Trong một bài viết với tiêu đề "Việt Nam - Hà Lan: Tín hiệu mới của hợp tác toàn diện" trên tạp chí Diplomat của Hà Lan, Tiến sĩ Mayelinne De Lara đã điểm lại những mốc đáng nhớ trong quan hệ hai nước và những triển vọng phát triển thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính rời Hà Nội lên đường dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU và thăm 3 nước châu Âu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Mối quan hệ từ hơn 400 năm
Mối quan hệ giữa Hà Lan và Việt Nam đã có lịch sử hơn 400 năm, khi đội tàu buôn của Công ty Đông Ấn đến Đông Á để khám phá thị trường và tìm nguồn nguyên liệu thô.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, quan hệ Việt Nam-Hà Lan ngày càng phát triển tích cực, nhất là trong hai thập kỷ qua với các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước. Có thể kể đến như Thái tử Hà Lan Willem Alexander và Công nương Máxima đã hai lần thăm Việt Nam (năm 2005 và 2011). Đặc biệt, Hoàng hậu Hà Lan Máxima từng đến thăm Việt Nam với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về tài chính và kỹ thuật toàn diện (năm 2017).
Nền tảng của mối quan hệ tốt đẹp này là nhu cầu bổ sung cho nhau và mong muốn chia sẻ những giá trị chung, sự tương đồng về điều kiện tự nhiên cũng như những thách thức của môi trường, khí hậu. Việc triển khai các thỏa thuận "Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước" (từ năm 2010) và "Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực" (từ năm 2014) chiếm một vị trí quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Hà Lan và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện vào năm 2019 nhân chuyến thăm của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tới Việt Nam (tháng 4/2019). Kể từ đó, hai bên hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị đến ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư…
Trong khuôn khổ EU, Hà Lan cũng tham gia xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tiếp tục khẳng định chủ trương tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các nước châu Á như Việt Nam, vì an ninh, ổn định và phát triển bền vững trên cơ sở chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế, vì các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực
Về thương mại, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã góp phần quan trọng tạo ra những chuyển biến tích cực trong hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Hà Lan, kể cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Đáng chú ý, năm 2022, Hà Lan vẫn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong EU với kim ngạch thương mại song phương 9 tháng đầu năm đạt gần 8,3 tỷ euro.
Về đầu tư, Hà Lan là đối tác lớn nhất trong EU về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 13,58 tỷ euro với gần 400 dự án, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước… Triển vọng hợp tác đầu tư song phương hứa hẹn thêm tươi sáng khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) được các thành viên EU thông qua.
Bên cạnh đó, hai nước còn hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, thúc đẩy pháp quyền và nhân quyền, phòng chống tội phạm… Hợp tác giữa các tổ chức, công ty, giữa các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Amsterdam, Rotterdam, Eindhoven… được đánh giá tốt, mang lại hiệu quả tích cực cho cả hai bên, giúp nâng cao hiểu biết và chia sẻ thịnh vượng chung của cả hai dân tộc.
Cùng với đó, Hà Lan và Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy và phát triển quan hệ đối tác chiến lược EU-ASEAN. Việc tăng cường quan hệ giữa hai tổ chức khu vực có uy tín hàng đầu châu Á và châu Âu là nhân tố quan trọng thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Năm 2022, ngay khi dịch COVID-19 bị đẩy lùi, hợp tác song phương Việt Nam-Hà Lan đã có nhiều tín hiệu mới tích cực. Cuối tháng 11, Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan, bà Liesje Schreinemacher, cùng gần 50 công ty hàng đầu của Hà Lan đã đến thăm Việt Nam.
Chào đón dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2023, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính có chuyến thăm chính thức Hà Lan.
Các chuyến thăm này chắc chắn sẽ mở ra một giai đoạn mới trong quá trình phát triển quan hệ giữa hai nước, tác giả bài viết nhận định.
Rạng sáng 9/12 (giờ Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ từ ngày 9-16/12 theo lời mời của Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo.
Tham gia chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trường Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương; đại sứ Việt Nam tại các nước tới thăm và Đại sứ Việt Nam tại ASEAN, EU.