Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã ngày 23/5 đăng bài xã luận bình luận về quan hệ Mỹ - Việt với chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Barack Obama. Bài xã luận của Tân Hoa Xã mang màu sắc phiến diện, "định hướng dư luận" theo ý đồ của Trung Quốc trong một số vấn đề Bắc Kinh cho rằng sẽ bất lợi cho mình.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam từ ngày hôm nay, sự kiện trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông Trung Quốc. Ảnh: VOA. |
Tân Hoa Xã viết: "Những nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ Mỹ - Việt cần được thúc đẩy bởi theo đuổi chung có lợi cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong khi tạo ra lợi ích cho cả hai bên, chứ không nên là một chương trình một chiều, ích kỷ, tạo thêm rủi ro cho hòa bình và ổn định của khu vực".
Câu mở đầu bài xã luận của Tân Hoa Xã đã cho thấy bình luận này là thừa. Cải thiện quan hệ Mỹ - Việt đương nhiên cần nỗ lực chung từ hai phía, bởi một bàn tay vỗ sao nên tiếng? Còn việc những nỗ lực này có lợi cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương hay không phụ thuộc vào góc nhìn từng nước.
Với những nước yêu chuộng hòa bình và công lý, muốn bảo vệ tự do hàng hải hàng không, luật pháp và trật tự quốc tế ở Biển Đông thì chuyến thăm Việt Nam của ông Obama có ý nghĩa rất lớn, củng cố cam kết của Hoa Kỳ đảm bảo duy trì luật pháp, trật tự quốc tế, tự do hàng hải hàng không và chống bành trướng ở Biển Đông.
Với nước nào ôm mộng bá quyền, xưng vương xưng đế trong khu vực, muốn biến Biển Đông thành ao nhà, muốn tàu thuyến máy bay các nước trên thế giới sau này đi qua Biển Đông phải xin phép và nộp tô ắt sẽ nhìn quan hệ Mỹ - Việt và chuyến thăm của ông Obama với con mắt xoi mói, bới bèo ra bọ.
Tân Hoa Xã bình luận: "Sau những hoạt động giao lưu thăm viếng giữa lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ trong hai năm qua, hai nước dự kiến chuyến thăm này của ông Obama sẽ tập trung vào việc tăng cường hợp tác kinh tế thương mại, chính trị và hợp tác quân sự.
Chuyến thăm được Việt Nam chào đón, quốc gia có tăng trưởng GDP bình quân 6% / năm từ 2000 đến 2015 đang tìm cách tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ, đối tác thương mại lớn nhất và là nhà nhập khẩu lớn nhất hàng Việt Nam.
Trong khi đó, mối quan hệ chính trị chặt chẽ hơn giữa Hà Nội và Washington bất chấp sự khác biệt về ý thức hệ sẽ giúp tạo điều kiện cho hợp tác song phương phát triển trong những năm tới. Tuy nhiên kết quả thảo luận của những vấn đề này không phải quan trọng như nhau đối với Washington và Hà Nội.
Trên thực tế, củng cố chính sách "xoay trục sang châu Á" bằng cách tận dụng các mối quan hệ tăng cường với Việt Nam mới là mối quan tâm thực sự của Hoa Kỳ. Mỹ giống như một kẻ chuyên gây sóng gió ở châu Á - Thái Bình Dương và cho thấy nước này thiếu sự kiềm chế trong việc can thiệp vào tình hình khu vực.
Điều này được chứng minh bằng hoạt động liên tục của họ làm rối hòa bình ở Biển Đông, gần đây nhất là một chuyến bay trinh sát quân đội Mỹ áp sát đảo Hải Nam, Trung Quốc".
Tổng thống Obama đến sân bay Nội Bài tối qua, ảnh: Tân Hoa Xã. |
Đến giờ này Tân Hoa Xã vẫn còn nhấn mạnh vào cái gọi là "bất chấp sự khác biệt về ý thức hệ" thì quả thật là lạc hậu. Lập luận ấy càng trở nên phản tác dụng khi chính Mao Trạch Đông đã bắt tay chính thức với Nixon, chơi với Mỹ từ năm 1972. Chính Đặng Tiểu Bình nhờ mở cửa, phát triển quan hệ với Mỹ mà Trung Quốc phát triển nhanh chóng mấy chục năm qua.
Nếu vẫn còn cái gọi là "sự khác biệt về ý thức hệ" thì có lẽ ông Tập Cận Bình đã không đẩy mạnh quan hệ với châu Âu và đang cố gắng tìm kiếm cái gọi là "quan hệ nước lớn mô hình mới" với Hoa Kỳ. Thật kỳ lạ khi Tân Hoa Xã và nhiều kênh truyền thông Trung Quốc lại rất thích nhấn mạnh "sự khác biệt về ý thức hệ" khi nói về quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ.
Về vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, Tân Hoa Xã bình luận: "Bằng cách tìm kiếm chỗ đứng vững chắc trong tranh chấp Biển Đông trong khi Washington không phải một bên liên quan, tất cả các ý định đánh bạc với sự ổn định trong khu vực đã được phơi bày.
Với nền tảng công nghiệp và quân sự của Việt Nam, Hoa Kỳ đã đến với niềm tin rằng quốc gia Đông Nam Á này có thể phù hợp để giúp đỡ triển khai các ý tưởng của Washington ở Biển Đông."
Quốc gia nào mới là kẻ khuấy đục Biển Đông thì chỉ cần nhìn vào các đảo nhân tạo xây trên các bãi đá, các rặng san hô chiếm được bằng xâm lược, bằng vũ lực, các tiền đồn quân sự khổng lồ với sân bay, máy bay, tên lửa, kéo giàn khoan khổng lồ cắm sang vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa nước khác là có thể thấy rõ. Chắc chắn không phải Hoa Kỳ.
Washington cũng đã nhiều lần nói rõ lập trường, họ không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Nhưng là nước có lợi ích cốt lõi trong việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, Mỹ có quyền và có đủ khả năng chống lại bất cứ nước nào đi ngược lại lợi ích này của Mỹ trên Biển Đông.
Việt Nam có thể khai thác được gì từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ? |
Trong khi tự do hàng hải, hàng không, hòa bình ổn định, luật pháp quốc tế ở Biển Đông là tài sản chung của cả khu vực và quốc tế chứ chẳng riêng gì Hoa Kỳ. Việt Nam và Hoa Kỳ có hợp tác an ninh hàng hải để bảo vệ hòa bình ổn định, luật pháp quốc tế và tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông thiết nghĩ cũng là việc thường tình, không có gì phải làm lớn chuyện.
"Ngoài ra, Nhà Trắng đang cân nhắc chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí sát thương suốt 3 thập kỷ với Hà Nội, một trong những di sản cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam. Các cuộc đàm phán về việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận được đề cao trong chương trình nghị sự chuyến thăm này của ông Obama.
Nhưng về cơ bản động thái này chỉ phục vụ mục đích riêng của Washington vì Hoa Kỳ đang tìm cách thúc đẩy chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương.
Do đó Việt Nam nên thận trọng trong giao dịch với Hoa Kỳ đang thúc đẩy một chương trình nghị sự không thành thật, còn Washington nên kiềm chế, không hành động làm tổn hại hòa bình, ổn định trong khu vực và đóng vai trò xây dựng trong thúc đẩy hòa bình, phồn vinh ở châu Á - Thái Bình Dương", Tân Hoa Xã kết luận.
Việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam cho thấy rào cản cuối cùng của quan hệ Việt - Mỹ được dỡ bỏ, khẳng định lòng tin chiến lược giữa hai bên và quá trình bình thường hóa quan hệ đã kết thúc.
Còn việc mua bán thế nào hậu dỡ bỏ cấm vận lại là chuyện khác, nó là nhu cầu phòng thủ và khả năng tài chính cùng các tính toán khác, nhưng chắc chắn không phải Việt Nam mua vũ khí để đe dọa quốc gia khác.
Việt Nam là một quốc gia độc lập có chủ quyền, không phải một đứa trẻ lên 3 để ai đó nói phải hành động thế này, cần hành động thế kia.
Việt Nam thừa biết cần phải thận trọng với ai âm mưu gặm nhấm lãnh thổ của mình, đe dọa độc lập chủ quyền và an ninh quốc gia của mình. Việt Nam cũng đủ tỉnh táo để biết ai đang thiện chí giúp đỡ mình và có khả năng giúp đỡ mình bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển cường thịnh.