Thầy giáo băng rừng, lội suối để đến với học trò Ba Chẽ

29/08/2019 06:42
TUẤN KIỆT
(GDVN) - Hơn chục năm gắn bó với giáo dục vùng cao của huyện Ba Chẽ, thầy giáo Bảo không nhớ rõ đã bao nhiêu lần băng rừng, lội suối để vận động học sinh đến trường.

Ba Chẽ là huyện vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh, dân cư sống thưa thớt.

Ở những xã miền núi, vùng cao của huyện, đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác các đồi núi, công việc chủ yếu trồng keo và làm thuê trên rừng.

Nhà các em học sinh cách trường hàng chục km, nên thầy giáo Triệu Văn Bảo (giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Tiểu học và Trung học cơ sở Đồn Đạc 2) cùng các thầy, cô giáo muốn đến nhà vận động học sinh ra lớp phải băng rừng, lội suối, thậm chí chọn giờ để đến vận động.

Hơn chục năm gắn bó với giáo dục vùng cao của huyện Ba Chẽ, thầy giáo Bảo không nhớ đã bao lần lặn lội mưa gió cùng đồng nghiệp đi tới các thôn, bản vận động học sinh đến lớp.

Thầy giáo Triệu Văn Bảo vận động gia đình cho em Chìu Quỳnh Lương đến trường năm học mới. (Ảnh: Thu Chung)
Thầy giáo Triệu Văn Bảo vận động gia đình cho em Chìu Quỳnh Lương đến trường năm học mới. (Ảnh: Thu Chung)

Thầy giáo Bảo chia sẻ: “Không giống như ở dưới xuôi, việc dạy học trên vùng cao gặp rất nhiều khó khăn, các thầy, cô phải “dỗ” trước rồi mới tính đến việc “dạy”.

Đa số các em đã bỏ học sợ không dám gặp lại giáo viên, nên khi nhìn thấy thầy, cô đến nhà là tìm cách tránh mặt.

Không ít trường hợp bố mẹ đã đồng ý cho con quay lại trường, nhưng hôm sau lại đưa chúng đi làm thuê cùng.

Vì vậy, để duy trì sĩ số, các giáo viên không chỉ thường xuyên trau dồi trình độ chuyên môn, mà còn phải khéo léo, kiên trì và yêu thương học sinh; thăm dò tình hình kinh tế, tìm hiểu gia cảnh để có những động viên kịp thời”.

Thầy Bảo còn nhớ như in kỷ niệm đến nhà em Chìu Quỳnh Lương (ở thôn Khe Mằn, xã Đồn Đạc) vận động em đến trường trước thềm năm học mới 2019-2020.

Chuyện thầy giáo Nùng giữa rẻo cao mây trắng, yêu học trò bằng tình người anh cả
Chuyện thầy giáo Nùng giữa rẻo cao mây trắng, yêu học trò bằng tình người anh cả

Khi thấy thầy Bảo đến nhà vận động, em Lương nở nụ cười tươi và nói: “Năm nay, em vẫn muốn được đi học tiếp mà đến nay vẫn chưa có sách vở mới.

Thấy các bạn tíu tít đến dọn dẹp lớp học em lo lắng lắm, vì không biết năm nay có được gia đình cho đi học không”.

Theo thầy Bảo, gia đình em Lương là một trong những hộ nghèo nhất bản, mẹ em mất sớm, bố em không minh mẫn.

Lương sống cùng với ông bà nội và chú dì, kinh tế chủ yếu trông vào mấy ha rừng keo, nên cuộc sống rất khó khăn.

Em Lương rất chăm chỉ, ngoan ngoãn nghe lời thầy, cô, hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ dở việc học quả là rất thiệt thòi cho em.

Vì vậy, không chỉ năm nay, năm học nào thầy Bảo cùng các đồng nghiệp cũng đến động viên, thuyết phục gia đình năm lần, bảy lượt mới thành công.

Cũng theo chia sẻ của thầy giáo Bảo, việc vận động các em học sinh ở các xã vùng cao, miền núi huyện Ba Chẽ rất khó khăn.

Các thầy, cô giáo vận động học sinh đến lớp phải đi lại nhiều lần là chuyện bình thường.

Thầy giáo Bảo hướng dẫn các em học sinh bọc sách vở, chuẩn bị cho năm học mới (Ảnh: Thu Chung)
Thầy giáo Bảo hướng dẫn các em học sinh bọc sách vở, chuẩn bị cho năm học mới (Ảnh: Thu Chung)

Đặc biệt, các thầy, cô đều phải chọn giờ “gà gáy” hoặc “gà lên chuồng” đến nhà để vận động được các em học sinh đến trường.

Hoặc chọn những ngày mưa to mới đến vận động thì chắc chắn sẽ gặp phụ huynh và học sinh.

“Việc vận động học sinh vùng cao đến lớp không phải cứ đến tìm là gặp được, nên phải đi từ tờ mờ sáng hoặc tối mịt thì mới gặp được cả phụ huynh và học sinh.

Giáo viên đi nhiều đến nỗi bây giờ thuộc lòng hết địa chỉ nhà các em trong lớp, thậm chí trong trường.

Đến không gặp đã đành, nhiều gia đình còn không tiếp, hoặc nếu có tiếp, các thầy cô sẽ nhận được nhiều lý do khác nhau.

Các lý do được đưa ra như: “Nhà nghèo lắm, đi học thì ai làm cho, ai kiếm tiền cho”, “Không có người bế em thì bố mẹ sao mà kiếm tiền được”, “Không bảo được nó đâu, thầy tự bảo nó đi học đi”…”, thầy Bảo nói.

Chính nhờ sự nhiệt tình, trách nhiệm, yêu thương học sinh của thầy giáo Triệu Văn Bảo mà các gia đình đã đồng ý để cho các em có cơ hội đến trường.

Và những giọt mồ hôi rơi sau những lần băng rừng, lội suối vận động học sinh đến lớp của thầy Bảo đã giúp các em học sinh dân tộc có một tương lai tươi sáng hơn.

TUẤN KIỆT