Hiện tượng “lợn hai chuồng, rau hai luống” đã giảm hẳn

12/01/2020 06:00
Nhật Minh
(GDVN) - Ngày 11/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành chỉ thị, kế hoạch, giải pháp rất cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác an toàn thực phẩmđến tận cấp xã, để chuyển biến từ cơ sở, từ người sản xuất.

Thủ tướng phát biểu. Ảnh: VGP
Thủ tướng phát biểu. Ảnh: VGP

Về công tác xử lý, Thủ tướng hoan nghênh Bộ Công an đã phá được vụ buôn lậu thuốc bắc giả quy mô lớn vừa qua.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm phải xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm, không bỏ qua bất cứ vụ việc nào, không chỉ tuyên truyền, giáo dục, vận động. Thời gian qua, nhờ xử lý quyết liệt, mạnh tay mà nhiều vấn đề nóng, bức xúc về an toàn thực phẩmnhư sử dụng hóa chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật… đã hạ nhiệt.

“Tinh thần chỉ đạo quyết liệt và hành động không nhân nhượng với hành vi vi phạm an toàn thực phẩmcủa Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành đã đưa đến những chuyển biến rõ rệt.

Thực phẩm không an toàn không còn là vấn đề bức xúc như những năm trước đây. Các bức xúc về thực phẩm bẩn, không an toàn đã giảm mạnh, cả về số lượng, mức độ, hiện tượng”, Thủ tướng nói. Hiện tượng “lợn hai chuồng, rau hai luống” đã giảm hẳn.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, công tác bảo đảm an toàn thực phẩmcòn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ với trên 8 triệu hộ nông dân đưa đến nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng còn nhiều. Ý thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn kém.

Đưa ra một số định hướng, làm kim chỉ nam cho các hành động bảo vệ an toàn thực phẩm, Thủ tướng nêu rõ, quyền tiếp cận thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của con người. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩmphải được tăng cường, đây là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan chức năng.

Cần phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Trung ương ban hành văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn còn địa phương trực tiếp quản lý, thanh tra, kiểm tra, chủ động điều phối nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tăng kinh phí Nhà nước cho công tác an toàn thực phẩm là cần thiết nhưng cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác này. Năm 2020 phải có bước chuyển biến thực chất, rõ nét hơn nữa về công tác an toàn thực phẩmở tất cả các cấp.

Nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm đi đầu, đứng mũi chịu sào của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở, Thủ tướng cho rằng, vai trò này cần đề cao hơn nữa. Nếu truy đến cùng nơi sản xuất thực phẩm, nông sản làm ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc cho người dân thì ngoài người sản xuất trực tiếp, cả chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm.

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về an toàn thực phẩm, có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế. Đề xuất mô hình tổ chức quản lý an toàn thực phẩmở địa phương.

Bài toán lớn hiện nay là quy hoạch các vùng sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối thực phẩm an toàn, quy trình quản lý chất lượng tiên tiến. Hoàn thiện đề án phát triển nông sản hữu cơ, trình Thủ tướng phê duyệt.

Nhấn mạnh việc truyền thông đầy đủ về an toàn thực phẩm, Thủ tướng nêu rõ, không đẩy mạnh tuyên truyền, sao nhãng một bước thì ảnh hưởng lớn, gây chùn bước, thụt lùi không chỉ về an toàn thực phẩmmà cả các vấn đề khác như môi trường.

Thủ tướng lấy ví dụ, vào lễ cúng Ông Công, Ông Táo sắp tới, người dân thường thả cá rồi vứt luôn cả túi nilon thì làm sao có môi trường tốt, do đó cần có tuyên truyền giáo dục thích hợp.

Sau Hội nghị này, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ tập hợp các ý kiến, hoàn thiện trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý Nhà nước đối với an toàn thực phẩm 

Nhật Minh