Ma túy “tem giấy, bùa lưỡi, nước vui...” len lỏi vào trường học

17/10/2020 06:09
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ma túy tổng hợp giá rẻ, dễ cất giấu và sử dụng nên dễ dàng, nhanh chóng len lỏi vào học đường với các tên gọi gây tò mò "tem giấy, bùa lưỡi, nước vui, khô gà...".

Hiện nay, ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Nhiều học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo đã trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán ma túy, tiềm ẩn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong đời sống xã hội, mà trực tiếp là môi trường học đường và bản thân các em học sinh, sinh viên.

Theo báo cáo của Bộ Công an, ma túy tổng hợp có giá rẻ, dễ cất giấu nên len lỏi vào học đường với các tên gọi gây tò mò như "tem giấy", "bùa lưỡi", "nước vui", "trà sữa" hay "khô gà".

Loại ma túy mới tên Bromazepam ngụy trang trong gói nilông có dòng chữ 'Crispy Fruit Mango', còn gọi là nước xoài, trong chứa bột màu vàng. Ảnh: CA.

Loại ma túy mới tên Bromazepam ngụy trang trong gói nilông có dòng chữ 'Crispy Fruit Mango', còn gọi là nước xoài, trong chứa bột màu vàng. Ảnh: CA.

Ngày 2/10/2020, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 5 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam đối với Nguyễn Tiến Đạt (21 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) để điều tra về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Đạt đang là sinh viên một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó tổ trinh sát Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận 5 bắt giữ Nguyễn Tiến Đạt trên đường Hùng Vương, phường 9, quận 5.

Qua kiểm tra, tổ trinh sát phát hiện trong túi áo khoác của Đạt có một gói giấy ghi dòng chữ "Crispy Fruit Mango", bên trong có một gói nilông cũng ghi dòng chữ này chứa chất bột màu vàng nghi là ma túy.

Kết quả giám định kết luận chất bột màu vàng trong gói nilông trên có khối lượng 17,6798 gram, là ma túy ở thể rắn, loại Bromazepam.

Đạt khai nhận đã qua khu vực huyện Nhà Bè gặp một người tên Th. do bạn bè ngoài xã hội giới thiệu để nhận 4 gói "Crispy Fruit Mango" (một loại ma túy Đạt khai là "nước xoài") và giao cho khách của Th. 3 gói, còn 1 gói Đạt đem về cất.

Tại thời điểm bị bắt, Đạt đang giao gói "Crispy Fruit Mango" với giá 2 triệu đồng cho một khách nữ tại một khách sạn ở phường 9, quận 5. Đạt khai biết Th. từ tháng 4/2020 và Th. nhờ Đạt đi giao "Crispy Fruit Mango" và bóng cười.

Đây là lần đầu tiên Công an quận 5 Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện vụ mua bán trái phép loại ma túy mới tên Bromazepam ngụy trang trong gói nilông có dòng chữ 'Crispy Fruit Mango', còn gọi là nước xoài, trong chứa bột màu vàng.

Cuối tháng 8 vừa qua, Công an thành phố Ninh Bình phát hiện, bắt giữ hai học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo khi 2 học sinh này đang bán trái phép hai túi ma túy (dạng cần sa) trước cổng Trường Trung học phổ thông chuyên Lương Văn Tụy (thành phố Ninh Bình).

Thi hành lệnh khám xét nơi ở của một trong hai học sinh trên, Công an thành phố Ninh Bình tiếp tục thu giữ 6 gói cần sa với tổng trọng lượng ma túy thu được là 30,61g.

Hai học sinh khai nhận số ma túy trên là do mua trên mạng Facebook về chia ra bán lại chủ yếu cho học sinh cùng trường để kiếm lời. Vụ việc trên đã một lần nữa cảnh báo về diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong học sinh, sinh viên.

Hiện nay, trên thị trường có hàng trăm loại ma túy đang lưu hành trái phép. Ma túy không chỉ làm hủy hoại sức khỏe bản thân người nghiện, làm hao tốn tiền bạc của gia đình mà còn để lại biết bao hệ lụy cho giới trẻ.

Nguyên nhân dẫn đến học sinh sa ngã vào ma túy được cho là do tâm lý học sinh dễ bị kích động, chưa có bản lĩnh tự chủ trong cuộc sống, dễ bị rủ rê, lôi kéo và thiếu sự giám sát chặt chẽ của gia đình, nhà trường.

Đầu tiên là tò mò thử một lần cho biết, rồi lần 2, lần 3, dẫn đến nghiện và lệ thuộc vào ma túy lúc nào không hay. Khi đã lệ thuộc vào ma túy, các em bị kẻ xấu sai khiến trộm cắp, trấn lột, thậm chí phạm tội hình sự để có tiền hút, chích.

Bộ Công an cho biết thời gian qua, cơ quan chức năng năng phát hiện nhiều vụ tàng trữ, sử dụng ma túy liên quan giới học sinh, sinh viên. Bộ thống kê trong hơn 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, người trong độ tuổi 16-30 chiếm 48%.

Cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều loại ma túy tổng hợp mới xuất hiện, len lỏi vào học đường dưới tên gọi mỹ miều, gây tò mò như “tem giấy”, “bùa lưỡi”, “nước vui”, “trà sữa”, “khô gà” hay "nước xoài".

Theo Bộ Công an, ma túy tổng hợp có giá thành rẻ, dễ cất giấu và sử dụng nên chất cấm này dễ dàng, nhanh chóng len lỏi vào học đường.

Ngoài ra, ma túy tổng hợp trở nên kích thích hơn khi sử dụng kèm với rượu, bia trong môi trường âm nhạc mạnh.

Nhiều loại ma túy mới như cỏ cần sa, kẹo có chất gây nghiện. Ảnh: TD.

Nhiều loại ma túy mới như cỏ cần sa, kẹo có chất gây nghiện. Ảnh: TD.

Nhiều ca cấp cứu là học sinh

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết trung tâm tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân ngộ độc ma túy đến cấp cứu.

Đáng chú ý đã ghi nhận một số ca dương tính với cocain - một loại ma túy phổ biến ở châu Mỹ rất độc với tim mạch. Điều đó cho thấy thị trường ma túy tại Việt Nam đang diễn biến rất phức tạp. Nhiều ca là học sinh.

Theo bác sĩ Nguyên, hiện có rất nhiều loại ma túy, mỗi nhóm ma túy lại có hàng chục chất khác nhau nên việc chẩn đoán, phát hiện chất ma túy rất khó khăn.

Các ca ngộ độc những loại ma túy mới, ma túy tổng hợp (amphetamin và các chất cùng loại, cỏ Mỹ, lá khát, cần sa, ma túy dạng thấm (LSD)...) ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng chủ yếu là người trẻ, thậm chí có nhiều bệnh nhân còn đang là học sinh Trung học phổ thông.

"Ở góc độ y tế, ma túy gây ra những hậu quả nặng nề đối với sức khỏe. Mặc dù ngộ độc ma túy xảy ra với người trẻ song biểu hiện tổn thương cơ tim, suy tim cấp, nhồi máu cơ tim nặng nề, giống hệt như tình trạng sức khỏe của một cụ già.

Ngoài ra, chất ma túy cũng tấn công lên hệ thần kinh, làm người chơi ma túy bị sa sút trí tuệ, kích thích, lơ mơ, lẫn lộn, tâm thần hoang tưởng, ảo giác, có những hành vi, ý tưởng nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh", bác sĩ Nguyên nói.

Trong khi đó, các chất ma túy mới quá đa dạng, nhiều chất, thay đổi liên tục nên các xét nghiệm chẩn đoán không "chạy" theo kịp.

Có những bệnh nhân biểu hiện rõ ràng nhưng xét nghiệm âm tính với ma túy. "Xét nghiệm âm tính không phải vì bệnh nhân không dùng ma túy, mà do chất ma túy mới này hệ thống xét nghiệm không phát hiện ra.

Các loại ma túy mới cũng đã xuất hiện, núp bóng dưới hình thức thuốc, trò chơi rất khó nhận biết. Phụ huynh nên để mắt nhiều hơn đến con trẻ". Ông Nguyên chia sẻ.

Ma túy tổng hợp có giá rẻ, dễ cất giấu nên len lỏi vào học đường với các tên gọi gây tò mò như "tem giấy", "bùa lưỡi", "nước vui", "trà sữa" hay "khô gà". Ảnh: TD.

Ma túy tổng hợp có giá rẻ, dễ cất giấu nên len lỏi vào học đường với các tên gọi gây tò mò như "tem giấy", "bùa lưỡi", "nước vui", "trà sữa" hay "khô gà". Ảnh: TD.

Ma túy gây ảo giác mạnh xuất hiện ở Hà Nội.

Ngày 7/6/2020 ma túy nấm thức thần - chất gây ảo giác mạnh - bị công an phát hiện bắt giữ tại Hà Nội.

Đại tá Nguyễn Văn Viện - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an, cho biết Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội bắt giữ một nam thanh niên tên Nguyễn Trần Tuấn Phương (19 tuổi, trú tại tập thể Học viện Ngân hàng, Quang Trung, Đống Đa) về hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Phương lên mạng Internet học công thức, pha chế, cấy phôi để tự trồng nấm ma túy trong nhà, sau đó rao bán trên mạng xã hội.

Đầu tháng 5/2020, Phương thu được thành phẩm là khoảng 300 gam nấm tươi, sau đó phơi khô thu được xấp xỉ 30 gam rồi đem rao bán. Chiều 7/6, khi đến điểm hẹn để giao dịch mua bán thì Phương bị Công an quận Cầu Giấy phát hiện, bắt giữ.

Qua giám định số cây nấm khô thu được là ma túy loại Psilocine có khối lượng 26,458 gam.

Theo lãnh đạo C04, đây cũng là loại ma túy mới lần đầu bị Công an Thành phố Hải Phòng triệt phá vào năm 2018. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên cơ quan công an phát hiện nấm thức thần tại Hà Nội.

Loại nấm này còn được gọi với những tên khác nhau như nấm thần, nấm ảo giác, nấm ma thuật, nấm thức thần. Nấm có chứa psilocybine, psilocine... là chất gây ảo giác mạnh.

"Những tác dụng phụ khác bao gồm các trạng thái thức thần, buồn nôn, nôn. Đây là chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội, khi người dân sử dụng nấm này sẽ bị tác động đến hệ thần kinh, gây ra trạng thái hưng phấn, kích động, thậm chí ảo giác như có kẻ thù trước mặt đang cầm dao đe dọa... Điều này đã dẫn đến nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng", lãnh đạo C04 cho biết.

Theo C04, ngày càng có nhiều loại ma túy mới được tội phạm điều chế ra qua mỗi năm. Từ năm 2013 chỉ có 230 chất, đến nay đã tăng lên gần 550 chất và hàng trăm tiền chất khác.

Qua giám định số cây nấm khô thu được là ma túy loại Psilocine có khối lượng 26,458 gam.Ảnh: CA.

Qua giám định số cây nấm khô thu được là ma túy loại Psilocine có khối lượng 26,458 gam.Ảnh: CA.

Bác sĩ La Đức Cương - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, cho biết: Ma túy tổng hợp được tạo ra từ các tiền chất và hóa chất. Người sử dụng ma túy tổng hợp sẽ bị kích thích thần kinh, tăng cảm giác hưng phấn.

"Ma túy tổng hợp càng tinh túy thì mức độ kích thích, hưng phấn càng tăng nhiều, có thể gấp rất nhiều lần so với ma túy tự nhiên", ông Cương nhấn mạnh.

Bác sĩ Cương cho biết tâm lý chung của giới trẻ thường thích sự hưng phấn và cảm giác được kích thích thần kinh. Do đó, người trẻ sử dụng ma túy ngày càng tăng.

Ma túy tổng hợp ngụy trang dưới các hình dạng mới như "nước xoài", "trà sữa" hay "tem, bùa" rất dễ cất giấu, dễ sử dụng nên chất cấm nhanh chóng len lỏi vào học đường để đầu độc giới trẻ.

Bromazepam là loại chất ma túy thuộc danh mục III, Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Bromazepam là chất ma túy mới được phát hiện đầu tiên trên địa bàn quận 5. Công an quận 5 đã ra thông báo đến các đơn vị để phối hợp thực hiện khi gặp loại ma túy trên.

Tùng Dương