Viêm đường hô hấp có thể dẫn tới nhiều di chứng

03/04/2018 12:05
Mai Ly
(GDVN) - Giao mùa là thời điểm bùng phát nhiều dịch bệnh, đặc biệt là ở trẻ em thường bị viêm đường hô hấp, cảm cúm, tiêu chảy...

Thời tiết thay đổi bất thường, lúc nắng lúc mưa, trời chuyển se lạnh vào đêm và sáng sớm, nhiệt độ trong ngày chênh nhau đặc biệt là lúc chuyển mùa chính là thời điểm khiến nhiều người thường gặp phải những vấn đề về sức khỏe như các bệnh về hô hấp, nhiễm khuẩn.

Bệnh viêm đường hô hấp

Theo Bác sĩ Trần Hữu Nhơn, Trưởng khoa Nội tổng hợp 1, Bệnh viện Nhi Đồng II cho biết, bệnh viêm phế quản cấp do siêu vi là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em khi thời tiết diễn biến bất thường.

Trẻ em là đối tượng hay mắc viêm phổi khi giao mùa. ảnh: TTXVN.
Trẻ em là đối tượng hay mắc viêm phổi khi giao mùa. ảnh: TTXVN.

Bệnh biểu hiện với các triệu chứng ban đầu là ho khan rồi kéo dài và tăng dần nhưng không có đờm. Cơn ho thường dai dẳng và sau đó xuất hiện đờm nhớt. Phải sau 7-10 ngày, cơn ho mới giảm dần.

Tuy nhiên, nếu không phân biệt và xử lý đúng, bệnh có thể gây biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi...

Bệnh tiêu chảy

Do ảnh hưởng của thời tiết, trẻ cũng dễ mắc bệnh tiêu chảy cấp mà nguyên nhân là do nhiễm rota virut. Vi khuẩn hoặc siêu vi theo thức ăn vào ruột gây viêm ruột non cấp tính, rối loạn hấp thụ.

Bệnh khởi phát đột ngột làm trẻ bị nôn, đi tiêu ra phân lợn cợn nước, có đờm, có lúc có máu hoặc phân xanh rêu, đau bụng, sốt, bụng trướng...

Nếu trẻ bị tiêu chảy cấp ở mức độ mất nước nặng, phụ cha mẹ cần cho trẻ bù nước ngay và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Bệnh cảm cúm

Cảm cúm thông thường là nhiễm virut đường hô hấp trên, mũi và cổ họng gây ra (có rất nhiều chủng khác nhau, hơn 200 loại virut có thể gây ra cảm cúm thông thường).

Đối tượng dễ mắc cảm cúm là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, những người có sức miễn dịch kém cũng dễ bị cảm cúm.

Bệnh xảy ra quanh năm song tần suất bệnh cao nhất trong khoảng thời gian từ đầu mùa thu đến cuối mùa xuân.

Nếu thấy hiện tượng chảy nước mắt, nước mũi, hắt xì liên tục, đau đầu chóng mặt, bạn có thể nghĩ đến khả năng mình đã mắc cúm. (Ảnh: Cẩm nang Khỏe đẹp).
Nếu thấy hiện tượng chảy nước mắt, nước mũi, hắt xì liên tục, đau đầu chóng mặt, bạn có thể nghĩ đến khả năng mình đã mắc cúm. (Ảnh: Cẩm nang Khỏe đẹp).

Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết thay đổi từ nóng chuyển sang lạnh, ẩm thấp đột ngột, cơ thể không điều tiết thích ứng kịp thời nên dễ mắc cảm cúm.

Nếu thấy hiện tượng chảy nước mắt, nước mũi, hắt xì liên tục, đau đầu chóng mặt, bạn có thể nghĩ đến khả năng mình đã mắc bệnh này.

Hơn hết, để phòng ngừa, hãy ăn uống đầy đủ chất, uống nhiều nước, tập luyện thể dục thường xuyên để tăng sức đề kháng, rửa tay nhiều lần để loại trừ mầm bệnh lây lan, nơi ở thoáng mát, sạch sẽ để tránh vi khuẩn, virus trú ngụ.

Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ cũng là loại bệnh thường xảy ra trong lúc giao mùa do vi khuẩn, virus tranh thủ xâm nhập vào cơ thể khi nó chưa kịp thích nghi.

Đau mắt đỏ sẽ gây cho bệnh nhân những khó chịu vùng mắt: mắt đỏ ngầu, nước mắt giàn giụa, sưng nhức mắt… Và đặc biệt, khiến người mắc không thể tự tin khi giao tiếp.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chia sẻ trên báo Công An Nhân dân: Bệnh đau mắt đỏ qua các biểu hiện mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai.

Người bị bệnh cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát trong mắt, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt, dử mắt có thể có màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh.

Bệnh đau mắt đỏ thường "tấn công" con người trong lúc giao mùa. (Ảnh: Hoàng Thành-Trường Nguyên)
Bệnh đau mắt đỏ thường "tấn công" con người trong lúc giao mùa. (Ảnh: Hoàng Thành-Trường Nguyên)

Để phòng tránh, phải chú ý giữ vệ sinh cá nhân và nơi sinh hoạt. Do bệnh dễ lây nên tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.

Không dùng chung khăn, chậu rửa mặt, tránh dụi mắt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Đồng thời nên đeo kính khi ra ngoài, nhỏ mắt hàng ngày, giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi dưới nắng.

Nếu mắc bệnh cần nghỉ 7 - 10 ngày đẻ cách ly và điều trị dứt điểm, tránh lây lan sang người khác.

Sốt phát ban

Sốt phát ban thường gây ra bởi vi rút sởi hoặc vi rút Rubella. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Biểu hiện của bệnh là mệt mỏi, đau đầu, sổ mũi, đau họng, viêm kết mạc mắt, niêm mạc vòm họng, có thể xuất hiện những chấm xuất huyết nhỏ. Ở vị trí gần hai bên cổ, sau tai của bé sẽ xuất hiện hai hạch sưng to và đau.

Da trẻ sẽ xuất hiện những nốt đỏ nhỏ li ti ở vùng mặt rồi sau đó lan nhanh ra toàn thân và chân tay. Trẻ bị sốt, nổi ban đỏ khắp người, nhiều nhất ở thân mình và tứ chi.

Viêm đường hô hấp có thể dẫn tới nhiều di chứng ảnh 4Nên ăn và uống gì khi bị cúm?

Một số cách bảo vệ trẻ khi bị mắc bệnh

Để chủ động phòng ngừa cảm và cúm, chuyên gia y tế khuyên người dân nên thường xuyên tập thể dục, bổ sung vitamin C, ăn uống điều độ, nhiều rau xanh và trái cây để tăng sức đề kháng.

Cần thực hiện vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng các dung dịch sát khuẩn hay xà phòng khi tiếp xúc với những yếu tố có nguy cơ mắc bệnh.

Nếu có thể nên mang theo dung dịch rửa tay khô mọi lúc để tiêu diệt các vi khuẩn hiện diện trên bàn tay.

Kết hợp với các biện pháp trên, người dân nên tiêm ngừa cúm đều đặn hằng năm. Đây là phương pháp hiệu quả nhất để phòng tránh bệnh cúm.

Vắc-xin cúm được chỉ định tiêm phòng cho người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi, đặc biệt là người già và những người mắc các bệnh mạn tính tiểu đường, tim mạch, thiếu máu, hen suyễn, suy giảm hệ miễn dịch hay những người thường xuyên tiếp xúc với nhóm có nguy cơ cao như nhân viên y tế.

Tuy nhiên, một số người không nên tiêm nếu đã từng có tiền sử dị ứng với tiêm ngừa cúm trước đó, dị ứng nghiêm trọng với trứng, đang bị sốt vừa hoặc cao, từng bị hội chứng Guillian-Barre (hệ miễn dịch tấn công một phần của hệ thần kinh) trong 6 tuần sau khi tiêm cúm.

Mai Ly