Suốt 5 năm, cô giáo kêu gọi từ thiện giúp học sinh nghèo được đến trường

30/11/2020 06:16
Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô giáo Nguyễn Thị Huế không thể nhớ hết những ngày lặn lội đến các thôn, bản để chụp ảnh làm minh chứng kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ...

Những ngày này, thời tiết Mộc Châu (tỉnh Sơn La) rất lạnh, kèm theo mưa gió khiến việc đi lại vô cùng khó khăn.

Từ trung tâm huyện Mộc Châu đi vào điểm trường Tân Lập mất khoảng hơn bốn giờ đồng hồ.

Đường vào điểm trường quanh co, uốn lượn, nhiều đá cục và khó đi, hai bên đường cây cối ngả nghiêng vì những cơn gió lạnh như cắt da cắt thịt của miền đồi núi phía Bắc.

Trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Huế tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Lập (Mộc Châu, Sơn La), thấy cô có dáng người nhỏ nhắn và nụ cười hiền hậu, ít ai biết rằng, suốt 5 năm qua, cô đã lặn lội đến các thôn, các bản tại xã Tân Lập để chụp ảnh, quay phim gia đình các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn làm minh chứng kêu gọi sự giúp đỡ của các mạnh thường quân.

Cô Huế kể: “Từ tháng 11/2015, tôi được phân công về công tác tại Trường Trung học cơ sở Tân Lập, nay là Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La).

Trường tôi có nhiều học sinh dân tộc như La Ha, Mường, Thái, Dao,… Hầu hết các em đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Việc đi đến trường cũng không được thuận lợi vì nhà xa, có em nhà cách trường 12 cây số.

Với hoàn cảnh khó khăn như vậy cho nên nhiều gia đình ở đây không muốn cho con em mình đến trường đi học.

Để giúp đỡ các em học sinh hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp tục đến trường, không phải bỏ học giữa chừng, tôi tìm đến sự giúp đỡ của các mạnh thường quân.

Suốt 5 năm qua, tôi không thể nhớ hết những ngày lặn lội đến các thôn, bản để chụp ảnh, quay phim gia đình các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn làm minh chứng kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ”.

Cô giáo Nguyễn Thị Huế (bên phải) kêu gọi từ thiện để giúp học sinh vùng cao tiếp tục đi học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô giáo Nguyễn Thị Huế (bên phải) kêu gọi từ thiện để giúp học sinh vùng cao tiếp tục đi học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Một trong những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được cô Huế kêu gọi giúp đỡ đó là em Lò Thị Hương.

Cô Huế chia sẻ: “Em Lò Thị Hương là một học sinh lớp tôi chủ nhiệm, em mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Cách đây 6 năm, mẹ em mắc bệnh hiểm nghèo không rõ nguyên nhân, dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không qua khỏi, sau đó ít lâu thì bố em cũng mắc bệnh rồi mất, bỏ lại hai chị em Hương côi cút giữa dòng đời đầy khó khăn.

Bản thân em trai của Hương là emLò Văn Dống cũng đang mắc bệnh. Hai em về ở với ông bà ngoại tuy nhiên ông bà đã già, không có thu nhập gì.

Để giúp gia đình em Hương vơi bớt khó khăn và để em Hương tiếp tục đến trường, tôi đã kêu gọi nhiều mạnh thường quân đến giúp đỡ gia đình em.

Tháng 5/2016, tôi liên hệ với câu lạc bộ “Ước mơ xanh” để hỗ trợ thường niên cho 2 chị em Lò Thị Hương mỗi tháng 1 triệu đồng.

Tháng 10/2016, tôi liên hệ với nhóm “Thiện Tâm”, trình bày hoàn cảnh khó khăn của gia đình em Lò Thị Hương, nhóm “Thiện Tâm” đã quyết định hỗ trợ cho gia đình em Hương 5 triệu đồng, 20 cân gạo, 5 thùng mỳ tôm cùng nhiều quần áo, sách, bút.

Trường tôi còn có nhiều học sinh cũng có hoàn cảnh khó khăn như em Lò Thị Hương.

Chính vì vậy, tôi đã kết hợp với những thầy cô giáo chủ nhiệm ở các lớp khác đến nhà từng em để xác minh, tìm hiểu từ đó làm cơ sở để kêu gọi các mạnh thường quân ở cả trong và ngoài tỉnh về hỗ trợ”.

Hai chị em Lò Thị Hương và Lò Văn Dống. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hai chị em Lò Thị Hương và Lò Văn Dống. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nói về khó khăn gặp phải trong công việc giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh kém may mắn, cô Nguyễn Thị Huế bộc bạch: “khó khăn lớn nhất là việc đi lại”.

“Để tìm những học sinh khó khăn, tôi đã liên hệ với các thầy cô giáo chủ nhiệm của những lớp khác để thống kê, lập danh sách. Sau đó, tôi đến gia đình của từng em để xác minh, chụp ảnh, quay phim lại làm minh chứng.

Có những em nhà ở rất xa, đi lại rất khó khăn. Để tìm được đến nhà các em, tôi phải băng rừng vượt suối rất nguy hiểm”, cô Huế tâm sự.

Khó khăn là vậy nhưng động lực để cô Huế tiếp tục công việc của mình là những cái ôm thân thương, những nụ cười hạnh phúc vì được tiếp tục đi học của các em học sinh mà cô đã giúp đỡ.

Trong công tác chuyên môn, cô Huế luôn tích cực trau dồi kiến thức, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để đưa ra phương pháp giảng dạy dễ hiểu, giúp học sinh nắm chắc kiến thức.

Những em có hoàn cảnh khó khăn cô luôn ân cần, vỗ về chỉ bảo, coi như con mình.

Trong công việc cũng như trong cuộc sống, bản thân cô Huế luôn gương mẫu và thực hiện tốt nhiệm vụ của người cán bộ giáo viên, luôn tích cực tham gia mọi phong trào và hoạt động của nhà trường.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, cô Huế cùng các thầy giáo, cô giáo không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tham khảo tài liệu, sách báo.

Với sự cố gắng và sự nhiệt huyết với nghề, hằng năm, số học sinh đi học chuyên cần ở các điểm trường đều tăng.

Nói về người đồng nghiệp của mình, cô Phạm Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Lập chia sẻ:

“Cô giáo Nguyễn Thị Huế luôn luôn nhiệt tình, gương mẫu tham gia các hoạt động của trường. Với cương vị là Phó Chủ tịch Công đoàn, cô Huế luôn lắng nghe ý kiến của công đoàn viên.

Với học sinh, cô luôn quan tâm, gần gũi, giúp các em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Cô giáo Nguyễn Thị Huế là một trong những tấm gương sáng, điển hình của người giáo viên giúp mang con chữ đến với từng học sinh nghèo vùng cao”.

Đình Hùng