Ông Tập Cận Bình tiếp phái đoàn Đài Loan ủng hộ thống nhất. |
Bưu điện Hoa Nam ngày 27/9 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua đã khơi lại ý tưởng Đài Loan và Trung Quốc thống nhất theo công thức của Đặng Tiểu Bình, 1 nước 2 chế độ. Ông Bình cũng khẳng định sẽ không có chuyện Bắc Kinh chấp nhận kéo dài thời gian thống nhất 2 bờ eo biển.
Tuy nhiên nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu lập tức bác bỏ thẳng thừng ý tưởng này vì cho rằng nó không thể chấp nhận, xóa bỏ chủ quyền của Đài Loan. Trong khi công thức này cũng đang phải đối mặt với một thách thức chưa từng có ở Hồng Kông khi Bắc Kinh quyết định sẽ can thiệp vào tiến trình bầu cử người đứng đầu đặc khu này từ năm 2017.
Khi tiếp một phái đoàn Đài Loan gồm hơn 20 thành viên các đảng phái ủng hộ thống nhất 2 bờ eo biển sang thăm Bắc Kinh, Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh rằng Đài Loan phải làm việc với đại lục để hạn chế mọi động thái cản trở giấc mơ thống nhất.
"Thống nhất đất nước qua hai bờ eo biển từ lâu đã là lập trường vững chắc của chúng tôi. Nó cũng là thực tế không thể thay đổi là cả Đài Loan và đại lục cùng thuộc một nước Trung Quốc", Tập Cận Bình nói.
Trong khi nhấn mạnh công thức 1 nước 2 chế độ là cách tốt nhất cho Đài Loan, Tập Cận Bình nói rằng trước khi áp dụng, Bắc Kinh sẽ xem xét đầy đủ tình hình thực tế và nguyện vọng từ các thành phần xã hội khác nhau 2 bờ eo biển Đài Loan để đảm bảo, "sắp xếp lợi ích" cho người dân Đài Loan khi thống nhất.
Vài giờ sau đó, Mã Anh Cửu tuyên bố Đài Loan là Trung Hoa Dân quốc, quốc gia có chủ quyền với 103 năm. Chính quyền Đài Loan duy trì nguyên tắc 3 không: Không độc lập, không thống nhất, không sử dụng vũ lực.
Đồng thời, Mã Anh Cửu nhắc lại rằng "nhận thức chung 1992" về nguyên tắc "một Trung Quốc", mỗi bên có quyền duy trì các giải thích của mình. Bắc Kinh gọi là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đài Bắc xưng tên Trung Hoa Dân quốc.
Wang Kao-cheng, một giáo sư tại Viện Quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược đại học Đạm Giang, Đài Bắc bình luận, Tập Cận Bình hy vọng sẽ cung cấp cho người khác ý tưởng rõ ràng hơn về những gì họ gọi là 1 nước 2 chế độ.
Ông Bình cũng muốn thể hiện rằng sẽ có sự linh hoạt hơn trong mô hình này và sẵn sàng thảo luận về nó. Giới phân tích cho rằng diễn biến gần đây tại Hồng Kông và Đài Loan đã cảnh báo về sự mất niềm tin của công chúng vào mô hình 1 nước 2 chế độ.
Hàng ngàn người Hồng Kông gần đây đã xuống đường biểu tình phản đối sự can thiệp của Bắc Kinh vào tiến trình bầu cử người đứng đầu đặc khu hành chính, vi phạm lời hứa của chính mình là sẽ dành 50 năm tự chủ cho Hồng Kông sau khi trở về với Trung Quốc.