Những cái nhìn thiển cận về ngành y không làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn

13/11/2019 13:33
Trần Phương
(GDVN) - Thật đáng tiếc trong số nhiều vụ hành hung nhân viên y tế đã xảy ra thì có cả sự tham gia của những người "mũ cao, áo dài", có địa vị xã hội.

Theo thống kê của Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tính từ năm 2010 đến năm 2017, cả nước ghi nhận có ít nhất 20 vụ việc điển hình về mất an ninh trật tự ở bệnh viện.  Các vụ việc chủ yếu xảy ra chủ yếu ở tuyến tỉnh chiếm 60%, tuyến trung ương chiếm 20%. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ chiếm 70%, điều dưỡng 15%.

Có đến 90% các vụ việc  xảy ra trong khuôn viên bệnh trong khi các thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm tới 60%). 30% số vụ việc là xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh.

Đáng lo ngại là dù xã hội đã nhiều lần lên án nhưng tình trạng bạo lực đối với đội ngũ nhân viên y tế, bác sĩ không những không giảm mà còn có nhiều dấu hiệu phức tạp.

Bạo lực với ngành Y chỉ là cách của những người thiển cận, nó không làm ngành y tế tốt hơn mà chỉ làm xấu đi. Ảnh: Giaoduc.net.vn
Bạo lực với ngành Y chỉ là cách của những người thiển cận, nó không làm ngành y tế tốt hơn mà chỉ làm xấu đi. Ảnh: Giaoduc.net.vn

Rất nhiều máu của nhân viên y tế đã đổ bởi những hành vi côn đồ của người nhà bệnh nhân, thậm chí đã có bác sĩ mất mạng trong ca trực.

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội đã từng bức xúc khi nói về những hành vi côn đồ nhằm vào nhân viên y tế.

Ông nói: “Qua nắm bắt thông tin vụ việc tôi thực sự phẫn uất. Việc đánh bác sĩ như vậy là không thể chấp nhận được. Như thế là loạn, loạn thực rồi!”.

Hệ thống y tế được thiết kế với nhiệm vụ cụ thể là bảo vệ con người và không làm hại bất cứ ai; mà bác sĩ cũng chính là con người, họ cần được bảo vệ ngay trong hệ thống của mình.

Thế nhưng với những vụ việc xảy ra trong thời gian qua đang cho thấy bác sĩ đang là đối tượng dễ bị hành hung nhất.

Tự bao giờ, nghề cao cả như nghề Thầy thuốc đã bị vùi xuống dưới đáy xã hội, mặc cho mọi người cùng dẫm đạp?

Không ai biết nhưng ai cũng cho mình lí do và cái quyền để làm điều đó.

Nó như điều mặc nhiên khiến các y bác sĩ trở nên lầm lũi hơn, xa cách hơn và bỏ qua khao khát mong muốn được ai đó lắng nghe hay được thấu hiểu.

Nó không phải là tiếng kêu xé lòng hay gào lên bất lực, nó là tiếng cười chát đắng đầu môi để những người mỗi ngày làm công việc giành giật mạng sống từ tay Thần Chết có thể bước tiếp với câu nói đau lòng tự an ủi nhau “nghề Y bạc lắm!”.

Đã có rất nhiều, rất nhiều những ca bệnh phức tạp, mạng sống chỉ còn mong manh như sợi tơ nhưng với bản lĩnh về chuyên môn, nghề nghiệp, các bác sĩ đã bỏ qua những nghiệt ngã của miệng lưỡi thế gian, nắm đấm của kẻ côn đồ giành lại mạng sống cho người bệnh.

Phẫu thuật lồng ngực tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Phẫu thuật lồng ngực tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Những bệnh nhân đã xin về nhà chờ chết như bệnh nhân H.V.V. (61 tuổi, ở Hưng Yên), người nhà đã xin bác sĩ cho về nhà chờ chết nhưng với hi vọng còn nước, còn tát, bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã thành công trong việc giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Ngày 9/8/2019, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), gạt hết quy trình, chấp nhận rủi ro cứu sống sản phụ Vũ Thị Linh (đã đổi tên), 28 tuổi. Chị Linh vào viện lúc gần 2 giờ sáng 7/8 trong tình trạng vỡ ối.

Kiểm tra bác sĩ xác định sản phụ mang thai 37 tuần, ngôi đầu, ối vỡ sớm và sa dây rốn.

Tuy nhiên, nhận định bệnh cảnh có sa dây rốn, đặc biệt khi có vỡ ối, còn tim thai thì đây là trường hợp cấp cứu khẩn cấp, các bác sĩ nếu không tiến hành phẫu thuật nhanh, xử trí đúng sẽ không cứu được thai nhi.

Các bác sĩ khoa Sản, khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức đã nhanh chóng "bỏ qua" quy trình chuẩn của chuyên môn phải có xét nghiệm để đánh giá tình trạng người bệnh trước mổ. Cùng đó, ê kíp cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi phẫu thuật người bệnh có thể có tai biến khi chưa có kết quả xét nghiệm.

May mắn, 7 phút sau, em bé sơ sinh cất tiếng khóc chào đời, khỏe mạnh. Ngay sau bóc rau, các bác sĩ đã phát hiện sản phụ bị dây rốn bám màng. Với bệnh cảnh này, nguy cơ đứt dây rốn khi chuyển dạ dẫn đến mất tim thai là rất lớn.

Tăng cường quản lý hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân
Tăng cường quản lý hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân

Không chỉ cứu người già, trẻ sơ sinh… hàng ngàn, hàng vạn những tình huống y khoa khác đã được đội ngũ y bác sĩ làm việc hết mình và thành công trong các ca y tế khó.

Theo thống kê, hiện cả nước có 14.000 cơ sở khám, chữa bệnh, lực lượng bác sĩ đạt tỷ lệ 8,2 Bác sĩ/10.000 dân, cao hơn một số nước trong khu vực; tuổi thọ người Việt Nam ngày càng nâng cao; các bệnh viện cũng ngày càng làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại.

Trong những năm gần đây, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của ngành y tế nước ta luôn đạt được những thành tựu to lớn.

Nhiều kỹ thuật mới ở Việt Nam đã phát triển tương đương các nước trong khu vực và các nước phát triển, bên cạnh đó, trong nhiều lĩnh vực chúng ta đã đi tiên phong và truyền kinh nghiệm, giảng dạy cho các bác sỹ nước ngoài.

Không chỉ đạt được những thành tựu cao trong y dược mà còn là một trong số ít nước đã đạt được mục tiêu phát triển như: Giảm tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi, dưới 1 tuổi, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ số tử vong mẹ giảm mạnh từ những năm 1990, khống chế bệnh sốt rét, HIV/AIDS và các bệnh dịch lây nguy hiểm…

Đó là những con số đáng để ngành y được xã hội nhìn nhận một cách khách quan.

Tồn tại của ngành y, sự bức xúc về những việc chưa tốt của y tế và bạo lực đối với đội ngũ, nhân viên y tế là hai vấn đề cần phải được tách biệt.

Ngành y hay bất kỳ ngành nghề gì trong xã hội đều có những mặt tốt và mặt chưa tốt.

Sự cố y khoa không ai dám khẳng định không thể xảy ra. Việc này cần những nhà chuyên môn nhìn nhận và trách nhiệm được quy kết bằng các quy định của pháp luật.

Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe toàn dân được thực hiện cả dự phòng và điều trị, ngành y tế đã và đang nỗ lực không ngừng nghỉ. Ảnh: SKĐS
Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe toàn dân được thực hiện cả dự phòng và điều trị, ngành y tế đã và đang nỗ lực không ngừng nghỉ. Ảnh: SKĐS

Những điều chưa tốt, chưa đúng đều phải xử lý theo các quy định của pháp luật. Ngành y cũng không ngoại lệ, không thể tránh khỏi quy luật “cây có trái ngọt trái chua - người có tốt có xấu”. Đã là quy luật thì cái xấu sẽ bị đào thải, chỉ là cách đào thải cái xấu đó như thế nào mà thôi.

Nắm đấm, những hành vi bạo lực không giúp đào thảo cái xấu trong ngành y, thậm chí còn gieo rắc cái ác.

Nếu nhìn vào những vụ việc đã xảy ra, có thể thấy nhiều trường hợp hành hung nhân viên y tế đều bắt nguồn từ những bức xúc vô căn cứ, đòi hỏi cho mình và người nhà mình đặc quyền, đặc lợi, là những đòi hỏi mà nhân viên y tế không thể đáp ứng được.

Thật đáng tiếc trong số nhiều vụ hành hung nhân viên y tế đã xảy ra thì có cả sự tham gia của những người "mũ cao, áo dài", có địa vị xã hội.

Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động
Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động

Phải chăng vì họ có địa vị, có tiền nên tự cho mình cái quyền sai khiến bác sĩ và sẵn sàng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" để thể hiện uy quyền với các bác sĩ, nhân viên y tế đang cứu chữa cho chính người thân của họ?

Rất nhiều ý kiến đã nêu ra cảnh báo hành động côn đồ với y bác sĩ không chỉ dừng lại ở việc xâm phạm nhân phẩm, sinh mạng của thầy thuốc, mà sẽ làm ảnh chất lượng khám chữa bệnh của ngành y.

Sẽ ra sao nếu thầy thuốc vì sợ hãi, lo lắng trước những ca cấp cứu mà bị bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân đe dọa? Chắc chắn rằng họ sẽ không thể chẩn bệnh, chữa bệnh tốt.

Nếu bác sĩ bị côn đồ đánh thường xuyên, thì còn ai yêu nghề, dấn thân vì bệnh nhân? Họ sẽ ra sao khi mỗi ngày đến cơ quan là sự e sợ bạo lực sẽ trút lên đầu họ bất kỳ lúc nào?

Sẽ ra sao nếu người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế ở hai trạng thái đối đầu? Đó là bi kịch!

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng những điều bất thường vẫn đang diễn ra một cách bình thường mỗi giờ, mỗi ngày mà các y bác sĩ phải đón nhận sẽ không làm cho đội ngũ Y bác sỹ Việt Nam tiêu nhụt lòng yêu nghề và Y đức.

Trần Phương