Dùng đồ nhựa tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

23/02/2012 13:17
Theo Daily Mail/Bee
Chất hóa học Bisphenol A (BPA), được sử dụng trong các sản phẩm đồ nhựa và hộp đựng thực phẩm, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì và đái tháo đường.
Những nghiên cứu khoa học trước đây đã phát hiện thấy rằng chất hóa học BPA, được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm nhựa và hộp đựng thực phẩm, có liên quan tới bệnh ung thư. Mới đây, tiến sĩ Angel Nadal và các cộng sự thuộc trường đại học Miguel Hernendez (Tây Ban Nha) đã chứng minh được rằng BPA tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì và đái tháo đường.

Các nhà khoa học cho biết, chỉ cần một lượng nhỏ hóa chất BPA có thể gây ra một phản ứng hóa học trong cơ thể. Phản ứng này làm rối loạn các tín hiệu hóoc môn, khiến cơ thể tạo ra nhiều chất béo và thậm chí làm tăng lượng insulin – một nguyên nhân dẫn tới bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Chất BPA trong các sản phẩm đồ nhựa và hộp đựng thực phẩm, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì và đái tháo đường
Chất BPA trong các sản phẩm đồ nhựa và hộp đựng thực phẩm, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì và đái tháo đường

Cụ thể, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Angel Nadal phát hiện thấy rằng chỉ cần 1/4 của 1/1 tỷ gram chất BPA cũng đủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, đái tháo đường. Trong khi đó, những nghiên cứu khác ước tính khoảng 90% dân số ở các quốc gia phát hiện có nồng độ BPA trong máu cao hơn ngưỡng trên.

Ngành công nghiệp hóa chất cho rằng sản phẩm sử dụng chất BPA, như giấy vệ sinh, giấy đăng ký rút tiền, hóa đơn,... an toàn với người sử dụng. Tuy nhiên, giáo sư Angel Nadal không đồng tình với điều này. Ông cảnh báo chất BPA có thể có những tác hại khác cho sức khỏe, đặc biệt đối với những phụ nữ đang mang bầu và thai nhi trong bụng mẹ.

“Thai nhi không chỉ bị nhiễm chất BPA mà nồng độ insulin trong cơ thể người mẹ cao có thể khiến môi trường nước ối bao bọc thai nhi dễ vỡ hơn”, tiến sĩ Angel Nadal cảnh báo.
Theo Daily Mail/Bee