Thánh Gióng mà phải đợi "đủ tuổi quy hoạch", lấy ai đánh thắng giặc Ân?

02/01/2021 07:40
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Đại biểu Lê Thanh Vân, nhân tài cần phải được phân loại theo 6 lĩnh vực cụ thể: chính trị, quản lý, điều hành, khoa học, chuyên môn và văn hóa - nghệ thuật.

Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nếu không khai thác sử dụng thì quốc gia thiệt thòi, chậm phát triển. Đất nước ta đang đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn; tài nguyên có nguy cơ cạn kiệt, nguồn vốn cho đầu tư phát triển đã đến hồi khó khăn; đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa việc khai thác tài nguyên hiệu quả với việc thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tri thức.

Muốn làm được điều đó, không có lựa chọn nào khác là phải biết trọng dụng nhân tài. Lịch sử phát triển của thế giới nói chung và các quốc gia, dân tộc nói riêng, đều gắn liền với chính sách trọng dụng nhân tài.

Việc phát hiện, trọng dụng và đào tạo nhân tài từ truyền thuyết đến thời đại Hồ Chí Minh

Vấn đề phát hiện, trọng dụng và đào tạo nhân tài tiếp tục được nhắc tới khi năm 2020 là tròn 20 năm chương trình đường lên đỉnh Olympia được tổ chức nhưng hầu hết các nhà vô địch đều đi du học Úc và sau đó đa phần ở lại Úc làm việc. Đến nay, chỉ có 3/18 nhà vô địch là về nước làm việc và con số đó làm nhiều người cảm thấy ít ỏi. Theo nhiều chuyên gia muốn nhân tài phát huy trí tuệ thì phải có chính sách phù hợp.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ và được lắng nghe ý kiến của Tiến sĩ Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV – người đã đề cập liên tiếp ở 2 khóa Quốc hội rằng phải phải xây dựng một đạo luật về trọng dụng nhân tài, coi đó là Chiếu cầu hiền của Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay nhưng đến nay vẫn chỉ là sự ghi nhận.

Tiến sĩ Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV (ảnh: Thùy Linh)

Tiến sĩ Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV (ảnh: Thùy Linh)

Theo Tiến sĩ Lê Thanh Vân, tính đến nay, việc phát hiện, trọng dụng và đào tạo nhân tài của chúng ta mới dừng lại ở chủ trương trên giấy hoặc đề cập đâu đó ở các văn bản rải rác, chưa hề có văn bản pháp luật nào xác định mục tiêu, nội dung hình thức, phương pháp trọng dụng nhân tài.

Tóm lại, vấn đề nhân tài đến nay chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là Quốc hội ban hành dưới dạng một đạo luật.

Ngày xưa, nhà vua ban Chiếu cầu hiền – đó là văn bản chính thức có giá trị như một đạo luật để thể hiện chính sách trọng dụng nhân tài của nhà nước và chính sách đó thực thi rất hiệu quả.

Cụ thể, từ thời huyền thoại, theo truyền thuyết, vua Hùng đã cho sứ giả đi hang cùng ngõ hẻm lùng xục chiêu mộ nhân tài, từ đó chúng ta có Thánh Gióng 3 tuổi đánh thắng giặc Ân.

Đó là câu chuyện truyền thuyết nhưng thể hiện tầm vóc của một chính sách trọng dụng nhân tài có từ trong thần thoại, đó là khát vọng của nhân dân thể hiện được dưới câu chuyện nhà vua biết trọng dụng nhân tài để bảo vệ, xây dựng đất nước.

Và từ câu chuyện truyền thuyết đã trở thành sự thật khi các triều đại từ nhà Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Trần đến nhà Nguyễn, các triều đại thịnh trị thường có Chiếu cầu hiền.

Ví như nhìn vào triều đại Lê sơ cho thấy, vua Lê Thánh Tông đã đạt được những thành tựu rực rỡ trong xây dựng, phát triển đất nước và được xem là đỉnh cao của chế độ phong kiến tập quyền Việt Nam.

Là một vị vua anh minh, Lê Thánh Tông đặc biệt dành sự quan tâm trong việc xây dựng con người chính trị, mà trọng tâm là vấn đề đào tạo và sử dụng quan lại. Chính sách trọng dụng nhân tài thời Lê Thánh Tông đã trở thành “khuôn phép”, hay “chế độ” như các sử gia phong kiến đã đánh giá, để các triều đại sau đó noi theo, xem như một hình mẫu trong việc tổ chức và xây dựng bộ máy nhà nước vững mạnh.

Dưới triều vua Lê Thánh Tông có nhiều cách thức tuyển dụng, trọng dụng nhân tài như thông qua hình thức thi tam trường: Hương, Hội, Đình. Vòng đầu thi kinh nghĩa, gồm các sách tứ thư, ngũ kinh của Nho giáo. Vòng hai thi chiếu biểu (tức soạn thảo các văn bản hành chính như chiếu, biểu, sớ...). Vòng ba thi sáng tác thơ phú theo chủ đề. Vòng bốn thi văn sách để viết các bài tự luận.

Theo Đại biểu Lê Thanh Vân, với cách thi tuyển gắn với trường hợp cụ thể, đề thi mở, không có trong sách vở thì chuyện mớm đề thi, thủ sẵn phao thi là hoàn toàn không có tác dụng gì.

Đến thời đại Hồ Chí Minh, Bác có 2 công thư vào cuối năm 1945 và giữa năm 1946 gửi chính quyền cả nước đề nghị phát hiện và tiến cử nhân tài cho nhà nước.

Qua tìm hiểu thì thấy, Bác chỉ dựa trên 3 phương pháp:

Một là, muốn biết người đó có giỏi không thì hỏi thông qua bạn bè, khi bạn bè thừa nhận thì chắc chắn sẽ giỏi chứ không phải "lấy tín nhiệm bỏ phiếu gầm bàn".

Hai là hỏi hàng xóm, láng giềng xem người ta ứng xử ông bà, bố mẹ có hiếu kính, lễ nghĩa không, đối xử với hàng xóm có nhân nghĩa không. Nếu có thì đó là người có đức.

Ba là, Bác Hồ trực tiếp sát hạch nói chuyện, cảm nhận thần thái, khẩu ngữ tư duy để định vị xem người đó có học, có tầm nhìn hay không rồi giao một công việc tương ứng để từ đó đánh giá.

Chính nhờ phương pháp đó nên Bác có những học trò cực kỳ xuất sắc như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Lê Duẩn….

Phải có một đạo luật riêng để thi hành chính sách trọng dụng nhân tài

Còn ngày nay thì Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân thừa nhận: “Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có nêu ra chủ trương “thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo quản lý; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo hướng những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”. Nhưng tiếc rằng, đến nay, chủ trương ấy chưa được triển khai cụ thể trên thực tế.

Thời gian qua, trên cơ sở chính sách chung của Đảng và Nhà nước, một số ngành, địa phương đã có cơ chế trọng dụng nhân tài, như: Bộ Giao thông - Vận tải, Quảng Ninh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... nhưng mỗi nơi một kiểu, cách làm khác nhau, thiếu tính nhất quán, thiếu tính liên tục, chưa thành quy tắc xử sự chung, có tính bắt buộc trên phạm vi cả nước. Cho đến nay, chưa có một tổng kết đúng tầm về chính sách trọng dụng nhân tài”.

Còn nhìn vào chương trình truyền hình Đường lên đỉnh Olympia, Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, đây là sân chơi do một đài truyền hình chứ không phải chương trình của Chính phủ, càng không phải nơi thực thi một đạo luật của Quốc hội tuy nhiên chương trình ngay từ khi ra đời đã thu hút rất đông quần chúng nhân dân quan tâm và chọn được nhiều nhân tài trẻ nhưng điều đáng nói là các em đều nhận được học bổng nước ngoài, đi du học và đa số không trở về nước. Điều này đặt ra rằng, cần phải có giải pháp để thu hút nhân tài.

Tình hình ấy, Tiến sĩ Lê Thanh Vân cho rằng, cần phải có một đạo luật, làm cơ sở pháp lý chuẩn mực để thi hành chính sách trọng dụng nhân tài trên phạm vi cả nước.

Nếu Luật Trọng dụng nhân tài được xây dựng thì nội dung của nó sẽ phải đề cập đến những vấn đề cơ bản về: định nghĩa nhân tài; phân loại nhân tài trong từng lĩnh vực; những nguyên tắc lựa chọn và trọng dụng nhân tài; chính sách phát hiện, trọng dụng nhân tài; cam kết, cống hiến của nhân tài; trách nhiệm tiến cử, đề cử, trọng dụng nhân tài; đánh giá năng lực, cống hiến của nhân tài; cơ chế bảo vệ nhân tài và chế tài xử lý đối với những hành vi trù dập, ngăn cản nhân tài...

Theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, trước tiên, bây giờ phải đưa ra định nghĩa chuẩn mực về nhân tài, không thể nói chung chung.

Hiểu theo nghĩa chung nhất, thì nhân tài là người có khả năng “kinh bang tế thế”, biết xoay chuyển cục diện, có năng lực nổi trội. “TÀI, TRÍ” phải gắn với “TÂM, CAN”, tức là trí tuệ, tài năng phải gắn với cái tâm trong sáng và trách nhiệm rõ ràng. Nói một cách giản dị như cha ông ta, là TÀI phải gắn với ĐỨC.

Một học giả người Mỹ tên là Dave Ulrich cho rằng, nhân tài là sự kết hợp nhuần nhuyễn của ba yếu tố, đó là tài năng, cam kết và cống hiến (Competence, commitment và contribution) mà người ta gọi là lý thuyết 3C.

“Và theo tôi, thì nhân tài cần phải được phân loại theo 6 lĩnh vực cụ thể về: chính trị, quản lý, điều hành, khoa học, chuyên môn và văn hóa - nghệ thuật’, Đại biểu Quốc hội này nói.

Theo đó, nhân tài trong chính trị là những người xuất chúng, có tư duy ở tầm tư tưởng, trên cơ sở nhận thức đúng đắn quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội, có tầm nhìn xa, trông rộng để hoạch định đường lối, chính sách chiến lược, làm định hướng dẫn dắt, có khả năng khởi xướng chính sách và tạo cảm hứng cho muôn người đi theo.

Nhân tài trong quản lý là những người có năng lực vượt trội về phương pháp, biết cụ thể hóa tư tưởng chính trị thành những chính sách cụ thể, những quy tắc xử sự phù hợp để triển khai các mục tiêu, định hướng trở thành hiện thực.

Nhân tài trong điều hành là những người nắm chắc đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật để chỉ huy hệ thống thuộc quyền vận hành theo đúng mục tiêu, đạt được kết quả như mong muốn.

Nhân tài trong khoa học là những người có khả năng nhận thức được quy luật vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng theo vòng xoáy trôn ốc của phát triển, từ đó đưa ra những lời giải cho việc xử lý những vấn đề mà cuộc sống đặt ra.

Nhân tài trong chuyên môn là những người có khả năng ứng dụng thuần thục các quy trình, quy phạm, quy tắc trong công việc, bảo đảm sự đúng đắn, chính xác, tuyệt đối, mà không để xảy ra sai phạm.

Và cuối cùng, nhân tài trong văn hóa - nghệ thuật là những người có khả năng sáng tạo, trình bày các tác phẩm, các giá trị văn hóa, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân.

Phân loại được 6 nhóm nhân tài như trên, sẽ là cơ sở để bố trí nhân sự phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể theo sở trường, sở đoản của từng người.

Một người có khả năng làm tốt công tác phong trào, chưa hẳn trở thành một chính trị gia, một nhà lãnh đạo trong hệ thống chính trị; một doanh nghiệp giỏi về sản xuất, kinh doanh chưa hẳn trở thành một nhà quản lý, điều hành trong bộ máy hành chính; một nhà khoa học xuất sắc chưa hẳn trở thành một chính khách...

Trên thực tế, chúng ta đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc trong việc trọng dụng nhân tài. Đôi khi, vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn, vì tính đại diện mà xem nhẹ chất lượng cán bộ.

Cần phải dỡ bỏ các rào cản về độ tuổi quy hoạch đối với hiền tài

Theo Đại biểu Lê Thanh Vân, lâu nay, chính sách trọng dụng nhân tài ở nước ta mới chỉ được tiến hành một cách riêng lẻ, chưa đồng bộ. Người có trình độ, năng lực lại không được đề bạt, cất nhắc, không được đánh giá, ghi nhận, vì không có vây cánh hoặc thiếu sự thừa nhận, sự giúp đỡ của cơ quan, tổ chức và đặc biệt là ở người có thẩm quyền.

Trong xã hội, bộ máy chúng ta không thiếu nhân tài, nhưng hành lang pháp lý thực sự minh bạch để nhân tài đường hoàng bước ra “phò dân, giúp nước” chưa đủ, chưa đúng và chưa trúng. Nếu người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thực sự có “tài, trí, tâm, can”, thì chính họ sẽ có cách để chiêu hiền, đãi sĩ.

Lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy rằng, chỉ có nhân tài mới nhận ra nhân tài. Lẽ thường ấy cũng được thể hiện qua những câu châm ngôn, như "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" là vì vậy.

Chính vì vậy, một nguyên tắc mà vua Lê Thánh Tông trị quốc là hễ ai giỏi hơn thì sẽ có chức vụ cao hơn chứ để kẻ chui lủi trong học tập, mua bằng cấp, gian trá trong mua phiếu tín nhiệm, chạy chọt giữ quyền định đoạt thì nhân tài dễ bị vùi dập do đó cần phải có chính sách xử lý nghiêm khắc đối với những kẻ che giấu, ngáng chân nhân tài. Có như vậy hiền tài mới đường đường xuất thân, lộ diện.

Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút người tài bằng cơ chế ưu đãi đặc biệt mà một số địa phương đã và đang làm. Nhân tài phải được đối xử khác với người thường, phải được ưu tiên trọng dụng.

Nhân tài trong lĩnh vực chính trị tư tưởng phải được đào tạo, bồi dưỡng để trở thành chính khách, chính trị gia.

Với nhóm người tài quản lý, điều hành, cần đào tạo bài bản, trải qua môi trường thực tế để họ bộc lộ năng lực quản lý, điều hành.

Nhân tài trong khoa học, chuyên môn, trong văn hóa, nghệ thuật phải có môi trường trong sáng, có đủ điều kiện để khai triển tài năng...

Ngoài ra, cần phải có cơ chế tiến cử, đề cử gắn liền với trách nhiệm trước pháp luật và cơ chế bảo vệ nhân tài.

Cuối cùng, Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng: “Từ cổ chí kim, chưa bao giờ giới hạn độ tuổi đối với hiền tài mà chúng ta chỉ giới hạn độ tuổi lao động phổ thông.

Bởi lẽ, trong thần thoại, Thánh Gióng 3 tuổi mà đợi quy hoạch, chờ đến tuổi thì làm gì có vị thánh đánh thắng giặc Ân như vậy. Hay Lý Thường Kiệt nếu quy hoạch, hạn chế độ tuổi thì ông ấy 83 tuổi không thể cầm quân đánh giặc được….Do đó, muốn phát hiện, trọng dụng nhân tài thì phải dỡ bỏ các rào cản về độ tuổi quy hoạch đối với hiền tài”.

Thùy Linh (thực hiện)