Tăng cường công tác phòng chống dịch và tiêm chủng các tỉnh miền núi phía Bắc

06/10/2016 13:15
Mai Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Bộ Y tế cùng với Ban Chỉ đạo Tây Bắc và UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị Tăng cường công tác phòng chống dịch và tiêm chủng các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ngày 5/10/2016, Bộ Y tế cùng với Ban Chỉ đạo Tây Bắc và UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị Tăng cường công tác phòng chống dịch và tiêm chủng các tỉnh miền núi phía Bắc. Tham dự Hội nghị có GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế; bà Hoàng Thị Hạnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, đại diện lãnh đạo Cục Quân y Bộ Quốc phòng cùng đại diện sở y tế các tỉnh phía Bắc.

Báo cáo về tình hình bệnh dịch các tỉnh miền núi phía Bắc thời gian qua BS. Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2016 cả nước ta ghi nhận 72.372 trường hợp mắc Sốt xuất huyết tại 52 tỉnh tập trung  ở khu vực Tây Nguyên và miền Nam;

Xét nghiệm 2.689 mẫu, ghi nhận 03 trường hợp dương tính với vi rút Zika; các bệnh cúm A(H5N1) tích lũy 2003-2016 ghi nhận 127 mắc, 64 trường hợp tử vong;

Bệnh tay chân miệng ghi nhận 27.224 trường hợp mắc tại 62 tỉnh, thành phố, bệnh chủ yếu được tập trung tại các tỉnh khu vực phía Nam; Bệnh sốt rét ghi nhận 3.360 bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét và 3 trường hợp tử vong; ngoài ra các bệnh cúm mùa trong đó chủ yếu là cúm A(H3N2) chiếm 44,4%, cúm B chiếm 43,4%, cúm A(H1N1) 12,2%; trong 9 tháng đầu năm 2016 cả nước không ghi nhận ca mắc Ebola, MERS-CoV, cúm AH7N9 và cúm A H5N6.

Toàn cảnh Hội nghị Tăng cường công tác phòng chống dịch và tiêm chủng các tỉnh miền núi phía Bắc
Toàn cảnh Hội nghị Tăng cường công tác phòng chống dịch và tiêm chủng các tỉnh miền núi phía Bắc

Tại các tỉnh miền núi phía bắc như Cao Bằng, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La đã xuất hiện các ổ dịch: ho gà, tiêu chảy, uốn ván sơ sinh, tay chân miệng, liên cầu lợn, dại, viêm não virus... đặc biệt tỉnh Cao Bằng từ 22/5-01/6/2016 phát hiện ra ổ dịch Ly trực khuẩn tại xã Thạch Lâm và Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm với 196 trường hợp mắc, 01 trường hợp tử vong; ổ dịch Coxackie tại xã Quảng Lâm và Nam Quang, huyện Bảo Lâm từ ngày 20/4-02/6/2016, với 27 trường hợp mắc, 07 trường hợp tử vong; bệnh ho gà tại xã Đức Hạnh từ 22/7-11/8/2016, ghi nhận 49 lâm sàng ho gà (4 trường hợp dương tính)...

Nguyên nhân các dịch bệnh gia tăng là do Vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm, vệ sinh nhà ở; phong tục tập quán lạc hậu. Trong khi đó người dân chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh, khi mắc bệnh không đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh, khi bệnh nặng mới đi khám;

Bên cạnh đó do khó khăn về mặt địa hình cộng với sự thiếu hụt về nguồn ngân sách đặc biệt, vẫn còn vùng lõm về tiêm chủng dẫn đến công tác phòng chống dịch tại các tỉnh miền núi phía Bắc gặp nhiều khó khăn..

Nhằm chủ động trong phòng chống các dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành phố tăng cường vai trò chỉ đạo và trách nhiệm của chính quyền các cấp, đặc biệt chính quyền cơ sở phối hợp với ngành y tế trong việc phòng chống dịch bệnh, cung cấp dịch vụ y tế... cũng như tăng cường giám sát dịch bệnh tại các bản, làng vùng sâu, vùng xa, vùng nhiều người dân tộc sinh sống để phát hiện sớm dịch bệnh;

Phối hợp quân dân y, bộ đội biên phòng để tăng cường công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch, tiêm chủng tại các vùng khó khăn, đặc biệt tại các khu vực biên giới, thiếu cán bộ y tế; cũng như phối hợp với các cơ quan thú y và các đơn vị liên quan triển khai phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người, phòng chống buôn lậu gia cầm qua biên giới.

GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đối với các địa phương có biên giới với Trung Quốc, Lào tăng cường giám sát tại cửa khẩu, cư dân biên giới; đối với các xã vùng sâu, vùng xa, thiếu cán bộ y tế thì tuyến trên cử cán bộ tăng cường hỗ trợ tuyến dưới, phối hợp quân dân y; cử cán bộ tuyến tỉnh, huyện tăng cường tới các vùng khó khăn, khu vực có ổ dịch.

Thời gian tới, các Vụ, Cục, Viện, Bệnh viện tổ chức đào tạo và đào lại cho cán bộ y tế tuyến tỉnh về công tác giám sát, xử lý ổ dịch, điều trị bệnh truyền nhiễm bao gồm cả các bệnh có vắc xin phòng bệnh. Ưu tiên tổ chức tập huấn cho các tỉnh về các bệnh có số mắc cao cũng như các bệnh dự phòng được bằng vắc xin.

Đồng thời cần đẩy mạnh tăng cường công tác truyền thông như xây dựng các thông điệp, tổ chức các hoạt động truyền thông đặc thù, phù hợp với tập quán, ngôn ngữ, dân tộc của từng địa phương; Tập trung các hoạt động truyền thông làm thay đổi hành vi của người dân;

Cập nhật các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh, lợi ích tiêm chủng để vận động nhân dân chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, an toàn; Chủ động, cung cấp kịp thời thông tin dịch bệnh, phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đăng tải trên các website cơ quan Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng.

Tại Hội nghị các đại biểu dự hội nghị đã thảo luận nêu ra một số khó khăn và thách thức trong công tác phòng, chống dịch và tiêm chủng trên địa phương mình; đề ra các hoạt động và giải pháp chuyên môn, truyền thông nâng cao tỷ lệ, chất lượng phòng chống dịch và tiêm chủng trong thời gian tới; các giải pháp phòng, chống suy dinh dưỡng và Chương trình sữa học đường.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các tỉnh đối với công tác y tế và công tác y tế dự phòng trên địa bàn mình trong thời gian qua.

Thứ trưởng cho rằng, các tỉnh khu vực miền núi phía bắc hiện đang tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ là phát sinh, lây lan các loại dịch bệnh như: sởi, viêm não vi-rút, ho gà… với những nguyên nhân về nội tạng từ ý thức, điều kiện, hủ tục, nhận thức của người dân và từ những khó khăn về địa dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong vấn đề phòng chống dịch bệnh.

Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới đây các địa phương cần phải có biện pháp quyết liệt, để cho khu vực phía bắc trở thành lá chắn phòng chống dịch bệnh, giúp cho các tỉnh trong cả nước trong vấn đề ngăn chặn dịch bệnh từ các khu vực láng giềng. Đồng thời cần tăng cường tuyên truyền để cho người dân tham gia nhận thức về nhà tiêu vệ sinh; cũng như vận động người dân, đồng bào cần sử dụng những thực phẩm ngay tại địa phương để phòng chống suy dinh dưỡng, đồng thời bổ sung các chương trình và bổ sung vi chất dinh dưỡng. 

Mai Anh (Tổng hợp)