Hàng chục ngàn người biểu tình phản đối chính phủ Thái Lan đã chiếm đóng các con phố chính ở trung tâm thủ đô Bangkok hôm 13/1 trong nỗ lực lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Người biểu tình chiếm các con phố chính ở Bangkok khiến giao thông bị gián đoạn. |
Những người biểu tình đòi bà Thủ tướng phải từ chức để mở đường cho một chính phủ đề cử để giám sát cải cách bầu cử nhằm "kiềm chế sự thống trị chính trị Thái Lan của gia đình Thủ tướng".
Hàng ngàn người biểu tình vẫy cờ, mặc áo phông và mang biểu ngữ với các khẩu hiệu "Bangkok đóng cửa" và "Khởi nghĩa Thái 2014" tại các nút giao thông chính của thành phố. Những người biểu tình tuyên bố họ sẽ tiếp tục hành động này cho đến khi giành chiến thắng.
Ngoài ra, những người biểu tình còn dọa bao vây thị trường chứng khoán và kiểm soát không lưu của Bangkok nếu bà Yingluck không từ chức ngày hôm nay.
"Tình hình rất dễ bùng nổ. Những người biểu tình đã đi quá xa", Pavin Chachavalpongpun, một cựu Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Kyoto, Nhật Bản cho biết.
Những người biểu tình nói rằng họ muốn đưa Thái Lan thoát khỏi "chế độ Thaksin". |
Những người biểu tình nói rằng họ muốn đưa Thái Lan thoát khỏi "chế độ Thaksin", nhưng từ chối cáo buộc họ đang tìm cách kích động một cuộc đảo chính quân sự.
"Đây là cuộc cách mạng nhân dân", lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban, người phải đối mặt với cáo buộc giết người cho biết.
Các nhà chức trách nói rằng họ đã sẵn sàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu tình trạng bất ổn leo thang. Khoảng 20.000 cảnh sát và quân đội đã được điều xuống 7 địa điểm tập trung đông người biểu tình để đảm bảo an ninh.
Cảnh sát cho biết đã có 12 bệnh viện, 28 khách sạn, 24 trường học và năm trạm cứu hỏa trong bị đóng cửa do biểu tình. Tuy nhiên, xe bus, tàu điện ngầm và đường sắt trên cao vẫn hoạt động.
Theo chính quyền Thái Lan, các buộc biểu tình chống chính phủ đã khiến nền kinh tế Thái Lan bị tổn thất 1 tỉ baht mỗi ngày./.
Nguyễn Hường