Những ca mổ của các bác sĩ Việt Nam lọt top 100 nhà khoa học tiêu biểu Châu Á

23/07/2019 10:23
Tùng Dương
(GDVN) - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc - công nghệ Gen Vinmec lọt vào danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu Châu Á 2019.

Tạp chí Asian Scientist (Singapore) vừa công bố kết quả bình chọn danh sách 100 nhà nghiên cứu tiêu biểu Châu Á năm 2019.

Việt Nam vinh dự có hai nhà khoa học lọt vào danh sách này là: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc - công nghệ Gen Vinmec (VRISG).

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp - Trường Đại Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc - công nghệ Gen Vinmec. Ảnh: VOV.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc - công nghệ Gen Vinmec. Ảnh: VOV.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp - Trường Đại Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: VOV.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp - Trường Đại Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).  Ảnh:  VOV.

Bài giới thiệu về Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm trên tạp chí Asian Scientist có đoạn: Trong suốt sự nghiệp của mình, Giáo sư Liêm đã không ngừng tìm cách cải tiến các quy trình phẫu thuật hiện có và phát minh ra những phương pháp mới để giảm rủi ro cho bệnh nhân và phát triển lên một tầm cao mới.

Ông là bác sĩ phẫu thuật đầu tiên ở Việt Nam thực hiện một ca phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu cho một em bé vào năm 1997 và cũng đã tiến hành ca ghép thận và gan đầu tiên tại bệnh viện nhi ở Việt Nam.

Nhận thấy có những căn bệnh mà ngay cả phẫu thuật cũng không thể giúp được, Giáo sư Liêm bắt đầu quan tâm đến nghiên cứu di truyền và tế bào gốc. Hiện, ông là Viện trưởng của Viện nghiên cứu Vinmec về công nghệ tế bào gốc và gen.

Đặt nền móng cho phẫu thuật nội soi nhi khoa tại Việt Nam

Năm 1997, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm được giới y khoa quốc tế biết tới khi trở thành người đầu tiên nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi để điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á tiến hành phẫu thuật nội soi cho trẻ em.

Ông đồng thời cũng là phẫu thuật viên hàng đầu thế giới về phẫu thuật nội soi nhi điều trị u nang ống mật chủ.

Ông đã có 11 công trình khoa học công bố trong 2 lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy ứng dụng các kỹ thuật đó trở thành thường quy ở nhiều trung tâm trên thế giới.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ: “Kỹ thuật mổ phình đại tràng bẩm sinh trước đây Việt Nam mổ rất vất vả, biến chứng nhiều bởi một bệnh nhi phải mổ 3 - 4 lần, cứ 3 - 4 tháng lại lên bàn phẫu thuật một lần. Tôi đã sáng tạo và giảm xuống mổ còn 2 lần cho bệnh nhi, rồi 1 lần mổ nhưng vẫn chưa thoả mãn bởi đường mổ mở lớn nên tôi mạnh dạn mổ nội soi và đã thành công”.

Năm 2001, Giáo sư Liêm có ý tưởng mổ nội soi lồng ngực để chữa thoát vị cơ hoành cho trẻ nhỏ nhưng lúc đó không làm được vì phương tiện của mình chưa có đủ.

“Tôi đã thảo luận với một giáo sư người Pháp về vấn đề này. Giáo sư đó đã về Pháp và thực hiện ca mổ đầu tiên theo phương pháp tôi nghĩ ra trên một trẻ nhỏ 7 tháng tuổi.

Năm 2002, Việt Nam đã có được phương tiện phẫu thuật cần thiết, trên cơ sở đó tiến hành trên những trẻ hơn 7 tháng thành công. Tôi nghĩ nếu đã mổ được cho trẻ 7 tháng tuổi thì cớ sao không thể mổ cho trẻ nhỏ tuổi hơn. Đương nhiên, phải lường trước những khó khăn đặc biệt và thảo luận với kíp gây mê hồi sức rất kỹ lưỡng để tránh rủi ro”, Giáo sư Liêm nói.

Tháng 2/2002, ca mổ nội soi lồng ngực điều trị thoát vị cơ hoành cho trẻ sơ sinh thành công.

Đến nay, giới phẫu thuật nhi khoa thế giới công nhận Việt Nam đi tiên phong về phẫu thuật nội soi điều trị u nang ống mật chủ, với kinh nghiệm phẫu thuật cho hàng ngàn trường hợp và phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị cơ hoành cho hàng trăm ca.

Sau khi nghiên cứu thành công, Giáo sư Liêm đã mổ nội soi ở trẻ lớn và bắt đầu thực hiện dần ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh sau 2 - 3 ngày sinh và trên bệnh nhi đang thở máy cao tần.

Giáo sư Liêm đã sáng tạo nên nhiều phương pháp mổ nội soi mới và đóng góp nhiều cải tiến cho nhiều kỹ thuật mổ khác.

Đặc biệt, ông đã được mời viết kỹ thuật mổ của kỹ thuật Nội soi u nang ống mật chủ cho 2 quyển sách giáo khoa phẫu thuật nhi thế giới: “Operative Pediatric Surgery” xuất bản tại Anh năm 2013 và “Ashcraft’s Pediatric Surgery” xuất bản tại Mỹ năm 2014...

Với hơn 200 công trình nghiên cứu y học, trong đó có 75 công trình nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí y học uy tín của Mỹ và Châu Âu, ông cũng là bác sĩ đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của Việt Nam được nhận giải thưởng danh giá Nikkei Châu Á về khoa học – công nghệ năm 2018.

Ông luôn tâm niệm: “Tôi luôn tìm cái gì hay hơn cái đã làm”. Có lẽ vì thế mà dù đã là một chuyên gia hàng đầu về ngoại nhi ở Việt Nam và thế giới nhưng Giáo sư Liêm vẫn không ngừng trăn trở.

Nhiều gia đình trong và ngoài nước vẫn tìm đến ông với hy vọng chữa trị khỏi bệnh. Trong đó, có những em bé bị bệnh khó như bại não, tự kỷ, thoát vị màng não tủy, teo đường mật bẩm sinh…

Phòng nghiên cứu gen - Viện nghiên cứu Tế bào gốc - công nghệ Gen Vinmec (VRISG). Ảnh: VOV.
Phòng nghiên cứu gen - Viện nghiên cứu Tế bào gốc - công nghệ Gen Vinmec (VRISG).  Ảnh: VOV.

Từ năm 2014, Giáo sư Liêm lại tiếp tục nghiên cứu ở một lĩnh vực mới, đó là ghép tế bào gốc, tự mày mò, học hỏi.

Bệnh nhi 2 tuổi đầu tiên bị bại não do nhiễm trùng máu, thiếu oxy não phải sống thực vật, đã có tiến triển tốt sau ghép tế bào gốc. Nhiều trẻ bại não đã cải thiện chức năng vận động và phát triển trí tuệ sau điều trị, thay đổi cuộc sống.

Với sự cẩn trọng và tận tâm, mỗi ca ghép cho các bệnh nhi, Giáo sư Liêm đều trực tiếp thăm khám và chỉ định nhằm đảm bảo kết quả tốt nhất cho bệnh nhi, đề tài nghiên cứu mang về những kết quả tích cực ngoài mong đợi.

Những ca mổ của các bác sĩ Việt Nam lọt top 100 nhà khoa học tiêu biểu Châu Á ảnh 4

Vinmec triển khai liệu pháp mới điều trị ung thư

Giáo sư Liêm mở rộng hướng nghiên cứu sang điều trị cho những trẻ bị tổn thương não do chứng vàng da sơ sinh; ghép tế bào gốc cho trẻ bị tự kỷ; ghép tế bào gốc cho người bị teo đường mật bẩm sinh, thoát vị màng não xơ phổi ở trẻ nhỏ, xơ gan, thoái hóa khớp.

Tạp chí di truyền quốc tế uy tín Human Mutation (IF 4,5) vừa công bố “Nghiên cứu về bộ gen của người Việt” do các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Tế bào gốc - công nghệ gen Vinmec (VRISG) thực hiện.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm - Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam đã độc lập tiến hành các công nghệ phức tạp để giải mã và phân tích dữ liệu về hệ gene của người Việt với số lượng lớn nhất.

Đây là nghiên cứu lớn và công phu nhất về bộ gen người Việt từ trước đến nay, bộ dữ liệu này giống như cuốn từ điển để ngành y làm cơ sở có những tham chiếu quan trọng cho các nghiên cứu y - sinh học liên quan đến sức khỏe, bệnh tật và nhân chủng học của người Việt.

Tôi cũng khá bất ngờ về nguồn gốc của người Việt khi phát hiện về y sinh cho thấy chúng ta có liên quan người Thái. Gen của người Việt khác rất nhiều gen người Trung Quốc.

Điều này chứng minh dù bị đô hộ hàng nghìn năm, dân tộc mình không những giữ được ngôn ngữ riêng, mà cả bộ gen", Giáo sư Liêm nói.

Nghiên cứu trên đã được hội đồng chuyên môn của tạp chí lựa chọn là một trong những nghiên cứu xuất sắc, được đăng tải rộng rãi, khẳng định khả năng nghiên cứu chuyên sâu, độc lập và bắt kịp xu hướng của các nhà khoa học Việt Nam .

Hiện Vinmec đang kết hợp cùng Viện Big Data thuộc Tập đoàn Vingroup tiếp tục nghiên cứu giải trình tự hệ gen cho hơn 1.000 người Việt.

Mục tiêu là triển khai xây dựng “Lá tử vi sinh học” nhằm phát hiện sớm và ngăn ngừa bệnh tật liên quan các nhiều vấn đề sức khỏe của người Việt hiện nay.

Tùng Dương