Tết Việt cần được quan tâm hơn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp

27/01/2025 06:28
Hướng Sáng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Tết Việt là sự kiện văn hóa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, rất cần được quan tâm hơn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp và hội nhập quốc tế.

Trong kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam, Tết Nguyên đán là một trong những sự kiện rất ý nghĩa, không chỉ là khoảnh khắc chuyển giao năm cũ và năm mới mà còn ghi dấu những giá trị nhân văn, truyền thống đối với mỗi người con đất Việt. Đây không chỉ là dịp để vui chơi, hội họa… mà còn là cơ hội giáo dục sâu sắc về cội nguồn, đạo đức và văn hóa dân tộc.

Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, khi quá trình hội nhập quốc tế mang theo những thách thức đối với bản sắc văn hóa, Tết Việt là "chân giá trị" cần được gìn giữ và phát huy.

Giá trị văn hóa

Tết Việt là biểu tượng đậm đà văn hóa truyền thống với nhiều phong tục đẹp. Tết là lúc để con người ta quay về với cội nguồn, tưởng nhớ tiền nhân, đồng thời thể hiện sự thành kính ghi nhớ công đức và cầu mong về ngày mai với sự bình an và thịnh vượng. Hình ảnh bàn thờ gia tiên được mọi nhà bài trí cẩn thận, trang hoàng đẹp đẽ; nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ, lễ tất niên tươm tất thịnh soạn, gia đình sum vầy… trở thành những biểu tượng không bao giờ phai nhòa trong tâm trí người Việt.

dontet.jpg
Ảnh minh hoạ: Nhandan.vn

Tết cũng là dịp để gia đình sum vầy, con cháu làm ăn ở xa sắp xếp về đoàn tụ. Đây không chỉ là thời điểm giao lưu tình cảm gia đình mà còn là dịp để giáo dục tinh thần trọng đạo lý, ân đức của người Việt; con cháu thể hiện sự kính trọng đối với ông bà, cha mẹ,…

Với người Việt ở nước ngoài, việc gìn giữ truyền thống Tết Việt cũng vô cùng ý nghĩa, vừa góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế và cũng là dịp để gắn kết hơn, nhắc nhở thế hệ trẻ nhớ về quê cha đất tổ.

Với mỗi con người, nếu mải mê với chuyện làm ăn, sự giàu có, thăng tiến; hướng đến cuộc sống hiện đại, nơi chốn phồn hoa… mà không để ý đến quê hương, nơi để tìm về thì mọi sự kết nối dần dần sẽ mất đi. Và khi lần lượt đã mất dần thì tinh thần dân tộc cũng chấm hết.

Giá trị giáo dục

Trong xu thế hội nhập, những phong tục như gói bánh chưng, bánh tét, bày biện bàn thờ, tổ chức các trò chơi dân gian… là những hoạt động trở thành biểu tượng của bản sắc dân tộc. Việc duy trì các phong tục này là bài học sinh động giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về truyền thống của dân tộc mình.

Ngày nay, ở nhiều địa phương, cộng đồng đã tổ chức cho trẻ em tham gia cùng người lớn gói bánh chưng, hái lộc đầu xuân, tổ chức các trò chơi dân gian… trong những ngày đầu năm.

Đây không chỉ là hoạt động giúp các em học được kĩ năng sinh hoạt tập thể mà còn góp phần gìn giữ tình làng nghĩa xóm.

Có lẽ, dù có bận rộn đến đâu, Tết là lúc chúng ta nên gác lại những lo toan bộn bề, để sống chậm lại một chút, để tận hưởng giá trị truyền thống của dân tộc và góp thêm phần làm đậm đà hơn những giá trị truyền thống.

Tết cũng là thời gian để mỗi người chúng ta nhìn lại một năm đã qua, để rút ra cho mình những bài học, và còn để nhớ đến tuổi thật của mình. Và mỗi thời điểm như vậy cũng là lúc nhắc nhở chính mình về tinh thần hòa giải, tha thứ và đoàn kết. Điều này giáo dục thế hệ trẻ tính độ lượng, sẻ chia.

Tết Ất Tỵ, năm 2025 cũng là dấu mốc 50 năm thống nhất nước nhà, có lẽ là thời điểm đáng nhớ để mọi người con đất Việt thương yêu hơn, xích lại gần nhau hơn, để cùng góp sức và trí tuệ xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, văn minh và nghĩa tình hơn.

Hình ảnh những phong bao lì xì may mắn đầu năm được trao tay hay việc người ta trao nhau tài lộc trong chợ hoa Tết chỉ là vẻ bên ngoài của tinh thần "cho đi là nhận lại." Và các phong tục thăm hỏi, chúc Tết cũng sẽ góp phần nuôi dưỡng đạo lý nhân sinh và làm giàu thêm tình cảm con người.

0.jpg
Ảnh minh họa: Báo Chính phủ

Trong kỉ nguyên mới - kỉ nguyên vươn mình của dân tộc, khi mà quá trình toàn cầu hóa đang đặt ra nhiều thách thức đối với bản sắc dân tộc, Tết Việt cần được bảo tồn và đổi mới.

Các hoạt động như tổ chức trò chơi dân gian, triển lãm phong tục Tết cho giới trẻ trong trường học có thể góp phần gắn kết truyền thống với cuộc sống hiện đại. Việc tích hợp những giá trị truyền thống vào các kế hoạch giáo dục là hướng đi đáng khích lệ.

Các trường học, thông qua các buổi ngoại khóa hay chuyên đề văn hóa, có thể khuyến khích thế hệ trẻ tìm hiểu về ý nghĩa sâu xa của Tết, góp phần duy trì chiếc cầu nối gắn liền quá khứ với tương lai.

Tất nhiên, trên hành trình phát triển, mọi thứ cũng cần phải thay đổi và thích nghi, để luôn phù hợp với lối sống hiện đại mà vẫn giữ được tinh thần và giá trị truyền thống.

Điều đó cho thấy, Tết Việt là một sự kiện văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống và giá trị giáo dục sâu sắc. Việc giữ gìn những giá trị này không chỉ là trách nhiệm của mỗi người mà còn là niềm tự hào chung của cả dân tộc.

Trong kỉ nguyên hội nhập và phát triển, Tết không chỉ là dịp để nhớ về cội nguồn mà còn là cơ hội để giáo dục các thế hệ mai sau về lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo tồn văn hóa và tinh thần đoàn kết.

Hãy để Tết Việt mãi là biểu tượng của những giá trị tốt đẹp, là ngọn lửa ấm áp sưởi ấm lòng người, và là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để chúng ta bước đi vững chắc trên hành trình xây dựng một Việt Nam giàu đẹp, văn minh.

Hướng Sáng