Xếp loại viên chức theo nhóm đối tượng: Thầy cô nhóm nào sẽ cạnh tranh gay gắt?

14/09/2024 06:42
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc xếp loại chức ở trường học sẽ thực hiện theo nhóm: nhóm tổ trưởng, tổ phó; nhóm giáo viên chủ nhiệm; nhóm giáo viên không kiêm nhiệm; nhóm nhân viên.

Từ cuối năm học 2023-2024 vừa qua, việc đánh giá, xếp loại viên chức ở các nhà trường công lập đã áp dụng theo Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/ 8/2020.

Khi đánh giá, xếp loại viên chức theo Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, viên chức được xếp ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khó khăn hơn trước đây vì được xếp ở mức này là cán bộ, giáo viên đủ điều kiện xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở mà không cần phụ thuộc vào tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm.

Tuy nhiên, năm học vừa qua, phần nhiều các địa phương mới chỉ dừng lại ở việc xếp loại 20% viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên tổng số lượng viên chức được xếp loại Hoàn thành tốt nhiệm vụ tại đơn vị mà chưa xếp theo phân loại đối tượng.

Vì thế, ngay trước thềm năm học 2024-2025 đã có địa phương quán triệt công việc này và định hướng năm học tới đây sẽ xếp loại viên chức theo nhóm đối tượng nhằm thực hiện đúng tinh thần của Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP.

thi-dua-khen-thuong-minh-hoa-1610-8418-1467-7358.jpg
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Xếp loại viên chức ở các trường học theo “nhóm đối tượng” như thế nào?

Tại khoản 6, Điều 1, Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP hướng dẫn: “Tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỉ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao, hoàn thành tốt các công việc đột xuất, có đề xuất hoặc tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực thì cấp có thẩm quyền quyết định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức”.

Với hướng dẫn như trên của Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, các địa phương hướng đã dẫn các trường học đánh giá, xếp loại viên chức ở năm học 2023-2024 nhưng chỉ mới dừng lại ở việc xét tỉ lệ 20% số lượng viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “theo quy định của Đảng”.

Bởi lẽ, tại điểm 2.3 khoản 2, Mục B của Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW năm 2019 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm hướng dẫn như sau: “Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số đảng viên được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trong từng tổ chức cơ sở đảng”.

Việc đánh giá, xếp loại viên chức theo “nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng” ở nhiều địa phương chỉ thực hiện đối với lãnh đạo sở, phòng và ban giám hiệu các nhà trường.

Tuy nhiên, năm học 2024-2025 tới đây, một số địa phương đã thông tin sẽ thực hiện đối với tất cả các viên chức trong nhà trường. Theo đó, sẽ có các nhóm đối tượng sau: nhóm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn; nhóm giáo viên chủ nhiệm; nhóm giáo viên không kiêm nhiệm (chỉ dạy lớp); nhóm nhân viên nhà trường.

Nếu năm học tới đây, các địa phương, trường học áp dụng đồng loạt như vậy sẽ càng cạnh tranh gay gắt và cũng có thể xảy ra một số nhóm đối tượng thiệt thòi vì họ đang đảm nhận những công việc khó, áp lực hơn.

Nhưng, cũng có những nhóm đối tượng “dễ thở” hơn và cũng dễ dàng nhìn thấy hiệu quả công việc vượt trội để đánh giá, xếp loại viên chức.

Giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ, công việc khác sẽ có nhiều cơ hội hơn

Những năm trước đây, việc đánh giá, xếp loại viên chức ở các nhà trường khá đơn giản và nhẹ nhàng. Thông thường, viên chức hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trong đó có một số thành tích vượt trội là được xếp Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và không bị khống chế tỉ lệ %.

Nhưng, muốn xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua thì bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm được cấp cơ sở công nhận giải. Vì thế, nếu không có sáng kiến kinh nghiệm thì yên vị ở danh hiệu Lao động tiên tiến. Riêng xếp loại viên chức ở những địa phương không chia thu nhập tăng thêm thì xuất sắc cũng được mà hoàn thành tốt cũng chẳng sao vì điều cốt lõi là viên chức hướng đến danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Nhưng, từ năm học 2023-2024 thì hoàn toàn khác, việc đánh giá, xếp loại viên chức bị khống chế ở tỉ lệ 20%. Đặc biệt, theo hướng dẫn tại Điều 23 Luật Thi đua, khen thưởng quy định: “Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:

1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.”

Vì thế, ở năm học vừa qua, nhiều trường học rất căng thẳng trong việc đánh giá, xếp loại ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì cho dù không có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải mà được xếp loại viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là đủ điều kiện xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Năm học tới đây, việc đánh giá, xếp loại viên chức cũng sẽ tiếp tục căng thẳng khi phân theo đối tượng cụ thể.

Đối với nhóm đối tượng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sẽ do phòng, sở giáo dục (tùy cấp học) đánh giá, xếp loại. Chẳng hạn, trong địa bàn có 100 viên chức quản lý là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thì cấp quản lý trực tiếp sẽ cân nhắc xét 20 viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ở trường, người quyết định cuối cùng trong việc đánh giá, xếp loại viên chức là hiệu trưởng cũng phải cân nhắc, đắn đo để xếp mỗi nhóm đối tượng tương ứng với tỉ lệ 20%.

Nhóm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn là những cánh tay nối dài, phần nhiều là những cá nhân tiêu biểu của các tổ chuyên môn, họ chịu trách nhiệm về phát triển và quản lý về chất lượng bộ môn.

Nhóm giáo viên chủ nhiệm là những người giúp cho Ban giám hiệu quản lý nền nếp học sinh; vận động xã hội hóa; thu các khoản tiền…cũng rất quan trọng.

Nhóm nhân viên trường học cũng rất vất vả khi chịu trách nhiệm các đầu công việc như kế toán; thủ quỹ; đoàn- đội; thư viện; y tế; thiết bị; bảo vệ- công việc nào cũng quan trọng, cần thiết.

Nhóm giáo viên dạy lớp dù không kiêm nhiệm chức vụ, hoặc các công tác khác thì họ là những người dạy đủ số tiết.

Nhìn chung, nhóm đối tượng nào cũng quan trọng nhưng cho dù nhóm này có nhiều viên chức tiêu biểu, nhiều thành tích thì tối đa cũng chỉ xét 20% viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhóm khác ít có thành tích nổi bật cũng xét 20% viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Miễn sao, sau khi đánh giá, xếp loại từng nhóm đối tượng phải đảm được 20% viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ/ toàn trường.

Vì thế, ngay từ đầu năm học, nếu các nhà trường không xây dựng được các tiêu chí xếp loại viên chức, không làm rõ được thành tích nào là vượt trội sẽ rất khó khăn khi đánh giá, xếp loại cuối năm.

Đứng trước quyền lợi cá nhân, ai cũng muốn bảo vệ quyền lợi cho riêng mình và tất nhiên hiệu trưởng phải bản lĩnh, quyết đoán, công tâm mới có thể chọn lựa ra 20% viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đơn vị mình.

Nếu làm không khéo, thiên vị sẽ dẫn đến tình trạng mất đoàn kết nội, thậm chí sẽ có đơn khiếu nại vượt cấp và đương nhiên uy tín của hiệu trưởng nhà trường cũng bị ảnh hưởng theo.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI