Nếu mất cảnh giác, nhiều gia đình có thể bị hủy hoại sức khỏe

19/07/2020 10:43
Trúc Diệp
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một trong những vấn đề mà Cục An toàn thực phẩm liên tục chú trọng tuyên truyền hàng năm là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.

Hiện nay, tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… đang diễn ra tình trạng nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua thực phẩm bán qua mạng xã hội.

Ban đầu xuất phát từ một số cá nhân đơn lẻ, sau vài lần đã tạo thành những nhóm lớn với rất nhiều quảng cáo kiểu “thực phẩm nhà làm”; “gà nhà nuôi”; “rau nhà trồng”… tất cả đều được tự quảng cáo rằng “sạch 100%”. Hình thức kinh doanh này trên thực tế đã xuất hiện vài năm nay và gần đây thì được tận dụng nhiều hơn, do bán hàng qua các kênh từ mạng xã hội sẽ tiết kiệm chi phí khá nhiều do không cần mặt bằng, cần ít nhân viên, thậm chí không phải nộp thuế… tuy nhiên chất lượng của những sản phẩm này như thế nào luôn là một câu hỏi thường trực đặt ra với người tiêu dùng.

Thực tế thì có những cơ sở kinh doanh luôn giữ uy tín, không làm ăn gian dối, nhưng cũng có những nơi lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người tiêu dùng và trộn vào những sản phẩm kém để bán kèm theo sản phẩm thật, nhất là những thực phẩm đã được làm chín rất khó phát hiện ra họ đã cho những gia vị nào, tỷ lệ bao nhiêu, có đảm bảo quy định cho phép của cơ quan quản lý không? Các chất bị cấm có được loại bỏ hoàn toàn không?

Chị Phạm Thu ở quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ, do công việc khá bận bịu cho nên chị thường phải đi chợ qua mạng. Sau khi chốt đơn hàng và chuyển khoản thì sẽ có người mang hàng tới địa chỉ giao. Từ kinh nghiệm mua sắm, chị Thu nói: “Không giống như sản phẩm ở ngoài chợ thì mỗi chúng ta đều có thể cảm nhận bằng mắt thường về độ tươi ngon, những mớ rau quá tươi tốt mơn mởn cũng có thể khiến người tiêu dùng dè chừng. Hay nếu vào siêu thị thì người tiêu dùng khá yên tâm vì ở đó sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm định chất lượng và luôn có đội ngũ kiểm tra, đồng thời nhận các phản hồi từ khách hàng dù là nhỏ nhất. Những sản phẩm chất lượng kém sẽ không có chỗ đứng hoặc dần dần bị loại bỏ hết.

Tuy nhiên, mua qua mạng thì người tiêu dùng phải chọn được những địa chỉ bán hàng có uy tín, có nhiều phản hồi tốt từ cộng đồng mạng. Có nhiều người thiếu kinh nghiệm hoặc không coi trọng việc kiểm tra uy tín của đơn vị bán hàng đã mua phải các sản phẩm kém chất lượng. Mất tiền chỉ là một chuyện nhỏ, nhưng sản phẩm ấy mà gây ra ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thì không thể xem thường, nhất là trong gia đình bạn có người già, trẻ nhỏ là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất”.

Trong khi đó chị Mai Lan (ở quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) thì chia sẻ một kinh nghiệm: “Mua thực phẩm qua mạng xã hội hay bất cứ món đồ gì thì điều đầu tiên cần chú ý là nhà cung cấp luôn có số điện thoại cố định có thể là số hotline nhưng không bao giờ thay đổi, để luôn nhận mọi phản hồi. Thậm chí có những cửa hàng sẵn sàng cho khách kiểm tra thực phẩm xong xuôi mới thanh toán tiền, điều đó cho thấy họ bán sản phẩm đàng hoàng, tự tin với dịch vụ cung cấp.

Tuy vậy những sản phẩm đã làm chín luôn là một thách thức với chị em nội trợ, nhiều món đồ họ làm khá hấp dẫn và thường trẻ con rất thích, do đó các bà mẹ thường mềm lòng mua cho con. Nhưng họ đã dễ dãi và bỏ qua cơ hội kiểm tra chất lượng sản phẩm, bởi vì thực phẩm đã được tẩm ướp chiên rán lên thì không thể biết được nó còn tươi hay đã ôi thiu từ trước. Khi thực phẩm bị ôi thiu có thể sinh ra các vi khuẩn gây hại cho hệ tiêu hóa, đó là chưa kể bạn không thể biết nơi chế biến có đảm bảo an toàn vệ sinh hay không”.

Luôn phải cảnh giác với những thực phẩm mua bán qua mạng.

Luôn phải cảnh giác với những thực phẩm mua bán qua mạng.

Hiện nay chưa có quy định cụ thể, chi tiết đối với việc bán hàng thực phẩm trên mạng xã hội, cũng như chưa có đơn vị, cơ quan nào chuyên trách kiểm tra, kiểm soát chất lượng các loại thực phẩm này. Tuy nhiên, theo Luật An toàn thực phẩm, đã là thực phẩm thì phải bảo đảm an toàn vệ sinh cho người sử dụng bất kể bán ở đâu, bằng hình thức nào. Vì vậy vấn đề quan trọng là người tiêu dùng phải cẩn trọng, tỉnh táo khi chọn mua những thực phẩm yêu thích, nhất là trong những ngày lễ tết.

Theo ông Đỗ Ngọc Chính - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng, Hội Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam, hiện nay đã có những quy định để quản lý và kiểm soát hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, phần lớn người dân bán thực phẩm trên mạng thường không đăng ký kinh doanh, các sản phẩm không dán tem mác, nơi sản xuất nên công tác kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Về phía người tiêu dùng, không ít người chưa thấy được trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia mua hàng thực phẩm online; nhiều người còn cả tin và dễ dãi trước những lời quảng cáo có cánh.

Sự dễ dãi này của người tiêu dùng có lý do chính, từ việc thiếu kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu biết một danh mục các yêu cầu đối với sản xuất hàng hóa thực phẩm, từ việc chứng minh thành phần nguồn gốc đến quy trình sản xuất đóng gói, dán nhãn, quy trình bảo quản, phân phối… đòi hỏi phải đạt các tiêu chuẩn khắt khe ra sao, thì hẳn người mua sẽ không dễ đặt niềm tin vào những loại thực phẩm không hề được kiểm tra, kiểm soát. Cùng với đó, việc đua nhau kinh doanh thực phẩm online cũng cho thấy cả liều lĩnh của người bán.

Nhiều gia đình vẫn lựa chọn siêu thị để mua thực phẩm do quy trình kiểm soát chặt chẽ, an toàn.

Nhiều gia đình vẫn lựa chọn siêu thị để mua thực phẩm do quy trình kiểm soát chặt chẽ, an toàn.

Vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là một trong những vấn đề nóng bỏng trong xã hội, các quy định được đặt ra khá chặt chẽ để kiểm soát, xử lý về những hành vi sai phạm, tuy nhiên thực tế vẫn còn rất nhiều vi phạm.

Chính vì thế mà tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm diễn ra đầu tháng 1 năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm hoặc xử lý hành chính hoặc hình sự, chứ không bỏ qua bất cứ vụ việc nào, chứ không chỉ tuyên truyền, giáo dục, vận động mà cả xử lý nghiêm.

Nhấn mạnh việc truyền thông đầy đủ về an toàn thực phẩm, Thủ tướng nêu rõ, không đẩy mạnh tuyên truyền, sao nhãng một bước thì ảnh hưởng lớn, gây chùn bước, thụt lùi không chỉ về an toàn thực phẩm mà cả các vấn đề khác như môi trường.

Tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cho biết, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khoẻ của nhân dân, nòi giống, sức cạnh tranh của nền kinh tế, năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường quốc tế.

“Việc sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm không an toàn là vi phạm pháp luật, phi đạo đức, ích kỷ hại nhân, trái với luân thường đạo lý, với truyền thống nhân ái của dân tộc. Những hành vi này cần được chỉ rõ, lên án và xử lý nghiêm”, ông Đam nhấn mạnh.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 13, với chế tài xử lý vi phạm tăng cao, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra, số cơ sở bị xử lý trung bình/năm, số tiền phạt trung bình/năm đều tăng lên rõ rệt.

Cụ thể, từ năm 2017-2019, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra trung bình/năm là 712.960 cơ sở (tăng 21,9% so với giai đoạn 2011-2016); số cơ sở bị xử lý trung bình/năm là 55.207 cơ sở (tăng 50,5%); số tiền xử phạt trung bình/năm là 187,8 tỷ đồng (tăng gấp 3,1 lần).

Cơ quan chức năng cũng đã khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về ATTP và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Đây là một điểm mới trong xử lý vi phạm an toàn thực phẩm so với trước khi có Chỉ thị 13.

Cùng đó, các cơ quan chức năng đã tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề nóng gây bức xúc trong nhân dân như sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Từ đầu năm 2017 đã không phát hiện các mẫu thịt nhiễm Salbutamol, tỷ lệ thực phẩm vi phạm các chỉ tiêu về kháng sinh giảm mạnh (năm 2018 chỉ còn 0,2%, so với năm 2016 là 1,76%).

Đặc biệt, năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 2.000 người mắc, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong. So với năm 2018, số vụ giảm 32 vụ (29,6%), số mắc giảm 1.478 người (42,6%), số đi viện giảm 1.135 người (37,2%), số tử vong giảm 9 người (52,9%).

Dù vậy, Chính phủ và các cơ quan chức năng đều chung nhận định, thách thức trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta hiện vẫn rất lớn khi cả nước có tới hơn 8 triệu cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm còn khó khăn; thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn còn.

Trúc Diệp