Tham vấn tâm lý cho sinh viên: Cách tiếp cận từ các trường đại học

22/07/2024 09:04
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường học là một trong những môi trường tâm lý xã hội quan trọng nhất của thanh thiếu niên.

Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2023, ước tính có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc bệnh trầm cảm. Con số này chiếm 3,1% dân số, tương đương với 1 trong 32 người. Trong đó, nhóm tuổi từ 18 - 29 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất (5,4%).

tham van tam ly.jpg
Sự phát triển lành mạnh và toàn diện về thể chất lẫn tinh thần của người học được cải thiện nhờ quá trình tham gia các hoạt động ngoại khóa, phục vụ cộng đồng, v.v.

Báo động tình trạng sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên Việt Nam

Tỷ lệ người cần chăm sóc sức khỏe tinh thần đang ngày một tăng nhanh và có xu hướng trẻ hoá. Theo nghiên cứu mới nhất của UNICEF, tại Việt Nam, khoảng 26% trẻ em và trẻ vị thành niên (hơn 3 triệu người) có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần từ trung bình đến cao và cần sử dụng dịch vụ hỗ trợ.

Tuy nhiên, có rất ít thanh thiếu niên gặp vấn đề sức khỏe tâm thần được điều trị hay hỗ trợ, một phần bởi sự thiếu hiểu biết về các vấn đề sức khỏe tâm thần, kỳ thị xã hội, cũng như các dịch vụ và nguồn lực chăm sóc sức khỏe tâm thần còn hạn chế.

Trường học là một trong những môi trường tâm lý xã hội quan trọng nhất của thanh thiếu niên. Nghiên cứu của UNICEF chỉ ra rằng môi trường học đường, áp lực học tập, bắt nạt và các yếu tố gây căng thẳng xã hội khác đều tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên ở Việt Nam.

Do đó, các dịch vụ sức khỏe tâm thần tại trường học là rất quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần của người học và giải quyết các yếu tố nguy cơ liên quan đến sức khỏe tâm thần ở trường học.

Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đồng hành cùng sinh viên trong suốt hành trình học tập

Nhận thấy tầm quan trọng của việc tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ tâm lý cho sinh viên, trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Văn phòng Tham vấn Tâm lý vào năm 2011.

Đây là một trong những trường đại học đầu tiên ở khu vực miền Nam có văn phòng tham vấn tâm lý, nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp và toàn diện cho sinh viên, giúp các em có một môi trường học tập và sinh hoạt lành mạnh hơn.

DSC03004.jpeg
Báo cáo chuyên đề tư vấn tâm lý: Khám phá sự lạc quan bên trong con người bạn do Thạc sĩ Trần Thị Thanh Trà – Giảng viên tâm lý Khoa Xã hội học – Công tác xã hội – Đông Nam Á, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh dẫn dắt.

“Trong thời gian tới, văn phòng Tham vấn Tâm lý sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng các hoạt động hỗ trợ sinh viên, tăng cường các dịch vụ tham vấn online để tiếp cận được nhiều sinh viên hơn, đặc biệt là những sinh viên ở xa hoặc không thể đến trực tiếp văn phòng. Bên cạnh đó, Văn phòng sẽ mở rộng hợp tác với các tổ chức tâm lý, y tế trong và ngoài nước để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm nhằm phát triển và điều chỉnh các chương trình hỗ trợ, đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu của sinh viên.” - Thạc sĩ Tâm lý Trần Thị Thanh Trà - phụ trách Văn phòng tham vấn tâm lý Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Sau một thời gian hoạt động, văn phòng Tham vấn Tâm lý đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều sinh viên đã vượt qua được các khó khăn cá nhân và đạt được thành tích học tập tốt hơn. Đặc biệt, các chương trình phòng ngừa và hội thảo kỹ năng mềm đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ sinh viên, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng của các em trong việc đối phó với các vấn đề tâm lý.

IMG_3891.jpeg
Các buổi hội thảo, chuyên đề về các chủ đề như giao tiếp hiệu quả, căng thẳng, trầm cảm, tư duy tích cực, cân bằng cảm xúc, và các kỹ năng đối phó luôn được tổ chức thực hiện hằng năm. Các chương trình này nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đối phó với các khó khăn trong cuộc sống.

Đội ngũ chuyên nghiệp chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên

Với đội ngũ chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về tâm lý học, được đào tạo bài bản về các kỹ năng tham vấn và trị liệu tâm lý, luôn sẵn sàng lắng nghe, đồng hành và trợ giúp sinh viên một cách tận tình và chuyên nghiệp.

Cùng với đó, Văn phòng Tham vấn Tâm lý hợp tác chặt chẽ với các phòng ban khác trong trường, như: Phòng Đào tạo, Phòng Công tác Sinh viên & Truyền thông, Trung tâm Nghiên cứu phát triển,… để đảm bảo sinh viên nhận được sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.

Liên hệ Văn phòng Tham vấn tâm lý - Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh

Phòng A304, cơ sở Nhà Bè, Khu dân cư Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh

Ngoài ra, sinh viên cũng có thể liên hệ trực tiếp qua:

Email: thamvantamly@ou.edu.vn

Fanpage: Tham vấn tâm lý – OU

Thông tin trang web: http://xhh.ou.edu.vn/thamvantamly/

Thu Giang