Thảo luận Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: 2 nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau

23/10/2022 06:20
Lam An/tổng hợp (Theo quochoi.vn; vov/vn)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quốc hội dành cả buổi làm việc chiều 22/10 để thảo luận hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 

Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 4 lần này.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận, tuyệt đại đa số các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành Luật này nhằm điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhưng có 2 nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật vẫn còn có ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến. Đó là nội dung về việc thực hiện dân chủ tại các tổ chức có sử dụng lao động và về thiết chế Ban Thanh tra nhân dân.

Toàn cảnh phiên thảo luận chiều ngày 22/10. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Toàn cảnh phiên thảo luận chiều ngày 22/10. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Quy định về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động trong Luật là cần thiết

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nói riêng và các tổ chức có thuê mướn, sử dụng lao động nói chung không phải là vấn đề mới được đặt ra mà đã được khẳng định từ lâu trong các văn kiện của Đảng và được thể chế hóa trong nhiều văn bản quy định về thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp và tại nơi làm việc.

Việc tổ chức thực hiện các quy định này đạt được các kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động… Tuy nhiên, các quy định này chủ yếu là thuộc các văn bản dưới luật, chưa thật sự đầy đủ và còn tản mát, chưa có tính hệ thống.

Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này thì việc quy định về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động trong Luật này là cần thiết.

Thảo luận tại phiên họp, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Kỳ họp trước, đến nay dự án Luật trình Quốc hội đã tương đối hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu, thể hiện được chủ trương đường lối của Đảng trong việc thực hiện dân chủ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước là rất phù hợp, tuy nhiên, quy định chặt chẽ việc thực hiện dân chủ với khối tư nhân thì chưa hẳn là hợp lý. Theo đại biểu,hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối tư nhân đã có quy định cụ thể, rõ ràng, rành mạch với những chế tài cụ thể tại Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động, Bộ luật Dân sự.

Đối với vấn đề thực hiện dân chủ, đại biểu cho rằng quy định doanh nghiệp tư nhân phải báo cáo định kỳ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cho những người có hợp đồng lao động là không hợp lý, không khả thi, có thể làm ảnh hưởng tới việc bảo mật, đánh mất lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp trong thực tế.

Cần quy định mức kinh phí tối thiểu phải bố trí cho Ban Thanh tra nhân dân

Về thiết chế Ban Thanh tra nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thấy rằng đã và đang phát huy hiệu lực, hiệu quả trong việc bảo đảm để người dân thực hiện dân chủ ở một số loại hình cơ sở.

Tuy nhiên, nếu chỉ quy định thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở một số loại hình cơ sở (gồm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước như hiện nay) thì vô hình trung tạo ra sự phân biệt với người lao động ở các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài công lập; khiến cho người lao động tại khu vực này thiếu cơ chế để thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình ở cơ sở trong khi đây mới là khu vực cần được hỗ trợ tích cực để người lao động có thể thực hiện đầy đủ các quyền của mình.

Với những lý do nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội theo hướng quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở (kể cả các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài Nhà nước) nhằm bảo đảm sự bình đẳng và tạo cơ chế để Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát ở cơ sở.

Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, vẫn có ý kiến cho rằng, chỉ nên quy định thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn và ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước như hiện nay để bảo đảm tính khả thi.

Một số ý kiến khác đề nghị chỉ thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn bởi ở loại hình cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, Ban Thanh tra nhân dân khó phát huy hiệu quả do cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu sự chi phối, tác động trực tiếp của người đứng đầu, quản lý cả về mặt hành chính và về lợi ích vật chất nên khó bảo đảm tính độc lập trong thực hiện nhiệm vụ như đối với ở xã, phường, thị trấn.

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, Ban Thanh tra nhân dân được quy định thành lập ở các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị và các tổ chức sử dụng lao động khác. Xét theo chức năng, nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân, việc mở rộng phạm vi các đơn vị, tổ chức phải thành lập Ban thanh tra nhân dân đã có nhiều mặt tích cực, góp phần nâng cao việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, đảm bảo quyền lợi của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Tuy nhiên, tại Luật Thanh tra năm 2010 đã có quy định về việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng theo đại biểu, thực tế cho thấy nhiều cơ quan, tổ chức không thành lập Ban Thanh tra nhân dân.

Theo quy định của Luật Thanh tra 2010, nhiều đơn vị thành lập Ban Thanh tra nhân dân nhưng hoạt động còn mang tính hình thức và chưa thực sự được chú trọng. Vì vậy, để đảm bảo các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện thành lập và duy trì hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân theo đúng quy định và phát huy được các chức năng, trách nhiệm, quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân theo luật định, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cần quy định cơ chế, chế tài để các đơn vị, tổ chức phải tuân thủ thực hiện, khắc phục tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức không có Ban Thanh tra nhân dân theo quy định như hiện nay, đặc biệt là khi dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã mở rộng phạm vi thành lập Ban Thanh tra nhân dân đến các tổ chức sử dụng lao động ngoài nhà nước.

Về kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Dự thảo Luật quy định kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn hỗ trợ đối với Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn và do Ban chấp hành Công đoàn hỗ trợ đối với Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động. Tuy nhiên, đại biểu cho biết hiện nay kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân tại các cơ sở hầu như rất hạn chế và không đủ để hoạt động.

Vì vậy, có thể xem xét quy định mức kinh phí tối thiểu phải bố trí cho Ban Thanh tra nhân dân đối với Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn và tỷ lệ phần trăm kinh phí bố trí cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong tổng kinh phí của công đoàn cơ sở.

Đại biểu cũng cho rằng, Ban Thanh tra nhân dân là cần thiết ở xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp nhà nước, nhưng việc tổ chức và hoạt động Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp ngoài nhà nước thì sẽ thiếu cơ chế, thiếu kinh phí, phải hoạt động ngoài giờ, dẫn tới bất cập, không thể hoạt động hiệu quả. Vì vậy, đại biểu đề nghị không quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp thu, giải trình một số ý kiến của đại biểu

Thay mặt cơ quan soạn thảo Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm và có những ý kiến đóng góp sâu sắc, toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm đối với dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, ý kiến của các đại biểu cơ bản là bày tỏ sự đồng tình, thống nhất rất cao, những ý kiến tham gia đóng góp của các đại biểu ban soạn thảo sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để tổng hợp, báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, chỉnh lý dự thảo luật để trình Quốc hội quyết định.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, việc xây dựng luật đảm bảo được mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế và đảm bảo kỷ cương xã hội. Dân chủ ở cơ sở phải gắn với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương trong sạch, vững mạnh, doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững.

Với những nguyên tắc này, cách thiết kế của dự thảo luật đã đảm bảo được tính kế thừa, đổi mới và phát triển những cái quy định hiện hành của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở hiện hành và đảm bảo không chồng chéo, không mâu thuẫn và xung đột với các văn bản luật liên quan. Việc thiết kế luật rất thận trọng, kỹ lưỡng để đảm bảo được cái sự liên thông nhưng đồng thời không có sự xung đột, không có sự chồng chéo với các luật hiện hành và đảm bảo được tính chính trị, tính pháp lý, tính khoa học, tính đại chúng, dễ tiếp cận, dễ tra cứu, dễ thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nêu rõ, đối với những nội dung cụ thể, chi tiết, những vấn đề liên quan đến kỹ thuật lập pháp, những vấn đề có liên quan đến điều khoản chuyển tiếp… được đại biểu góp ý, Ban soạn thảo trân trọng tiếp thu và phối hợp với Ủy ban Pháp luật để tổng hợp, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉnh lý, bổ sung để hoàn thiện dự thảo luận để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Lam An/tổng hợp (Theo quochoi.vn; vov/vn)