Người nhà của sản phụ Lê Thị Mai (ở xóm 3, xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết: Ngày 25/9/2012, chị Mai có dấu hiệu chuyển dạ, người nhà tức tốc đưa chị ra trạm y tế xã Quỳnh Bá để chờ sinh. Do chị Mai có một số dấu hiệu bất thường có thể đẻ khó nên chị được chuyển đến BVĐK huyện Quỳnh Lưu để sinh.
Tại bệnh viện đa khoa Quỳnh Lưu, sau khi nhập viện, chị Mai được tiến hành làm các xét nghiệm lâm sàng, tất cả các chỉ số đều bình thường. Khi khám lâm sàng thì các chỉ số đều cho kết quả là cân nặng của thai nhi là 3.450gram. Dựa trên cân nặng của thai nhi, các bác sĩ ở đây quyết định cho chị Mai đẻ thường.
Đến 18h30 cùng ngày (25/9/2012), sau gần 2 tiếng đau đớn, chị Mai vẫn chưa thể sinh được con. Các bác sĩ trong kíp trực đã gặp rất nhiều khó khăn, khi thai nhi quá lớn, phần đầu của thai nhi đã ra ngoài tử cung nhưng phần còn lại vẫn không thể ra được. Các bác sĩ ca trực đã gọi người nhà sản phụ vào để hỏi ý kiến và quyết định giữ lại tính mạng cho người mẹ, điều đó đồng nghĩa với việc thai nhi đã không còn.
Trong khi đó, tại hồ sơ bệnh án sản khoa của sản phụ Lê Thị Mai ở mục III chẩn đoán cân nặng thực của thai nhi là 4.800 gram. Tuy nhiên, trong kết quả siêu âm khám lâm sàng lại chỉ cho kết quả là 3.450gram. Như vậy là có sự chênh lệch giữa chẩn đoán của các bác sĩ về trọng lượng của thai nhi so với thực tế là 1.350gram, một con số quá lớn.
Gạt những giọt nước mắt đau buồn, anh Nguyễn Văn Doanh, chồng chị Mai bức xúc: “Nếu như xác định đúng là trọng lượng của thai nhi quá lớn như thế thì bệnh viện phải có phương án sinh khác thì con tôi đã không thiệt mạng rồi”.
Thiết nghĩ, BVĐK huyện Quỳnh Lưu, Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Lưu và Sở Y tế Nghệ An cần làm rõ trách nhiệm các bác sỹ trong ca trực này.
Theo Dân trí