LTS: Thời điểm nghỉ Tết học sinh được nghỉ ngơi thoải mái nên một số em vui chơi hết mình thậm chí tham gia uống rượu bia, chơi bài bạc, vi phạm an toàn giao thông...
Đây là những điều thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc lo lắng khi thời điểm Tết đang tới gần.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Tết Nguyên đán Đinh Dậu sắp đến gần, các địa phương, các trường học đã có thông báo học sinh, sinh viên được nghỉ khá dài ngày, học sinh phổ thông có trên 10 ngày nghỉ Tết, còn sinh viên các trường chuyên nghiệp, Đại học, Cao đẳng có thời gian nghỉ Tết dài hơn (gần 20 ngày).
Đây là khoảng thời gian quý báu để các cô cậu học sinh, sinh viên được nghỉ ngơi, vui chơi, sum vầy cùng với gia đình, bà con, bè bạn sau thời gian dài học tập, thi cử vất vả, căng thẳng.
Ngày Tết, tâm lý của nhiều bậc phụ huynh khá thoải mái, nhẹ nhàng, thường để con em tha hồ được vui chơi...
Nhiều năm nay, bên cạnh niềm vui ngày Tết, mọi người ở các nơi chứng kiến không ít chuyện đau lòng do chính học sinh, sinh viên gây ra.
Học sinh cần được tham gia những hoạt động vui chơi lành mạnh trong thời gian nghỉ Tết tránh sa đà vào các hoạt động trái pháp luật. (Ảnh minh họa, nguồn: infonet.vn) |
Tết đến, xuân về, nhiều học sinh, sinh viên coi đây là dịp để thể hiện mình, nên vui chơi đến hết mình, thậm chí còn tham gia vào những trò chơi, việc làm trái pháp luật.
Học sinh nam cấp 2, cấp 3 cùng giới sinh viên bây giờ biết uống rượu bia, nhậu nhẹt tối ngày, không phải là hiện tượng hiếm.
Có men vào, bốc lên, mỗi xe máy chở 3, chất 4, không đội mũ bảo hiểm, cứ thế phóng nhanh, chạy ẩu, lạng lách, đánh võng... nghênh ngang trên đường.
Nhiều học sinh, sinh viên gây tai nạn giao thông, không chỉ bản thân bị thương, mất mạng mà còn khiến người khác cũng mang họa theo, hết sức đau lòng.
Ngày Tết, học sinh, sinh viên hay tụ tập lại, rủ nhau đi chơi, với bản tính sốc nổi, không kiềm chế được những lời khích bác, gây gổ của đám bạn khác, thế là choảng nhau đến lỗ đầu, chảy máu...
Tình hình trật tự an ninh tổ dân phố, khu dân cư, xóm làng... nhiều nơi trở nên phức tạp, khó kiểm soát hơn, một phần do có sự tham gia "tích cực" của sinh viên, học sinh về địa phương.
Tệ nạn bài bạc, đỏ đen, sát phạt lẫn nhau xuất hiện nhiều trong những ngày Tết, cũng cuốn hút, lôi kéo không ít sinh viên, học sinh nhập cuộc, say mê.
Hết tiền thì thế chấp đồ đạc, xe cộ... chơi tới cùng...
Những ngày Tết và sau Tết, thường nghe nhiều câu chuyện buồn về học sinh, sinh viên, để xảy ra hàng loạt vi phạm pháp luật, nhất là liên quan đến giao thông, đánh nhau, cờ bạc... Số lượng và mức độ sai phạm năm sau đều cao hơn năm trước.
Thiết nghĩ, trước thời gian nghỉ Tết, nhà trường cần phối hợp cùng công an địa phương có những buổi nói chuyện, giáo dục về hiểu biết pháp luật, nhắc nhở, căn dặn kỹ lưỡng và cho học sinh, sinh viên ký bản cam kết không vi phạm pháp luật.
Về phía gia đình trong thời điểm Tết, không thể chủ quan, lơi lỏng việc quản lý con em và luôn có định hướng, nhắc nhở con em vui chơi lành mạnh, bổ ích.
Năm nào cũng vậy, thời gian cận Tết và đặc biệt là sau Tết, tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học ở các trường phổ thông, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng gia tăng đáng kể.
Nhiều năm, số học sinh phổ thông nghỉ học sau Tết, đạt mức kỷ lục trên hàng trăm ngàn em (theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Có nơi, có trường ở miền núi, ven biển học sinh bỏ gần hết, mỗi khối chỉ còn mấy chục em, trường lớp điu hiu, trống trơn.
Quảng Ngãi, quê tôi, các huyện miền núi và huyện ven biển, sau Tết từng vô cùng nhức nhối tình trạng học sinh bỏ học đi biển, đi theo cha mẹ vào rừng hái đót kiếm tiền.
Vì sao việc xử lý học sinh vi phạm giao thông chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa" |
Nhà trường, thầy cô giáo phải thay nhau đi đến nhà phụ huynh, vận động con em quay trở lại trường.
Tại sao, học sinh phổ thông lại hay chọn thời điểm sau Tết để nghỉ học?
Phải nói ngay rằng, phần đông diện học sinh này học tập yếu kém, đạo đức sa sút, không còn thiết tha việc học hành nữa.
Thêm vào đó, Tết đến, thấy nhiều thanh thiếu niên cùng trang lứa đã nghỉ học, đi làm ăn xa, Tết về rũng rỉnh tiền bạc, ăn mặc, chơi bời sành điệu, thoải mái, các học sinh ấy liền bị cám dỗ, lôi kéo.
Bố mẹ ra sức khuyên bảo, can thiệp, nhiều khi cũng không còn hiệu lực.
Điều kiện kinh tế khó khăn, học sinh miền núi, ven biển buộc phải nghỉ học, tham gia lao động, làm thuê để kiếm sống, đỡ gánh nặng cho gia đình, cộng với nhận thức về học tập của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn lệch lạc, hạn chế.
Đấy cũng là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng tình trạng bỏ học sau Tết. Nhiều biện pháp hạn chế, ngăn chặn đã được địa phương, nhà trường áp dụng, như đến nhà vận động, cho tiền và gạo hằng tháng.
Kết quả có đạt, nhưng sự bền vững chưa cao, tính lặp lại vẫn tiếp diễn.
Chúng tôi thiết nghĩ, chúng ta đã biết trước thực trạng ấy hay tái diễn sau Tết rồi, thì công tác giáo dục, tuyên truyền, nhắc nhở nên được đẩy mạnh trong thời gian trước Tết, qua các hình thức sinh hoạt lớp, chào cờ, trong đó vai trò, khả năng thuyết phục của thầy cô giáo chủ nhiệm là rất quan trọng.
Quan trọng hơn, nhà trường, thầy cô cần tạo cho tất cả học sinh có được nhiều niềm vui, phấn khởi trong học tập, tránh hành xác, gây căng thẳng quá mức và luôn biết quan tâm, nâng đỡ, dìu dắt những em học hành còn hạn chế, yếu kém, đừng để các em chán nản, vô vọng…