Thầy cô sẽ thêm yên tâm bám trường, bám lớp nếu kiên cố hóa trường lớp

31/08/2024 06:13
Thúy Quỳnh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Kiên cố hóa trường lớp tại vùng khó còn nhiều trở ngại do khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước còn hạn chế.

Theo kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế, bất cập tồn tại.

Do đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục, giải quyết những hạn chế.

Cụ thể, nhiệm vụ thứ 7 của kết luận nêu rõ: Triển khai chương trình đầu tư kiên cố hóa trường học, xóa phòng học tạm, xây dựng trường chuẩn quốc gia và đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu, nhất là ở các vùng nông thôn, đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%.

Kiên cố hóa trường lớp tạo động lực để các thầy cô yên tâm bám trường, bám lớp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết, việc thực hiện kiên cố hóa trường, lớp có vai trò hết sức quan trọng, nhằm đáp ứng cơ sở vật chất phục vụ chương trình giáo dục phổ thông 2018 và quy hoạch mạng lưới trường lớp giai đoạn 2026-2030.

Ông Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu.

Ông Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu.

Do vậy, ngành giáo dục tỉnh Lai Châu tiếp tục tham mưu Đảng ủy, chính quyền các cấp xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn phát triển kinh tế đất nước; chú trọng quy hoạch mạng lưới trường, lớp, củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông trung học bán trú, trường phổ thông trung học nội trú.

Qua nhiều nỗ lực và phấn đấu thực hiện kiên cố hóa trường, lớp, trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện toàn tỉnh có 7.305 phòng học, trong đó có 5.715 phòng học kiên cố, đạt 78,2%.

Ông Đinh Trung Tuấn chia sẻ: “Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, cùng sự đóng góp của các tập thể, cá nhân, hệ thống mạng lưới trường lớp, học được củng cố, cơ sở vật chất được tăng cường. Nhiều ngôi trường mới, bảo đảm khang trang, thoáng mát, cảnh quan sư phạm đã được đầu tư xây dựng kiên cố, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa.

Nhờ đó, các thầy, cô giáo yên tâm bám trường, bám lớp, phụ huynh học sinh yên tâm khi con em được sinh hoạt và học tập trong điều kiện đảm bảo nhất, học sinh thích đến trường hơn, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực giúp nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương”.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Tổng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai châu). Ảnh: Sở GD&ĐT Lai Châu cung cấp.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Tổng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai châu). Ảnh: Sở GD&ĐT Lai Châu cung cấp.

Khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước còn hạn chế

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cũng cho biết: “Mặc dù địa phương đã và đang nỗ lực trong công tác thực hiện kiên cố hóa, song còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực còn hạn chế, việc huy động đóng góp từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh cho giáo dục còn chưa nhiều.

Thêm vào đó, điều kiện kinh tế - xã hội của nhân dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu còn nhiều khó khăn, mật độ dân cư thưa thớt, không tập trung. Hệ thống kết nối giao thông chưa đồng bộ dẫn tới khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước còn hạn chế”.

Trao đổi với phóng viên, ông Tống Thanh Sơn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) cũng cho biết, công tác kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ trên địa bàn hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn dù ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực.

“Mường Tè là huyện vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, nếu quy hoạch chỉ một điểm trường ở khu trung tâm sẽ không phù hợp mà phải có các điểm trường lẻ nằm rải đều dưới các khu.

Như vậy, việc đầu tư xây dựng sẽ rất tốn kém vì mỗi điểm trường đều phải đảm bảo những yêu cầu về lớp học, sân chơi, bếp ăn… trong khi huyện lại nghèo, ngân sách bố trí cho giáo dục còn nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng nhiều điểm trường chưa được kiên cố hóa, diện tích đất một số trường còn chưa đảm bảo”, ông Sơn chia sẻ.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số phòng học trên địa bàn huyện Mường Tè (bao gồm cả phòng học bộ môn) là 882 phòng học: 665 phòng học kiên cố, 206 phòng học bán kiên cố, 11 phòng học tạm (đã giảm 9 phòng học tạm so với năm học trước); ước tính 194 phòng công vụ: 93 phòng kiên cố, 91 phòng bán kiên cố, 10 phòng tạm. Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 75,4%, phòng công vụ ước tính đạt 47,9%.

Thầy Nguyễn Công Thương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Ngà (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) cũng cho biết, được sự quan tâm, đầu tư của các sở, ban ngành, các đơn vị, đến nay, điều kiện kiên cố hóa của nhà trường đã được cải thiện đáng kể.

Theo đó, các lớp học đã đủ đáp ứng cho học sinh học tập, nhà bán trú của học sinh cũng đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến sẽ bàn giao trong năm học tới. Trước đây, trường có 12 phòng bán trú, nhưng do số lượng học sinh đông, trường được đầu tư xây dựng thêm 15 phòng bán trú và 6 phòng chức năng, hiện đang thi công và sẽ bàn giao trong thời gian ngắn nhất.

Về nhà công vụ cho giáo viên, thầy Nguyễn Công Thương chia sẻ: “Vì điểm trường mới chuyển đến xã Nậm Ngà ra, nên vẫn chưa có nhà công vụ, các thầy cô hiện vẫn đang phải ở nhà gỗ. Do đó, điều kiện sinh hoạt cũng thường bị ảnh hưởng khi gặp thời tiết mưa gió, các thầy cô sẽ vất vả hơn, mà mức độ an toàn cũng không cao như nhà xây kiên cố.

Nếu được đầu tư xây dựng nhà công vụ, chắc chắn các thầy cô sẽ có thêm động lực, yên tâm công tác bám trường, bám bản nhiều hơn”.

Điều kiện sinh hoạt của giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Ngà (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) còn vất vả, khó khăn. Ảnh: NTCC.

Điều kiện sinh hoạt của giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Ngà (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) còn vất vả, khó khăn. Ảnh: NTCC.

Theo thầy Vũ Văn Viện - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), thời gian qua, được sự quan tâm, ủng hộ, của các cấp, các ngành địa phương và các nhà hảo tâm, nhà trường đã xây dựng được 2 điểm trường mới, bên cạnh đó cũng từng bước sửa chữa và cải thiện điều kiện trường, lớp học.

Tuy nhiên, hiện nay, tại 2 điểm trường chính có nuôi dưỡng các học sinh bán trú, vẫn còn thiếu phòng bán trú cho học sinh và phòng công vụ cho giáo viên. Chính vì vậy, vị Hiệu trưởng cũng bày tỏ, mong sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ nguồn lực xã hội, bên cạnh nguồn ngân sách hạn chế.

TVien.jpg
Tại một số điểm trường, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) vẫn ở phòng công vụ tạm, chưa đảm bảo điều kiện sinh hoạt. Ảnh: NTCC.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: “Xác định kiên cố hóa trường, lớp là việc cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; là điều kiện quan trọng nhằm đảm bảo sự an toàn cho đội ngũ giáo viên và học sinh.

Trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lai Châu sẽ tổ chức khảo sát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa trường, lớp học; lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia ưu tiên xây dựng, sửa chữa các phòng học xuống cấp mà chưa có dự án đầu tư, các điểm trường vùng khó khăn và những trường nằm trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, từng bước xóa bỏ phòng học tạm, phòng học xuống cấp, đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy”.

Cần ưu tiên tạo nguồn lực đầu tư cho giáo dục vùng khó

Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, chưa đáp ứng hết nhu cầu của các địa phương, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường, huy động xã hội hoá giáo dục.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết: “Triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/06/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025; Kế hoạch 1237/KH-BGDĐT ngày 28/11/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1493/KH-UBND tỉnh Lai Châu ngày 23/7/2020 về thực Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường, đẩy mạnh việc kêu gọi, thu hút các nguồn xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, huy động phụ huynh học sinh tham gia tu sửa, nâng cấp trường lớp học.

Do đó, kết thúc năm học 2023-2024, ngành giáo dục đã huy động được 63.925 triệu đồng.

Cụ thể, địa phương đã sửa chữa, nâng cấp 74 phòng học, 04 phòng ở bán trú, 13 nhà bếp ăn, 02 nhà ăn, 24 công trình vệ sinh, 25 công trình nước sạch và nhiều hiện vật khác,….".

Phòng nội trú cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Sở GD&ĐT Lai Châu cung cấp.

Phòng nội trú cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Sở GD&ĐT Lai Châu cung cấp.

Cùng với những nỗ lực của địa phương và kết quả đã đạt được, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu kiến nghị các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác phát triển giáo dục ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của Nhà nước, ngành giáo dục tỉnh Lai Châu mong nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ đầu tư, xây dựng nhà lớp học, phòng ở cho học sinh bán trú và nhà công vụ kiên cố cho giáo viên nhằm đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ giáo dục.

Đồng thời, mua sắm các trang thiết bị phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học trong bối cảnh triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, để góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tại địa phương.

Thúy Quỳnh