Theo số liệu tại dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học, gồm 172 cơ sở giáo dục đại học công lập, 67 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, 5 cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn 15 bộ/ngành khác (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và nhiều tỉnh, thành phố cũng tham gia quản lý trực tiếp các cơ sở giáo dục đại học.
Theo nhiều chuyên gia, việc chia cắt các nhiệm vụ quản lý về giáo dục đại học giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ/ngành, địa phương khác đã làm cho việc quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục đại học bị chồng chéo, phân tán, thiếu thống nhất.
Chính vì vậy, một số ý kiến đề xuất rằng nên chuyển các cơ sở giáo đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực (trừ các trường khối công an, quân đội) về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý để đảm bảo tính thống nhất và tập trung trong hệ thống giáo dục đại học, đồng thời thúc đẩy tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.
Cơ chế quản lý phân mảng, chính sách mỗi nơi áp dụng một kiểu
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Nhà nghiên cứu giáo dục đại học và chính sách khoa học (Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao Tri thức, Trường Đại học Thành Đô) cho hay thực tế đây không phải là đề xuất mới.
Cách đây khoảng 20 năm, câu chuyện sắp xếp lại hệ thống các cơ sở giáo dục đại học đã được nêu ra tại Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam 2006 - 2020. Khi đó, Chính phủ đề ra giải pháp đổi mới giáo dục đại học là “xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập...”. Như vậy, các cơ sở giáo dục đại học sẽ trở thành các tổ chức hoạt động độc lập, dưới sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, đề xuất chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực (trừ các trường khối công an, quân đội) về trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo trong bối cảnh hiện nay là một phương án tốt. Nhưng về lâu về dài, cần thống nhất tiến tới các cơ sở giáo dục đại học không còn cơ quan quản lý trực tiếp.
“Hiện nay hệ thống giáo dục đại học Việt Nam tương đối lộn xộn khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý một số cơ sở giáo dục, nhiều bộ/ngành, địa phương cũng có các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc.
Khi chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập về cùng một đầu mối là Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa quản lý nhà nước vừa là cơ quan quản lý trực tiếp đối với cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ hoàn toàn cũng rất tốt. Điều này giúp tăng sự chủ động cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác điều hành vĩ mô hệ thống đại học của cả nước”, chuyên gia phân tích.
Chia sẻ thêm, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng việc các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc nhiều bộ/ngành, địa phương khác nhau như hiện nay đang tạo ra hệ sinh thái giáo dục đại học cạnh tranh không lành mạnh, khi có những trường nhận được rất nhiều sự quan tâm (nguồn lực, chuyên môn, chính sách,...) từ phía cơ quan quản lý trực tiếp, ngược lại cũng có những trường thiệt thòi hơn khi không nhận được sự quan tâm đầy đủ như vậy.
“Muốn hệ thống giáo dục đại học có cạnh tranh sòng phẳng giữa các trường và có sự thống nhất quản lý nhà nước thì việc thuộc một Bộ quản lý trực tiếp sẽ thuận lợi hơn nhiều”, Tiến sĩ Phạm Hiệp nhấn mạnh.
Đồng thời, đây là “bước đệm” tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản/quản lý trực tiếp để tự chủ đại học đi vào thực chất, giúp trường đại học phát huy đầy đủ sức mạnh nội lực, khả năng sáng tạo, hoạt động một cách có hiệu quả để hoàn thành sứ mệnh đào tạo và nghiên cứu khoa học, là địa chỉ tin cậy giúp cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Tránh tình trạng "mạnh ai nấy lo"
Cùng bàn luận về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hồ Chí Minh đánh giá, việc có nhiều bộ/ngành, địa phương cùng tham gia quản lý trực tiếp các cơ sở giáo dục đại học dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý. Bởi mỗi bộ/ngành, địa phương lại có cách tiếp cận và chính sách khác nhau, dẫn đến sự thiếu đồng nhất trong việc triển khai các quy định, gây khó khăn trong quản lý và giám sát. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc triển khai tự chủ đại học gặp khó khăn, khi quan niệm, tư duy về tự chủ đại học chưa có sự thống nhất giữa các bộ/ngành, địa phương.
Chính vì vậy, Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng bày tỏ sự nhất trí cao với đề xuất chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực (trừ các trường khối công an, quân đội) về Bộ Giáo dục và Đào tạo để thống nhất đầu mối quản lý. Từ đó, tạo thuận lợi hơn cho việc sẻ chia nguồn lực, giúp tận dụng tối đa mọi điều kiện cho giáo dục đại học phát triển, tránh tình trạng "mạnh ai nấy lo" như hiện nay. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để thúc đẩy triển khai tự chủ đại học đồng bộ và mạnh mẽ, sâu rộng và hiệu quả hơn.
Quản lý nhà nước cần làm sao để khai thác tối đa năng lực của các trường đại học
Ở một góc nhìn khác, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận - Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ) cho rằng, cần một đánh giá bài bản, đầy đủ thông tin về những ưu điểm, hạn chế ở cả 2 phía (thuộc các bộ/ngành địa phương quản lý hay chuyển các trường về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý).
Giáo sư Đặng Ứng Vận cho rằng, trước tiên cần nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm và chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học trong bối cảnh trao quyền tự chủ cho các trường.
Quản lý nhà nước cần làm sao để khai thác tối đa năng lực của các trường đại học trên cơ sở định hướng phát triển đúng: Giáo dục đại học là động lực chính phát triển kinh tế xã hội; không chỉ có cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao mà với tinh thần khởi nghiệp, nhà trường bắt tay vào trực tiếp góp phần tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội từ địa phương đến ngành và toàn quốc.
“Hiện nay chúng ta đã có hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đảm nhận công việc giám sát việc thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và đánh giá chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Vấn đề chiến lược cấp quốc gia là làm sao cho giáo dục đại học trở thành động lực chính phát triển kinh tế-xã hội. Xã hội cần gì có các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng. Đây là khẩu hiệu mà công tác quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên định hướng chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học thực hiện”, Giáo sư Đặng Ứng Vận phân tích.
Bên cạnh đó, Giáo sư Đặng Ứng Vận cũng cho rằng, bản thân các cơ sở giáo dục đại học và cơ quan quản lý cần đẩy mạnh nhiều hơn nữa vấn đề tự chủ học thuật, bên cạnh các khía cạnh tự chủ về tổ chức cán bộ, nhân sự và tài chính. Đây là cơ sở quan trọng để phát huy nội lực của giáo dục đại học.
“Cần chú trọng nhiều hơn vào tự chủ học thuật. Không có tự chủ học thuật thì giáo dục đại học không thể trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội được. Nhưng cần phân biệt tự chủ học thuật và tự do ngôn luận và cũng rất cần Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến chỉ đạo.”, Giáo sư Đặng Ứng Vận nhấn mạnh.