Luật Dược sửa đổi tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam

01/09/2018 08:00
Nhật Minh
(GDVN) - Luật Dược 2017 được xem là cú hích giúp các doanh nghiệp nội có thêm động lực để dành lại ưu thế tại thị trường trong nước.

Thị trường dược phẩm của Việt Nam với giá 5,2 tỷ USD đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp trong và ngoài được.

Theo đánh giá của hãng nghiên cứu thị trường BMI, năm 2017 doanh thu thị trường dược Việt Nam đạt 5,2 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2016 và dự báo thị trường này sẽ tăng lên 7,7 tỷ USD vào năm 2021.

Các công ty trong nước cũng đang tận hưởng những kết quả kinh doanh rất tốt từ thị trường dược luôn tăng trưởng ở mức 2 con số mỗi năm. Trong đó phải kể đến kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp dược phẩm lớn như công ty Cổ phần Dược Hậu Giang và công ty Cổ phần Traphaco.

Dây chuyền sản xuất thuốc đạt chuẩn GMP của Traphaco.
Dây chuyền sản xuất thuốc đạt chuẩn GMP của Traphaco.

Theo đánh giá, sự thành công của 2 công ty này nhờ vào các bước đi khác biệt. Đó là "đánh chiếm" thị trường OTC (thuốc không cần toa của bác sĩ), phát triển mạnh kênh bán lẻ, tập trung sản xuất thuốc dựa trên dược liệu có sẵn trong nước và đó cũng là chiến lược cạnh tranh cốt lõi.

Thêm vào đó là sản xuất thuốc generic (thuốc bào chế theo công thức đã hết thời hạn bảo hộ).

Những bước đi khác biết đó có được là nhờ Luật Dược (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Luật Dược sửa đổi đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong đấu thầu ETC (đấu thầu thuốc tại các bệnh viện), ưu tiên nguồn nguyên liệu trong nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký sản xuất thuốc generic, đã phần nào giúp doanh nghiệp ngành dược chống lại sự cạnh tranh gay gắt của thuốc nhập khẩu giá rẻ từ Ấn Độ, Trung Quốc.

Theo đó, sản phẩm thuốc nội địa sẽ được ưu tiên chào thầu nếu đáp ứng đủ quy chuẩn chất lượng trong kênh ETC – mảng đang chiếm khoảng 70% doanh thu toàn ngành và là nơi mà sản phẩm ngoại nhập đang chiếm ưu thế.

Luật mới ra đời khiến các doanh nghiệp ngoại muốn duy trì thị phần tại Việt Nam có thể phải gia tăng thêm liên doanh, liên kết hay hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp nội.

Theo đó, Việt Nam được xem là căn cứ điểm rất phù hợp để các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất để từ đó xuất sang các quốc gia khác.

Cùng với đó, Chính phủ đã đặt ra tham vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất thuốc generic tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2020 với những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược càng tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp trong ngành.

“Chính sách Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược” quy định trong Luật Dược sửa đổi xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên trong phát triển công nghiệp dược và quy hoạch phát triển công nghiệp dược.

Các quy định nhằm tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực Việt Nam thực sự có tiềm năng và thế mạnh cạnh tranh, bảo đảm phù hợp với năng lực hiện có của các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng như phù hợp với xu hướng chung của khu vực và thế giới.

Đó chính là sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu phong phú, sẵn có trong nước để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc từ dược liệu, thuốc cổ truyền.

Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng lớn về dược liệu trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Theo thống kê của Viện Dược liệu, tính đến nay đã ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc ở Việt Nam.

Trong số đó, có khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng khoảng 18.000 tấn/năm, như Diếp cá (5.000 tấn), Cẩu tích (1.500 tấn), Lạc tiên (1.500 tấn), Rau đắng đất (1.500 tấn)...Chúng ta cũng may mắn sở hữu nhiều loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu như: Sâm Ngọc Linh, Ba kích, Châu thụ, Ngân đằng…

Luật dược sửa đổi đã định hướng lại về ưu tiên sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu để tận dụng các lợi thế về nguồn nguyên liệu trong nước.

Tập trung ưu tiên phát triển nguồn dược liệu, bảo tồn nguồn gen và những loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu cũng là một trong các quy định tại Luật dược sửa đổi. 

Tiếp tục phát triển các vùng dược liệu.
Tiếp tục phát triển các vùng dược liệu.

Đặc biệt, hiện nay, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, với xu hướng “Trở về thiên nhiên” thì việc sử dụng các thuốc từ dược liệu của người dân ngày càng tăng hơn do ít có những tác động có hại và phù hợp với quy luật sinh lý của cơ thể hơn so với thuốc hóa dược.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), khoảng 80% dân số tại các quốc gia đang phát triển, việc chăm sóc sức khoẻ ít nhiều có liên quan đến y học cổ truyền hoặc thuốc từ dược thảo truyền thống để bảo vệ sức khoẻ.

Các thuốc từ thảo dược ít độc hại, ít gây tác dụng phụ và phù hợp hơn với quy luật sinh lý của cơ thể. Hơn nữa, thế kỷ 21 là thế kỷ sinh học và công nghệ sinh học nên thế giới đang có xu hướng định hình lại phương pháp nghiên cứu tìm ra các thuốc mới.

Thay vì chỉ chú trọng đến việc tổng hợp hóa học trong phòng thí nghiệm với nhiều khó khăn và nhiều độc tính, các nhà khoa học, các tập đoàn dược phẩm lớn đang chú trọng vào sàng lọc từ thiên nhiên để tìm ra các hoạt chất sinh học mới có dược tính mạnh hơn, ít độc hơn.

Việc sửa đổi các chính sách nhằm ưu tiên phát triển nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam sẽ tạo động lực rất lớn để doanh nghiệp nội có sự đầu tư, nghiên cứu chuyên sâu, bài bản, từ đó tìm ra được các loại hoạt chất mới, cho ra đời các loại thuốc mới có hàm lượng công nghệ cao, các loại thuốc đặc trị có thể điều trị những bệnh hiểm nghèo nhằm thay thế thuốc ngoại nhập, đảm bảo nguồn cung cho thuốc trong nước và giảm gánh nặng chi phí cho người bệnh.

Nhật Minh