Thành phố Hồ Chí Minh làm gì để đảm bảo an toàn thực phẩm giữa dịch Covid?

14/09/2021 06:20
Phan Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các y bác sĩ tại bệnh viện dã chiến nếu sử dụng suất ăn có vấn đề gì bất thường cần phải báo cáo ngay.

Suất ăn có vật thể lạ bên trong

Bệnh viện dã chiến số 8 là một trong những bệnh viện tuyến đầu, đang điều trị rất nhiều bệnh nhân Covid-19 của Thành phố Hồ Chí Minh.

Mới đây, hình ảnh một suất ăn được cho là dành cho các bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến số 8 (phường An Khánh, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) có nhiều vật thể lạ như giòi bên trong, khiến người xem phải cảm thấy lo sợ.

Suất ăn có sâu mà điều dưỡng Đoàn phản ánh (ảnh chụp qua video clip)

Suất ăn có sâu mà điều dưỡng Đoàn phản ánh (ảnh chụp qua video clip)

Sau khi hình ảnh này xuất hiện đã khiến cho dư luận không khỏi bức xúc. Ngoài ra, theo thông tin mà phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ghi nhận được, tại một số bệnh viện dã chiến có ý kiến của một số y bác sĩ, nhân viên y tế chưa hài lòng về các suất ăn dành cho họ như món ăn chưa phong phú, cơm bị nguội, đồ ăn không hợp khẩu vị…

Cửa hàng ăn uống, chợ đầu mối hoạt động trở lại

Ngày 8/9, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – ông Lê Hòa Bình đã ký văn bản tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, thành phố đã cho phép các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được phép hoạt động từ 6h đến 18h hàng ngày. Thế nhưng, các cơ sở này phải hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến, người giao hàng phải là các shipper có đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch.

Những cơ sở này phải đăng ký kinh doanh với các quận, huyện và thành phố Thủ Đức để được cấp giấy đi đường, phải đảm bảo người lao động đã được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin chống Covid-19, xét nghiệm nhanh âm tính 2 ngày/lần.

Nhiều cửa hàng bán thực phẩm, tạp hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh đã mở cửa trở lại (ảnh: P.L)

Nhiều cửa hàng bán thực phẩm, tạp hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh đã mở cửa trở lại (ảnh: P.L)

Đồng thời, thành phố cũng đã mở 2 điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn.

Anh Trần Minh Tuấn – chủ một quán cà phê và dịch vụ ăn uống tại phường Tam Phú, thành phố Thủ Đức chia sẻ: Dù thành phố đã cho mở cửa hoạt động, nhưng quán của anh vẫn chưa mở cửa được.

Người chủ quán này nói: Do đang trong giai đoạn giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nên nếu mở khách cũng chả đông. Ngoài ra, thành phố còn yêu cầu “3 tại chỗ”, phải xét nghiệm, chỉ được bán mang về qua shipper, nên chắc chắn giá thành sản phẩm khi đến tay người dân sẽ cao.

Còn việc đảm bảo an toàn thực phẩm, tất nhiên là anh vẫn phải làm theo đúng yêu cầu của địa phương, do nếu mở cửa hoạt động, các lực lượng chức năng chắc chắn sẽ đi kiểm tra thường xuyên.

Làm gì để đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn giãn cách?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận: Sự việc xảy ra với suất ăn không đảm bảo an toàn thực phẩm tại Bệnh viện dã chiến số 8 là có. Tuy nhiên, bà Lan nói đó là sâu chứ không phải giòi.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Lực lượng Thanh tra của Ban cũng đã đến làm việc với đơn vị cung cấp suất ăn cho Bệnh viện dã chiến số 8. Công ty cung cấp suất ăn cho bệnh viện này cũng đã bị ngưng hợp đồng, do có vi phạm các nguyên tắc đưa ra trong hợp đồng.

Theo báo cáo từ bệnh viện với Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, kiểm tra toàn bộ suất ăn có mặt tại bệnh viện tại thời điểm đó, thì không ghi nhận hiện tượng tương tự này xảy ra ở các suất ăn khác.

Từ vi phạm này, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Đây là một cảnh báo rất rõ ràng với các công ty đang cung cấp suất ăn cho các bệnh viện dã chiến trên địa bàn thành phố, trong công tác phải đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thời gian sắp tới, lực lượng thanh tra của ban sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Với các bệnh nhân, y bác sĩ và nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến, nếu khi sử dụng các suất ăn thấy có vấn đề gì bất hường thì cần kịp thời báo cáo ngay cho các cơ quan chức năng , để kịp thời xử lý, tránh tình trạng để kéo dài, vật chứng đã bỏ đi thì khó tiến hành xử lý đơn vị vi phạm.

Về phản ánh các suất ăn không hợp khẩu vị, cơm bị nguội, món ăn chưa phong phú, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết: Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và Ban đã có kiến nghị trong thời gian tới cần nâng cao chất lượng suất ăn hàng ngày cho các nhân viên y tế, cần đảm bảo đủ lượng và chất cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, kiến nghị có giải pháp ưu tiên cho đơn vị cung cấp suất ăn cho lực lượng tuyến đầu được tiếp cận nguồn thực phẩm tươi, ngon, nhanh chóng nhất trong thời gian giãn cách.

Do không đảm bảo được nguồn nguyên liệu, chi phí xét nghiệm hay “3 tại chỗ”, nên cho đến thời điểm nay, rất nhiều doanh nghiệp cung cấp suất ăn đã phải tạm đóng cửa. Vì vậy, việc đảm bảo, đáp ứng được cung cấp suất ăn cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến là một sự nỗ lực đáng ghi nhận.

Với phản ánh thức ăn bị nguội, không hợp khẩu vị, bà Phạm Khánh Phong Lan có đề nghị các công ty cung cấp suất ăn làm việc lại với các bệnh viện dã chiến, nên có một khu riêng để bảo quản, đảm bảo an toàn cho các suất ăn, trang bị thêm các lò vi sóng cho các y bác sĩ để hâm đồ ăn.

Còn với khẩu vị thức ăn, các công ty có thể tăng khẩu vị lên với các đoàn y bác sĩ có người Bắc, người Trung để hợp khẩu vị hơn.

Các nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, trở thành F0 thì nên có các suất ăn đặc biệt, để họ nhanh chóng phục hồi, tiếp tục quay trở lại làm việc, chăm sóc bệnh nhân.

Đơn giản nhất là tiếp tục đề nghị để tăng giá trị của các suất ăn, cho cả nhân viên y tế và cả cho các bệnh nhân. Vấn đề này, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được sự đồng ý về mặt chủ trương của lãnh đạo thành phố.

Vẫn tiếp tục đảm bảo An toàn thực phẩm trong thời gian giãn cách

Việc cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được phép hoạt động trở lại, bà Phạm Khánh Phong Lan giải thích: Về nguyên tắc, đây là những cơ sở đã hoạt động lâu rồi, có đầy đủ các giấy tờ, hồ sơ thủ tục cần thiết như giấy đăng ký kinh doanh, giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm…kể cả loại hình doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể.

Như vậy, có nghĩa là họ quay trở lại kinh doanh chứ không phải đăng ký mới.Tất nhiên, nhưng nơi này cần phải đảm bảo đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm, đáp ứng đẩy đủ các điều kiện mà thành phố đưa ra để kinh doanh trong giai đoạn này. Nghĩa là cho phép hoạt động nhưng phải ràng buộc thêm nhiều điều kiện trong phòng dịch.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố sẽ căn cứ trên bộ tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn phòng chống dịch mà thành phố đã áp dụng năm ngoái để sẵn sàng phối hợp với các địa phương để thực hiện chức năng của mình.

Tại các chợ đầu mối như Bình Điền, Hóc Môn luôn có các Đội Quản lý An toàn thực phẩm chuyên biệt, sẵn sàng tham gia với các quận, huyện tiến hành kiểm tra thường xuyên công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cùng với hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, thì Ban Quản lý An toàn thực phẩm vẫn thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của mình thanh, kiểm tra và giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Mặc dù có một lực lượng lớn nhân sự đã cùng phối hợp tham gia vào công tác phòng chống dịch, nhưng bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh: Vẫn đảm bảo được công việc, trách nhiệm trong chức năng quản lý của mình, đảm bảo tốt công tác an toàn thực phẩm trong giai đoạn giãn cách xã hội ở thành phố.

Phan Nga