Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng

09/03/2019 06:00
Hồ Thu
(GDVN) - Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương vừa ban hành Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019 số 210/KH-BCĐTƯATTP.

Theo đó, chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 là: “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Trong thời gian diễn ra Tháng hành động từ 15/4 đến 15/5/2019, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương yêu cầu các địa phương tăng cường công tác giáo dục, truyền thông về các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm;

Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, từ Trung ương đến địa phương sẽ tăng cường các đoàn thanh tra, kiểm tra và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

Tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu.

Chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 là: “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh minh họa: TTXVN
Chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 là: “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh minh họa: TTXVN

Nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Hướng tới mục tiêu giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.

Hơn 400 học sinh trường Thanh Khương phải nghỉ học vì thịt lợn nghi nhiễm sán

Theo thống kê chưa đầy đủ năm 2018, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 14.264 vụ, xử lý 8.446 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 19,5 tỷ đồng, số tang vật thu giữ có trị giá hơn 25,9 tỷ đồng.

Lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 6.176 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, với 5.042 cá nhân, 809 tổ chức vi phạm.

Trong đó, các cơ quan chức năng đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 11 vụ 15 bị can về tội "Vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm" và một số tội danh khác có liên quan đến an toàn thực phẩm:

"Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm" theo Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017);

Xử phạt vi phạm hành chính 5.627 vụ, 4.924 cá nhân, 749 tổ chức, với số tiền xử phạt gần 30 tỷ đồng; đang điều tra, xử lý 184 vụ; buộc tiêu hủy nhiều hàng hóa thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người.

Hồ Thu