Những ngày qua dư luận trong nước và quốc tế đang hướng sự quan tâm lớn đến những diễn biến về việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 xâm phạm lãnh vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.
Trên bình diện kinh tế, đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân của Việt Nam đưa ra quyết định từ chối phục vụ, từ chối bán sản phẩm cho người Trung Quốc và tẩy chay hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. |
Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan 981 vào vùng biển Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Là đất nước yêu chuộng hòa bình, vì lợi ích chung của khu vực Việt Nam đã lựa chọn biện pháp đấu tranh hòa bình, kiềm chế hành động gây hấn của Trung Quốc. Trong cuộc đấu tranh đó Việt Nam đang và cần hơn nữa sự ủng hộ của quốc tế.
Chính vì thế lúc này dư luận thế giới đang quan tâm theo dõi hai “trận địa” đó là thông tin diễn ra trên vùng biển và những phản ứng của Việt Nam. Chia sẻ quan điểm với báo Giáo Dục Việt Nam, nhiều chuyên gia nhấn mạnh: Lúc này tinh thần yêu nước cần được thể hiện nhưng phải tỉnh táo và khôn ngoan để không mắc mưu đối phương.
Ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: Phải yêu nước một cách tỉnh táo!
Theo tôi không nên có những thái độ ứng xử có tính bài xích người Trung Quốc trên đất nước của chúng ta, dù nhìn ở góc độ nào thì những hành động như vậy cũng chỉ đổ thêm dầu vào lửa, làm cho nhiều người dân Trung Quốc càng nghĩ sai về nhân dân Việt Nam
Gây ra căng thẳng trên biển Đông là do lãnh đạo Trung Quốc, còn người dân Trung Quốc vẫn rất tốt, cho nên chúng ta phải thật bình tĩnh để có những biện pháp tuyên truyền phù hợp cho người Trung Quốc hiểu rõ bản chất sự việc. Tôi tin rằng người Trung Quốc cũng rất yêu hòa bình, bởi vì họ đã từng hứng chịu chiến tranh, họ hiểu giá trị của cuộc sống này, những tranh chấp không đáng có và quá phi lý như vậy cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt.
Ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: Phải yêu nước một cách tỉnh táo! |
Việt Nam là một dân tộc anh hùng, đã nhiều phen khói lửa nhưng vẫn luôn giữ vững vị thế của mình. Chúng ta quyết không lùi bước trước kẻ xâm lược. Chúng ta quyết không chịu cúi đầu trước bất kỳ một kẻ thù nào. Nhưng chúng ta cũng là một dân tộc có bề dày văn hóa truyền thống tốt đẹp, yêu chuộng hòa bình và mến khách. Vì vậy, chúng ta không nên có những hành động tẩy chay người Trung Quốc mang tính cực đoan.
Đối với hành vi ngang ngược của Trung Quốc lần này, nhân dân ta cần phải tỉnh táo, phải yêu nước một cách khôn ngoan, phải gần gũi người dân Trung Quốc, để qua đó giúp cho họ hiểu rằng toàn dân tộc Việt Nam luôn mong muốn sống trong hòa bình, nhưng cũng sẽ bảo vệ tới cùng từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc.
Nhà nghiên cứu xã hội học – PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Cần cảnh giác với những âm mưu làm rối ren tình hình xã hội
Trước tiên phải nói, việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan 981 vào sâu khu vực thềm lục địa, khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã gây ra sự phẫn nộ rất lớn không chỉ với dư luận nước ta mà cả ở nhiều quốc gia khác.
Trung Quốc hành động ngang ngược vì họ đã nhìn thấy trước cái lợi thế, cho mình là nước lớn, còn chúng ta thì không muốn có chiến tranh mà chỉ muốn phát triển kinh tế trong hòa bình.
Nhà nghiên cứu xã hội học – PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Cần cảnh giác với những âm mưu làm rối ren tình hình xã hội |
Hành vi của Trung Quốc là đỉnh điểm của sự tính toán có hệ thống nhằm mục đích xâm chiếm chủ quyền và nguồn lợi của nước ta trên biển, vì vậy những phản ứng của con dân nước Việt đối với những thành viên của cộng đồng Trung Quốc là hoàn toàn có thể cắt nghĩa được. Nhìn ở một góc độ phiến diện thì đó cũng là cách thể hiện lòng yêu nước.
Tuy nhiên, đó không phải là thái độ văn minh, dù căm thù giặc nhưng không có nghĩa là chúng ta vơ đũa cả nắm, nhân dân Trung Quốc không có lỗi mà là do nhà cầm quyền. Và kể cả ở những quốc gia đã từng xảy ra chiến trận, xảy ra xung đột với nhau thì vẫn phải tính đến chiều dài của sự phát triển là cùng hợp tác và phát triển, mà muốn phát triển thì phải gạt bỏ các mâu thuẫn.
Và nhìn rộng ra thì ứng xử như vậy là tiêu cực, hẹp hòi, không khôn ngoan. Vì sao vậy? Chúng ta không muốn chiến tranh nhưng phải đẩy “cuộc chiến” ngược trở lại phía Trung Quốc, mà bản chất là để nhân dân Trung Quốc hiểu được ý đồ của nhà cầm quyền, âm mưu xâm lấn các vùng biển của Việt Nam. Vì vậy, chúng ta không nên xả sự kỳ thị vào những người dân Trung Quốc bình thường đang sinh sống, làm việc hay đi du lịch tại Việt Nam.
Nhìn ở một khía cạnh khác, việc kỳ thị người Trung Quốc, không hợp tác với người Trung Quốc, không bán hàng cho người Trung Quốc, không làm việc cùng người Trung Quốc cũng gây tổn thất cho chính chúng ta. Người Trung Quốc đến đây du lịch, đến để làm ăn, họ tiêu tiền ở quốc gia chúng ta, cũng đang làm lợi cho nền kinh tế Việt Nam.
Tôi cũng xin lưu ý rằng, cần phải cảnh giác với những âm mưu làm rối ren tình hình xã hội của nước ta. Rất có thể những kẻ gây rối ở các nhà máy của Trung Quốc trên nước ta, rất có thể những kẻ tìm cách kỳ thị, gây gổ với người Trung Quốc lại không phải là người Việt Nam, không phải ý muốn của người Việt Nam, mà lại chính là “người Trung Quốc trà trộn, giả dạng nhằm bôi xấu hình ảnh của nhân dân và đất nước Việt Nam”.
Theo tôi, cách ứng xử khôn ngoan nhất vào lúc này là chính quyền các địa phương và nhân dân Việt Nam tiếp tục hợp tác để chung sống hòa bình với doanh nghiệp và nhân dân Trung Quốc. Sự hợp tác ấy đem lại nguồn lợi cho cả hai phía, đồng thời chúng ta hãy gửi tới họ những thông điệp (bằng chứng) cụ thể chứng minh chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hãy gửi tới người dân Trung Quốc những đoạn phim, hình ảnh cho thấy tàu Trung Quốc đã cố tìm mọi cách đâm húc vào tàu thuyền của phía ta. Hãy để người dân Trung Quốc hiểu được dã tâm của nhà cầm quyền, từ đó chính người dân Trung Quốc sẽ lên tiếng phản đối hành vi ngang ngược trên vùng biển Việt Nam, mà kết cục cuối cùng không có lợi cho đất nước Trung Quốc, cũng có nghĩa là gây thiệt hại cho nhân dân Trung Quốc.
TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, thành Viên chuyên trách Ủy ban chiến lược phát triển NH Eximbank: “Đừng giận cá chém thớt”
Tinh thần yêu nước phản đối hành động trái phép của Trung Quốc là cần thiết nhưng cần bình tĩnh để không làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam.
Chúng ta cần bình tĩnh phân biệt giữa việc thể hiện tinh thần yêu nước, phản đối những hành động trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc với hành động quá khích "giận cá chém thớt" để từ hành động đúng, trở thành hành động không đúng, gây tổn hạn đến hình ảnh Việt Nam.
TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, thành Viên chuyên trách Ủy ban chiến lược phát triển NH Eximbank: “Đừng giận cá chém thớt” |
Về nguyên tắc, khi chúng ta đúng – Trung Quốc sai và được thế giới đồng tình, thì chúng ta kiên trì đấu tranh bằng hình thức ngoại giao và phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này sẽ giúp chúng ta thành công và được thế giới tôn trọng.
Ngoài ra chúng ta cần phải tranh thủ dư luận người dân Trung Quốc, nếu tẩy chay hàng Trung Quốc, hay từ chối phục vụ khách hàng Trung Quốc… vô tình chúng ta đã tự tạo ra một lực lượng đối kháng không đáng có.
Chúng ta cần tách bạch Doanh nghiệp và người dân Trung Quốc với các chính sách quyết định của chính quyền Trung Quốc, và cần phải đấu tranh đúng mục tiêu, đúng vị trí và nhiệm vụ của mình. Chúng ta cần phân biệt giửa "khuyến kích sử dụng hàng nội địa" với "tẩy chay hàng nước ngoài". Trong lịch sử thì việc tẩy chay hàng hoá nước ngoài một cách cực đoan luôn bị đánh giá thấp”.
Nếu tiếp tục chạy theo lời kêu gọi “tẩy chay” hàng hóa Trung Quốc, từ chối giao dịch với tổ chức doanh nghiệp Trung Quốc và coi đó là hành động yêu nước, hành động đúng thì Việt Nam sẽ lặp lại hình ảnh xấu của chính Trung Quốc trước đây.
Cụ thể khi xảy ra căng thẳng tranh chấp quần đảo Điếu Ngư-Senkaku, có một bộ phận người Trung Quốc đã có hành động cực đoan tẩy chay, đập phá hàng Nhât. Tuy nhiên nước nhật đã không dùng biện pháp tương tự để trả đủa vì biết rằng như vậy không giải quyết được vấn đề chính mà còn dẫn tới thiệt hại kinh tế rất lớn.