Ung thư đầu cổ, phòng và điều trị thế nào tốt nhất?

14/04/2014 07:32
Phạm Liễu
(GDVN) - Về mặt điều trị, ung thư đầu mặt cổ được điều trị dựa trên cơ sở đa mô thức, kiểm soát tại chỗ, tại vùng bằng phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp toàn thân...

Ung thư ở vùng đầu cổ là một trong nhưng loại ung thư chiếm tỷ lệ cao trong những loại ung thư của con người gặp phải. Thông thường khó phát hiện bằng mắt thường ngoại trừ những ung thư ngoài da vùng đầu mặt đi vào trong nhưng chiếm tỷ lệ thấp. Các loại ung thư ở vùng đầu cổ thường gặp nhất là: ung thư vòm họng, ung thư sàng hàm, ung thư Amidal, ung thư hạ họng - thanh quản, ung thư hạch vùng cổ, ung thư tuyến giáp, ung thư lưỡi.

Toàn cảnh hội thảo "Tiến bộ trong tầm soát và điều trị ung thư đầu mặt cổ".
Toàn cảnh hội thảo "Tiến bộ trong tầm soát và điều trị ung thư đầu mặt cổ".

Hội thảo khoa học "Tiến bộ trong tầm soát và điều trị ung thư đầu mặt cổ" do Cục Quản lý Khám Chữa Bệnh – Bộ Y Tế, Đài truyền hình An Viên, Báo Điện tử Kiến Thức và Trung tâm điều trị Ung thư Hy vọng kết hợp tổ chức diễn ra tại Hà Nội mới đây đã tập trung giới thiệu và chia sẻ những tiến bộ trong tầm soát và điều trị ung thư đầu mặt cổ.

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Đại Bình - Phó giám đốc bệnh viện K cho biết: "Ở Việt Nam, ung thư vùng đầu cổ gặp khá nhiều, nổi bật ung thư vòm, hạ họng - thanh quản, lưỡi, khoang miệng. Người ở độ tuổi từ 49 - 53 thường mắc ung thư hạ họng - thanh quản, ung thư lưỡi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ung thư này có đặc điểm khác với phương Tây. Nguyên nhân chính là do thói quen sinh hoạt như uống rượu, hút thuốc, ăn trầu...

Tại Việt Nam, ung thư vòm họng có chiến lược điều trị riêng biệt dựa vào xạ trị, hóa trị và thuốc chống vi rút. Tuy nhiên, điều trị chống vi rút ở giai đoạn 1 và 2 xạ trị đơn thuần có kết quả. Giai đoạn 3 cần kết hợp xạ và hóa trị. Ở giai đoạn 4 thì điều trị triệu chứng. Sau điều trị cần theo dõi tái phát, sống thêm, dùng thuốc và thực phẩm chống lão hóa, chống viêm nhiễm mạn tính ngừa tái phát".

Nói về phương pháp điều trị ung thư cùng đầu cổ giai đoạn muộn, Đại tá TS. Bs Nguyễn Kim Lưu cho biết: "Ung thư đầu và cổ đề cập đến một nhóm các bệnh ung thư: môi, khoang miệng (vòm họng, amydal, sàn miệng), khoang mũi (bên trong mũi), các xoang cạnh mũi , hạ họng - thanh quản …

Theo đó, xạ trị áp sát là phương pháp đưa nguồn phóng xạ trực tiếp vào mô đích, đây là kỹ thuật nhằm tập trung liều xạ cao vào khối u, giảm liều chiếu và hạn chế biến chứng mô lành (như tuyến nước bọt mang tai, xương). Kỹ thuật này thường ít khi sử dụng riêng lẽ, mà thường phối hợp với xạ trị ngoài. Nguồn xạ sử dụng có thể là xuất liều thấp như césium. Ngày nay nguồn xạ Iridium - 192 trong xạ trị suất liều cao đã được sử  dụng phổ biến".

Triệu chứng lâm sàng không có gì nổi bật như: ngặt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ù tai, nuốt vướng, khạc ra máu, khàn tiếng, đau cổ và một số vết loét vùng đầu cổ, nổi hạch..., vì vậy để nhận biết được bệnh ung thư đòi hỏi người bệnh phải được khám bằng phương pháp nội soi, chụp City, siêu âm, MRI, đặc biệt giải phẫu bệnh là hết sức cần thiết.

Nếu phát hiện sớm ung thư đầu cổ thì việc phẫu thuật cắt khối u phối hợp với xạ trị đem lại kết quả rất tốt, tỷ lệ sống trên 5 năm đạt trên 95%, một số trường hợp sau khi phẫu thuật có thể khỏi hoàn toàn. Ngược lại, nếu không được phát hiện kịp thời khi khối u đã lan ra các tổ chức lân cận hoặc di căn khi đó việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ sống trên 5 năm là rất thấp.

Để phòng ngừa ung thư, mọi người cần hạn chế sử dụng các chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá... Thường xuyên vệ sinh răng miệng, mũi họng; Làm việc trong môi trường độc hại phải có dụng cụ bảo vệ; Khám điều trị sớm bệnh đầu mặt cổ; Để phát hiện bệnh sớm đòi hỏi mỗi người bệnh khi có các biểu hiện như: khàn tiếng, nuốt vướng nuốt khó, ngạt mũi, ù tai một bên hoặc hai bên, có khối u - hạch vùng cổ, vết loét vùng cổ nên đến ngay có sở y tế để được khám xét nghiệm phát hiện kịp thời. 

Đặc biệt, đối với những người từ 50 tuổi trở lên có tiền sử hút thuốc lá, nghiện rượu lâu năm hoặc một số người làm việc trong môi trường độc hại khi có các triệu chứng trên cần đến cơ sở y tế khám đồng thời để bảo vệ sức khỏa cho bản thân mọi người cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần./.

Phạm Liễu