Đài Loan lắp đặt bất hợp pháp hệ thống tên lửa phòng không trên đảo Ba Bình. |
Tờ Thời báo Trung Hoa ngày 14/9 đưa tin, Ủy ban An ninh quốc gia Đài Loan vừa kiến nghị quân đội lắp đặt hệ thống tên lửa phòng không trên đảo Ba Bình (trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện do Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp) để "đối phó với Su-27 và Su-30 của Không quân Việt Nam".
Cơ quan này còn đề xuất giới chức Đài Loan nên điều động Thủy quân lục chiến thay thế Cảnh sát biển ra đồn trú (trái phép) trên đảo Ba Bình, nhưng "để tránh leo thang căng thẳng ở Biển Đông" những đề xuất này tạm thời chưa thể triển khai ngoài việc cải tạo (bất hợp pháp) cầu tàu trên đảo Ba Bình.
Phát biểu trước Viện Lập pháp, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Cao Hoa Trụ cho rằng, với ưu thế về chiến đấu cơ, chiến hạm, tàu ngầm và binh lực, Việt Nam đã có đủ năng lực "uy hiếp tàu thuyền hải quân Đài Loan" tiến ra đảo Ba Bình, Trường Sa.
Đầu tháng 4 năm nay, hải quân Đài Loan đã tổ chức một biên đội 7 tàu chiến, bao gồm tàu đổ bộ và 2 tàu tuần tra lớp Thành Công, Khang Định mang theo pháo truy kích hạng nặng và tên lửa chống tăng kéo ra đảo Ba Bình. Sáng ngày 10/4, Đài Loan tiến hành tập trận thực binh lưỡng thê đổ bộ bất hợp pháp ở khu vực đảo Ba Bình với nội dung chiếm đảo bị đối phương khống chế.
Trong cuộc tập trận này, Đài Loan sử dụng cả máy bay trinh sát không người lái (UAV) để truyền thông tin trong thời gian thực về các hoạt động tập trận ở Ba Bình về trung tâm Tác chiến Bộ Tư lệnh Hải quân Đài Loan. Đây là lần đầu tiên hải quân Đài Loan tổ chức tập trận thực binh (trái phép) ở đảo Ba Bình kể từ năm 2000 khi "chuyển giao" hoạt động chốt giữ cho lực lượng Cảnh sát biển.
Thời báo Trung Hoa cho hay, chính qua cuộc tập trận này, hải không quân Đài Loan đã bộc lộ nhiều điểm yếu. Dẫn lời một tướng Đài Loan giấu tên tờ báo cho biết, đảo Ba Bình cách Đài Loan quá xa, nếu Việt Nam tấn công (thu hồi) đảo Ba Bình thì lực lượng Đài Loan đồn trú tại đây khó chống đỡ, trong khi khả năng chi viện của Đài Loan rất hạn chế nên khó giữ được lâu.
Tờ báo Đài Loan vẫn cho rằng về thực lực thì Hải quân, Không quân Việt Nam "không bằng Đài Loan", nhưng Việt Nam lại chiếm ưu thế về địa lý. Mặt khác Không quân Việt Nam đã có chiến đấu cơ Su-30MK2 còn Hải quân thì đang trang bị 6 tàu ngầm Kilo do Nga chế tạo, năm 2016 sẽ bàn giao đầy đủ.
Chỉ cần 6 tàu ngầm Kilo của Việt Nam được đưa vào biên chế, trong khi Đài Loan chỉ có máy bay chống ngầm P-3C trinh sát trên không, rất khó đối phó. Ngoài ra đảo Ba Bình nằm ngoài bán kính tác chiến của F-16 không quân Đài Loan còn P-3C dù có thể bay liên tục 12 đến 17 giờ, có thể bay quanh đảo Ba Bình 5 - 6 giờ nhưng thiếu khả năng không kích.
Quan chức Cục An ninh quốc gia Đài Loan nói rằng cơ quan này chỉ quan tâm vấn đề "đánh hay không đánh", còn đánh như thế nào đều do Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng Đài Loan hoạch định. Trên thực tế không ít ủy viên Viện Lập pháp Đài Loan cũng đang quan tâm chuyện khả năng Việt Nam có thể đánh (thu hồi) đảo Ba Bình.
Ở đây cần nói rõ rằng, đảo Ba Bình nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử. Mặt khác do một số bên nhảy vào tranh chấp trong đó có Đài Loan làm khu vực Biển Đông - Trường Sa trở nên phức tạp, Việt Nam chủ trương nhất quán bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông và giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình, bao gồm cả biện pháp pháp lý.
Do đó những bình luận của tờ Thời báo Trung Hoa về khả năng Việt Nam "tấn công" (thu hồi) đảo Ba Bình chẳng qua chỉ là trò kiếm cớ để Đài Loan tiếp tục các hoạt động bất hợp pháp, củng cố lực lượng cắm chân trái phép trên đảo Ba Bình và tham gia vào tiến trình giải quyết vấn đề Biển Đông, vòng tránh sự ngăn cản của Trung Quốc. Nhưng chiêu bài này đã quá lộ liễu bởi chính Bắc Kinh cũng đang sử dụng nó để ngụy biện cho các hành vi phạm pháp của họ ở Biển Đông, cần phải lên án và ngăn chặn kịp thời.