Lập đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm đến tận cấp xã

10/12/2018 15:02
Trần Phương
(GDVN) - Dịp Tết và lễ hội năm 2019, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn đến từng bữa ăn của người dân.

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) – cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm cho biết, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân 2019 đang đến gần.

Đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu…

Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm vừa ban hành Kế hoạch về việc triển khai công tác bảo đảm An toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội Xuân 2019.

Theo đó, từ 1/1/2019 đến hết 25/3/2019, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ tăng cường tập trung thanh, kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và các lễ hội có yếu tố nguy cơ cao...

Ban chỉ đạo sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra  liên ngành từ trung ương đến cấp xã phường tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.

Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân, nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi và Lễ hội Xuân 2019.

Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm dịp tết và lễ hội được đẩy mạnh năm 2019.
Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm dịp tết và lễ hội được đẩy mạnh năm 2019. 

Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm(Bộ Y tế), thời gian nghỉ Tết thường kéo dài, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, với hàng triệu lượt khách tham dự. Đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu…

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu. Bên cạnh đó, thời gian này thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng gay gắt. Đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

Vì vậy, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm triển khai kế hoạch cụ thể như sau:

Lập đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm đến tận cấp xã ảnh 3Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Kỷ Hợi 2019

Bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi và Lễ hội Xuân 2019.

Trong thời gian từ 1/1/2019 đến hết 25/3/2019, 6 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm sẽ ra quân kiểm tra tại 12 tỉnh/ thành phố trọng điểm trên cả nước gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Tháp, Tiền Giang.

Tại các địa phương, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm đề nghị thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tỉnh/ thành phố đến cấp xã phường, tập trung vào kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn...

Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 91 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.710 ca mắc, trong đó có 15 trường hợp tử vong, chủ yếu do ngộ độc rượu và ngộ độc nấm.

Trong thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm cũng đã thu hồi hàng trăm giấy phép, xử phạt gần 6 tỷ đồng đối với 99 doanh nghiệp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

Thị trường thực phẩm tết luôn là cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi lưu thông đánh lừa người tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng nên cẩn thận khi chọn mua và sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Chạy theo lợi nhuận, có những tiểu thương (nhất là ở các chợ dân sinh) bán cho người tiêu dùng hàng không rõ nguồn gốc, đặc biệt là bánh kẹo, hoa quả sấy... đều không có chứng nhận. Nếu bị truy hỏi họ sẽ trả lời là lấy hàng từ người nông dân tự phơi khô rồi đem bán, chứ không phải do nhiều hãng sản xuất theo dây chuyền công nghiệp.

Vì vậy khi mua hàng người dân cần quan sát kỹ thông tin trên bao bì bánh kẹo (nơi sản xuất, ngày sản xuất, ngày hết hạn, thành phần, cách bảo quản sản phẩm); nếu mua giỏ quà cần chú ý chất lượng bánh kẹo bên trong, tốt nhất là nên mua các sản phẩm riêng lẻ rồi đóng thành túi quà thì sẽ kiểm soát được chất lượng từng sản phẩm.

Trong trường hợp phát hiện cơ sở nào bán hàng không rõ nguồn gốc cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để giám sát, kiểm tra xử lý, bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho chính mình và những người khác.

Trần Phương