Xử lý nghiêm doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng mà chưa có chứng nhận GMP

23/09/2019 19:00
Ngọc Hân
(GDVN) - Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, đến thời điểm này, cả nước có gần 100 cơ sở đạt GMP.

Xử lý nghiêm đơn vị sai phạm

Sau thời gian triển khai áp dụng GMP trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, với gần 100 cơ sở có chứng nhận GMP trong sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện nay tương đương với hàng nghìn sản phẩm được đưa ra thị trường. (GMP - Good Manufacturing Practices là tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất).

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng thông tin thêm, theo quy định, từ 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có giấy chứng nhận GMP thì mới được sản xuất.

Cục đã có văn bản đề nghị cơ quan thanh tra, kiểm tra của các địa phương tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn, nếu doanh nghiệp chưa có chứng nhận GMP mà vẫn sản xuất thì phải xử lý nghiêm theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong phát biểu trong buổi tập huấn về GMP. Ảnh: VFA.
Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong phát biểu trong buổi tập huấn về GMP. Ảnh: VFA. 

Đối với các doanh nghiệp, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, các sản phẩm được sản xuất từ trước ngày 1/7/2019 vẫn được lưu hành, còn các sản phẩm sản xuất sau ngày 1/7/2019 phải có chứng nhận GMP mới được lưu hành.

“Sau hai tháng triển khai quy định áp dụng GMP đối với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng, tại Cục An toàn thực phẩm đã giảm tới 50-60% việc cấp phép lưu hành sản phẩm và đăng ký bản công bố sản phẩm so với trước đây, nếu không có chứng nhận GMP thì Cục không tiếp nhận bản công bố sản phẩm”, ông Nguyễn Thanh Phong chia sẻ.

Hiện tại, mỗi ngày, Cục tiếp nhận khoảng 10-15 sản phẩm đăng ký bản công bố sản phẩm, có ngày không tiếp nhận sản phẩm nào. Điều này đang chứng minh các sản phẩm kém chất lượng, không an toàn sẽ bị “đánh bại” trên thị trường.

Trước đó, khi chưa áp dụng quy định đạt GMP, nước ta có khoảng trên 4.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, đến nay, có gần 100 cơ sở đạt GMP mới được lưu hành sản phẩm trên thị trường.

“Việc này hoàn toàn không lo thiếu thực phẩm chức năng, mà chỉ lo làm sao có đủ thực phẩm chức năng tốt, an toàn. Vì sau khi được cấp chứng nhận GMP, công suất sản xuất của các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều. Do trước đó, họ chưa sản xuất hết công suất vì chịu sự cạnh tranh không bình đẳng từ các cơ sở nhỏ lẻ, không đạt tiêu chí GMP”, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Hiện có gần 100 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đạt GMP. Ảnh: VGP/Hiền Minh
Hiện có gần 100 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đạt GMP. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Phối hợp với Facebook để siết chặt quảng cáo

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, các thông tin quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội, cụ thể là Facebook hiện nay rất khó kiểm soát. Có nhiều doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật, lấy danh bác sĩ hoặc cơ sở y tế uy tín… để “lừa dối” người tiêu dùng.

Tuy nhiên, khi bị phát hiện và được mời lên cơ quan quản lý làm việc thì họ không nhận trách nhiệm có quảng cáo trên trên các fanpage đó mà cho rằng, có thể do cá nhân hoặc đại lý đứng ra quảng cáo, mà đại lý thì không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.

Chính vì vậy, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Facebook dừng quảng cáo các sản phẩm quảng cáo sai quy định, đồng thời cảnh báo tới người tiêu dùng, trong lúc chờ các cơ quan chức năng quản lý thì không mua, không sử dụng các sản phẩm này, vì đó là những quảng cáo sai sự thật.

“Sản phẩm nào quảng cáo chữa khỏi hẳn bệnh là hoàn toàn sai vì thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ người bệnh, thậm chí có quảng cáo đưa hình ảnh giấy công bố sản phẩm của Cục An toàn thực phẩm ký xác nhận nhưng Cục hoàn toàn chưa nhận và cũng chưa ký xác nhận công bố sản phẩm đó bao giờ…”, ông Phong nói.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã có buổi làm việc trực tiếp với đại diện của Facebook, đề nghị Facebook có đường liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế để có thể phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong quản lý các sản phẩm liên quan đến sức khỏe người dùng quảng cáo trên Facebook.

“Bộ Y tế rất quyết liệt nhưng chúng tôi cần sự phối hợp của các Bộ, ngành, cần sự hợp tác của Facebook trong quản lý lĩnh vực này”, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nói.

Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong trao giấy chứng nhận là cơ sở đầu tiên đạt yêu cầu về thực hành sản xuất GMP thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho đơn vị đầu tiên đạt yêu cầu. Ảnh: Gia Nguyễn
Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong trao giấy chứng nhận là cơ sở đầu tiên đạt yêu cầu về thực hành sản xuất GMP thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho đơn vị đầu tiên đạt yêu cầu. Ảnh: Gia Nguyễn

Trước đó, ngày 22/7, Công ty cổ phần sản xuất dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Gia Nguyễn vinh dự được Cục An toàn thực phẩm trao giấy chứng nhận là cơ sở đầu tiên đạt yêu cầu về thực hành sản xuất GMP thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Tiền mất tật mang vì tin người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm
Tiền mất tật mang vì tin người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm 

Chia sẻ về việc trở thành đơn vị đầu tiên trên toàn quốc nhận được quyết định của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế về việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đạt yêu cầu thực hành, sản xuất tốt GMP bảo vệ sức khỏe, ông Hựu cho biết đây là niềm vinh dự rất lớn đối với toàn thể cán bộ công nhân viên công ty Gia Nguyễn, đồng thời quyết tâm trong thời gian tới sẽ cố gắng hết mình, hướng tới những sản phẩm có chất lượng tốt nhất để đưa ra thị trường nhằm phục vụ người tiêu dùng trên cả nước.

Trao đổi sâu hơn về tiêu chuẩn GMP tại buổi Lễ, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, từ trước đến nay, chưa có quy định riêng về điều kiện sản xuất đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm GMP mà tất cả theo quy định chung về an toàn thực phẩm. Do vậy, rất nhiều yêu cầu, đặc biệt trong quy trình quản lý, giám sát, kiểm nghiệm, tài liệu hồ sơ… vẫn phải theo quy định chung.

Theo Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong, Công ty Gia Nguyễn không phải là cơ sở sản xuất kinh doanh mạnh nhất cả nước mà là công ty đi đầu, nhận được chứng nhận đầu tiên về GMP bảo vệ sức khỏe.

"Muốn được chứng nhận phải làm hồ sơ, làm hồ sơ thì phải thẩm định. Khi thẩm định không chỉ yêu cầu về cơ sở vật chất mà còn là con người, ví dụ như quản lý cơ sở sản xuất ít nhất phải có bằng đại học…, bên cạnh đó còn yêu cầu có hệ thống được kiểm nghiệm, hệ thống hồ sơ theo dõi toàn bộ nguyên liệu đầu vào, quá trình bán thành phẩm…

Chúng tôi rất mong nhiều doanh nghiệp nắm rõ hơn lộ trình, tiếp tục đầu tư để trong thời gian tới có thêm nhiều doanh nghiệp được cấp chứng nhận GMP bảo vệ sức khỏe", Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong kết luận.

Ngọc Hân