Nhiều em bé thoát khỏi tử thần nhờ bản lĩnh của các bác sĩ

29/10/2019 06:19
Hoàng Quỳnh
(GDVN) - Nhiều bệnh nhi vào viện trong tình trạng tính mạng chỉ còn mong manh như sợi tơ rất may, nhờ chuyên môn, bản lĩnh của đội ngũ y bác sĩ, các em đã được sống.

Cứu sống cháu bé uống xăng sau 5 phút nhập viện

Sáng 29/7, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã cấp cứu kịp thời cho trường hợp bệnh nhi 3 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch do uống nhầm xăng.

Trước đó, vào ngày 21/7, bé P. H. V. (3 tuổi, trú xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam nhập viện trong tình trạng tím môi, ho và ngất do uống nhầm xăng. Sau đó, bé V. được xử trí cấp cứu, cho thở oxy và chuyển khoa Nhi để điều trị hồi sức.

Việc uống nhầm xăng đã khiến cho bé bị viêm phổi nặng, suy thận và xuất huyết tiêu hóa.

Chỉ sau khoảng 5 phút nhập viện, tình trạng diễn tiến của bệnh nặng hơn, bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp nặng, nôn và tiểu ra máu.

Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam nơi bé V. được cứu sống kịp thời.
Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam nơi bé V. được cứu sống kịp thời.

Trong lúc nguy cấp, bé V. đã được ê-kíp các bác sĩ khoa Nhi điều trị hồi sức tích cực, truyền dịch, cho thở áp lực dương liên tục qua mũi và kháng sinh tĩnh mạch giúp bé V. vượt qua cơn nguy hiểm. Sau đó, tình trạng sức khỏe của bé V. đã dần ổn định.

Bác sĩ Vũ Bảo Thanh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho hay, việc uống nhầm xăng, dầu, hóa chất là tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.

Xăng dầu là hóa chất bay hơi nên dễ hít vào phổi, nếu lượng xăng dầu vào phổi nhiều sẽ có nguy cơ gây suy hô hấp nặng, thiếu oxy trầm trọng dẫn đến tử vong.

Cứu sống cháu nhỏ bị thanh sắt đâm thấu ngực

Ngày 23/8, các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đã cứu sống một bệnh nhi bị thanh sắt đâm thấu ngực do rơi từ trên cao xuống.

Sự việc xảy ra ngày 17/8, trong khi trèo cây chơi trốn tìm cùng các bạn, em Trần Anh D. (13 tuổi, trú ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) không may bị sẩy chân rơi tự do xuống trúng ngay hàng rào sắt phía dưới.

Em D. bị đầu sắc nhọn đâm xuyên cơ thể, treo cậu bé lơ lửng. Phát hiện sự việc, người thân đã khẩn trương cắt rời các thanh sắt để đưa cậu bé đi cấp cứu trong tình trạng tấm rào còn dính chặt trên cơ thể, phần cọc sắt sắc nhọn dài hơn 10cm đã xuyên dọc thành ngực trái bệnh.

Phim chụp X - quang của cháu Trần Anh D.
Phim chụp X - quang của cháu Trần Anh D.

Bác sĩ Chuyên khoa I Hồ Thái Phúc, Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) cho biết: “Qua hình ảnh phim X - quang, các bác sĩ xác định vết đâm của ngạnh sắc nhọn hàng rào đã chạm tới nền đầu của bệnh nhân.

Êkip phẫu thuật đã cố gắng tháo đầu sắc nhọn này, và sẵn sàng xử lý các tình huống tổn thương các mạch máu lớn, gây nên tình trạng chảy máu ồ ạt, đe dọa tính mạng của bệnh nhi ngay trên bàn mổ”.

Theo bác sĩ Phúc, may mắn là vật sắc nhọn không làm mạch máu lớn và nội tạng bị tổn thương. Bệnh nhân bị đứt cơ ngực lớn, cọc sắt hàng rào tạo nên đường hầm trong khoang ngực kéo dài trên 10cm. Chúng tôi đã rút được dị vật ra khỏi cơ thể cậu bé an toàn. Đồng thời, lau rửa, sát trùng vết thương, dẫn lưu đường hầm, khâu cơ ngực lớn và da liền lại.

Sau gần 1 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhi đã dần ổn định và có thể xuất viện trong những ngày tới.

Cứu sống thần kỳ bé sơ sinh ngưng tim bị bỏ rơi

Ngày 23/6, Khoa Cấp cứu tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân 115 (Thành phố Hồ Chí Minh) đã có ca trực hi hữu khi cấp cứu một bé sơ sinh bị ngưng tim, ngưng thở do sản phụ đẻ rơi.

Sản phụ là một cô gái 20 tuổi vào viện trong tình trạng người nhà không biết bị bệnh gì, các bác sĩ thăm khám vùng thân dưới của cô gái, thấy một khối tím đen, nhận ra đó là một hài nhi đã bất động nên vội vã huy động ê kíp cấp cứu.

Gần như cả kíp trực lao đến, trong đó một bác sĩ vừa tan ca đã thay đồ tan ca thấy tình hình nguy hiểm cũng chạy vào vào cấp cứu.

Quy trình báo động đỏ nội viện được khởi động, vài phút sau, bác sĩ gây mê hồi sức và các ekip khoa Hồi sức sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương đã có mặt.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Ngọc Thúy Hằng, trưởng kíp trực dã cứu sống cháu bé bằng bản lĩnh, chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp của mình.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Ngọc Thúy Hằng, trưởng kíp trực dã cứu sống cháu bé bằng bản lĩnh, chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp của mình.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Ngọc Thúy Hằng, trưởng kíp trực hôm đó cho biết: “5 phút, 10 phút, 15 phút… tâm trạng của cả ekip lên xuống theo từng nhịp đập của trái tim bé nhỏ, lúc có lúc không, lúc thì nhè nhẹ xong lại mất hút.

Những nỗ lực giành giật mạng sống từ tay tử thần
Những nỗ lực giành giật mạng sống từ tay tử thần

Khoảnh khắc giành giật sự sống cho cháu bé dường như dài vô tận. Hy vọng tắt dần vì thông thường, một người ngưng tim, ngưng thở vài phút đã có thể tử vong.

Phút thứ 20, niềm vui vỡ òa khi monitor ghi nhận nhịp tim của bé trở lại đều đặn. Và kỳ diệu thay, mắt và chân tay của bé đã có những phản xạ yếu ớt đầu tiên.

Ekip cấp cứu mừng rơi nước mắt: “Con đã sống, con đã sống rồi!”.

Hai mẹ con được đưa lên hai chiếc xe cứu thương để chuyển sang hai bệnh viện sản và nhi. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm hồi sức sơ sinh nhất của Bệnh viện Hùng Vương - người cũng tháp tùng chuyến xe của cháu bé để đảm bảo việc chuyển viện được tiến hành tốt nhất.

Ngày 26/6, bé đã tự thở tốt, ngưng hỗ trợ oxy. Tín hiệu điện não cũng phục hồi, tốt lên từng ngày, cho thấy công tác cấp cứu ban đầu rất hoàn hảo, không chỉ giữ bé ở lại với cuộc đời, mà còn tránh cho bé nguy cơ bị bại não.

Cứu thành công bệnh nhi 4 tuổi đứt phế quản nguy kịch

Bệnh nhi là T.H.T. (4 tuổi) trú tại xã Quảng Long, huyện Hải Hà, Quảng Ninh nhập viện tối 8/6 trong tình trạng tím tái, khó thở nhiều, chảy máu mũi miệng, sưng nề nhiều vùng đầu mặt và ngực.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã cùng các bệnh viện lớn tuyến trung ương cứu sống cháu bé một cách hi hữu.

Khi bé T.H.T nhập viện Bác sĩ kiểm tra thấy dẫn lưu ngực hai bên ra khí liên tục, tràn khí dưới da nhiều vùng ngực, bụng, cổ, mất nhiều máu qua dẫn lưu màng phổi.

Kết quả kiểm tra chụp CT cho thấy cháu T. bị đa chấn thương, nghiêm trọng nhất là phần phế quản gốc phải bị đứt gây suy hô hấp nhanh, chèn ép phổi tim.

Bệnh nhi T.H.T lúc nằm trên giường bệnh.
Bệnh nhi T.H.T lúc nằm trên giường bệnh.

Nhận thấy đây là trường hợp chấn thương vô cùng phức tạp, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã chỉ định phẫu thuật khẩn cấp cùng với hội chẩn từ xa qua điện thoại cùng với chuyên gia đầu ngành của tuyến trung ương để đưa ra phác đồ xử trí kịp thời, chính xác, đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhi.

Kíp cấp cứu xuyên đêm do Bác sĩ Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh làm kíp trưởng phối hợp chặt chẽ với tất cả chuyên khoa Nhi, Hồi sức tích cực và Gây mê để thực hiện mở cấp cứu lồng ngực, kiểm tra thấy phế quản gốc phải bị đứt rời khỏi ngã ba khí phế quản gây tình trạng suy hô hấp do không khí không vào được hai phổi, nồng độ oxy trong máu sụt nghiêm trọng dần xuống 0, nhịp tim chậm dần, rời rạc.

Qua vết mổ ngực bên phải, phẫu thuật viên đã nhanh chóng tìm đoạn phế quản phải bị đứt cũng như phế quản gốc bên trái để đưa ống nội khí quản vào, tái lập thông khí hai phổi.

Cứu sống bệnh nhân nhờ những giọt máu hồng của bác sĩ
Cứu sống bệnh nhân nhờ những giọt máu hồng của bác sĩ

Sau khi hồi sức tích cực tim phổi bằng hệ thống nhân tạo này,tim bệnh nhi đập đều trở lại, nồng độ oxy máu được duy trì >90% đủ để thực hiện khâu nối lại phế quản phải vào ngã ba khí phế quản.

Sau 3 tiếng phẫu thuật căng thẳng, tình trạng cháu T. tiến triển tích cực, không còn tràn khí màng phổi, cải thiện tình trạng suy hô hấp, dấu hiệu sinh tồn ổn định, duy trì an thần thở máy và tiếp tục được đội ngũ bác sĩ hồi sức theo dõi chặt chẽ.

Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện phương pháp này tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Để có thể cứu sống thành công bệnh nhi nhỏ tuổi bị tai nạn nghiêm trọng từ tuyến dưới chuyển lên, không chỉ bằng hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng quá trình đánh giá, chẩn đoán tổn thương chính xác và sự tự tin, bản lĩnh về chuyên môn, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện phẫu thuật của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh mà còn nhờ sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa tuyến huyện, tuyến tỉnh và trung ương.

Nhất là với sự hỗ trợchuyên môn từ xa của đội ngũ chuyên gia đầu ngành cả nước đã giúp cứu sống bệnh nhân khỏi lưỡi hái tử thần, mang lại hy vọng sống cho người bệnh khi được cấp cứu tại chỗ trong khoảng thời gian vàng”.

Hoàng Quỳnh