Tàu ngầm lớp Nguyên Hải quân Trung Quốc |
Mạng "Quan sát" Trung Quốc ngày 1 tháng 7 đưa tin, nhiều phương tiện truyền thông Ấn Độ gần đây đưa tin, tháng 5 năm nay, tàu ngầm Hải quân Trung Quốc lần đầu tiên đậu ở cảng Karachi của Pakistan.
Phản ứng trước sự kiện này, Hải quân Ấn Độ ngày 30 tháng 6 cho biết, Hải quân Ấn Độ đang giám sát tất cả các hành động tương tự, nhưng sự kiện này không hề đáng quan tâm lắm.
Tuy nhiên, thông tin này gây không ít xôn xao trên báo chí Mỹ, trang mạng “Lợi ích quốc gia” Mỹ còn có bài viết riêng kêu gọi Ấn Độ tăng cường cảnh giác với tàu ngầm Trung Quốc.
Tờ "The Times of India" ngày 27 tháng 6 cho biết, một chiếc tàu ngầm số hiệu 335 lớp Nguyên của Hải quân Trung Quốc ngày 22 tháng 5 năm nay đã đến cảng Karachi tiến hành tiếp tế. Tàu ngầm đã lưu lại khoảng 1 tuần, rồi tiếp tục ra biển.
Bài báo cho rằng, hình thức này rất giống với hình thức thăm cảng Colombo, Sri Lanka của tàu ngầm Trung Quốc vào năm 2014.
Tàu ngầm thông thường Type 039B lớp Nguyên, Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu) |
Tờ "India Today" cho hay, chiếc tàu ngầm thông thường nguy hiểm nhất này của Trung Quốc ngày 31 tháng 3 năm nay khởi hành từ căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam, Trung Quốc, xâm nhập Biển Đông.
Tàu ngầm lớp Nguyên chở theo ít nhất 65 thủy thủ, đồng thời mang theo ngư lôi, tên lửa chống hạm và lắp hệ thống đẩy không lệ thuộc vào không khí (AIP). Trước đó, tàu ngầm cũng đã đến vịnh Aden thực hiện nhiệm vụ hộ tống.
Truyền thông Ấn Độ cho rằng, Hải quân Trung Quốc triển khai tàu ngầm ở Pakistan đánh dấu một trò chơi mèo vờn chuột bắt đầu ở khu vực này. Không nên quên rằng, Trung Quốc sẽ còn bàn giao 8 tàu ngầm thông thường cho Pakistan trong vài năm tới.
Tuy nhiên, quan chức Hải quân Ấn Độ đã nhanh chóng bày tỏ thái độ đối với sự kiện này. Phó Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ P. Murugesan vừa trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này.
Murugesan cho rằng: "Một chiếc tàu ngầm của nước khác đậu ở một nước thứ ba hoàn toàn không cần quan tâm lắm, nhưng bất kể tàu ngầm của ai xuất hiện ở khu vực này, chúng tôi đều sẽ tiến hành giám sát đối với nó".
Tàu ngầm tấn công hạt nhân Chakra-2 Hải quân Ấn Độ |
Ông cho biết thêm, Hải quân Ấn Độ cũng có năng lực sử dụng tàu ngầm, trong khi đó, tàu ngầm Ấn Độ cũng từng đậu ở cảng của nước ngoài. Ông so sánh hải quân với đại sứ ngoại giao, chỉ ra, hải quân có thể thăm bất cứ nơi nào.
Đối với sự quan tâm của bên ngoài, ông cho rằng: "Chúng tôi đã phát triển hải quân để ứng phó với cách thách thức tiềm tàng... Hải quân của chúng tôi đủ mạnh, có thể bảo vệ lợi ích trên biển của nước tôi ở khu vực này". Ông tiết lộ, Hải quân Ấn Độ đã đặt mua 48 tàu chiến hải quân.
Đối với sự kiện này, trang mạng "Lợi ích quốc gia" Mỹ đăng bài viết "Ấn Độ, hãy cảnh giác", công khai kêu gọi Ấn Độ quan tâm đến việc tàu ngầm Trung Quốc đến thăm Pakistan.
Bài báo gắn sự kiện này với việc Trung Quốc bán tàu ngầm cho Pakistan, cho rằng "tàu ngầm này đậu ở cảng Karachi tiến hành tiếp tế, chính là để cho Hải quân Pakistan có cơ hội tiến hành tham quan học tập đối với tàu ngầm mà họ có thể sử dụng vào một ngày nào đó trong tương lai".
Theo bài báo, tàu ngầm Trung Quốc đến, đang tiến hành tuần tra ở cự ly khá xa, trong đó gồm toàn bộ Ấn Độ Dương. Chúng làm như vậy hầu như là đang tiếp tục tiến hành chiến lược "chuỗi ngọc trai" mà rất nhiều nhà quan sát nước ngoài định nghĩa.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon Hải quân Ấn Độ |
Trung Quốc sử dụng các cảng biển xây dựng ở toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương để thực hiện chiến lược này nhằm mở rộng sự hiện diện tuyến đầu của Hải quân Trung Quốc.
Một ví dụ rất có sức thuyết phục chính là cảng Colombo, cảng này do các công ty Trung Quốc đầu tư và giúp đỡ xây dựng.
Đối với việc tàu ngầm Hải quân Trung Quốc đậu ở Sri Lanka vào năm 2014, Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng cho biết, tàu ngầm đến cảng tiếp tế, nghỉ ngơi là cách làm thông thường của hải quân các nước.