam, bệnh mới được lưu tâm vài năm trở lại đây.

Các triệu chứng của bệnh dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm mũi xoang, viêm thanh quản… Theo thời gian, axít dạ dày bị trào ngược lên thực quản có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản, dẫn tới nhiều bệnh, bao gồm cả ung thư họng.

Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản khá phổ biến ở các nước phương Tây. Tỷ lệ mắc bệnh ở các nước châu Á là 5-15%.

Ngăn ngừa trào ngược dạ dày - thực quản

1. Giảm cân. Béo phì là nguyên nhân hàng đầu gây trào ngược dạ dày - thực quản. Vì vậy, hãy giảm cân nếu bạn thừa cân và đừng tăng cân nếu bạn đang có cân nặng lý tưởng.

2. Tránh những thực phẩm có thể gây trào ngược. Nếu bạn có nguy cơ bị trào ngược dạ dày - thực quản, hãy tránh:

- Thực phẩm nhiều mỡ

- Thực phẩm có gia vị

- Thực phẩm có tính axít, như cà chua và cam quýt

- Bạc hà

- Sô-cô-la

- Hành

- Cà phê hoặc đồ uống có caffein

- Đồ uống có ga

3. Ăn nhiều bữa nhỏ. Những bữa ăn no làm đầy dạ dày, dễ gây trào ngược hơn.

4. Không nằm nghỉ ngay sau khi ăn. Sau khi ăn, nên đợi ít nhất ba giờ mới nằm nghỉ.

5. Gối đầu cao khi nằm. Gối đầu cao khoảng 15-20cm để tránh trào ngược axít dạ dày lên thực quản.

6. Xem xét lại những thuốc bạn đang dùng. Nhiều thuốc có thể làm tăng nguy cơ bị trào ngược dạ dày-thực quản. Chúng bao gồm:

- Thuốc chống viêm không steroid (non-steroidal anti-inflammatory drugs - NSAID)

- Thuốc chẹn kênh canxi (thường dùng để điều trị tăng huyết áp)

- Một số thuốc điều trị hen, bao gồm thuốc chủ vận beta (như albuterol)

- Thuốc kháng cholinergic (được dùng để điều trị các bệnh như dị ứng theo mùa và tăng nhãn áp)

- Các bisphosphonate (được dùng để tăng mật độ xương)

- Thuốc an thần và thuốc giảm đau

- Một số loại kháng sinh

- Kali

- Viên sắt

Nếu bạn đang dùng những thuốc kể trên, nên gặp bác sĩ để được chuyển sang dùng những thuốc khác mà không có các tác động tương tự lên đường tiêu hóa trên. Tuy nhiên, không bao giờ được ngừng thuốc đã kê đơn khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.

7. Cai thuốc lá.

8. Hạn chế uống rượu.

9. Không mặc quần áo quá chặt.

10. Dùng chế độ ăn không có gluten. Thử loại bỏ gluten trong chế độ ăn (gluten có trong ngũ cốc như lúa mạch, lúa mạch đen, lúa mì) bạn sẽ thấy ngay sự khác biệt.

Nếu sau khi thử các cách kể trên mà bạn vẫn còn các triệu chứng trào ngược dạ dày - thực quản, hãy đến gặp bác sĩ để được kê đơn thuốc giúp giảm triệu chứng của bệnh.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Tuyết Mai/TP