Thầy giáo Đắk Lắk và hành trình 10 năm làm thiện nguyện giúp đỡ học sinh nghèo

09/09/2024 06:42
Bích Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thầy Mai Văn Chuyền đã có gần 10 năm làm thiện nguyện với nhiều hoạt động như dạy học miễn phí cho học sinh vùng sâu vùng xa, hỗ trợ công việc cho phụ huynh.

Gần 10 năm tâm huyết với công tác thiện nguyện, thầy Mai Văn Chuyền, giáo viên Trường Trung học cơ sở Ngô Mây, Chủ nhiệm câu lạc bộ "Vì đàn em thân yêu" ở xã Ea M’droh, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống đuối nước, tạo động lực giúp trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa thắp sáng con chữ. Năm 2023, thầy Chuyền là 1 trong 10 cá nhân trên cả nước đoạt giải thưởng Tình nguyện quốc gia.

IMG_6172.JPG
Thầy Mai Văn Chuyền, giáo viên Trường Trung học cơ sở Ngô Mây, xã Ea M’droh, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: NVCC)

Lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh khó khăn ở Đắk Lắk

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Mai Văn Chuyền cho biết, tỉnh Đắk Lắk có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều sông, suối, một số ao, hồ do người dân tự đào để trữ nước tưới cây nên tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện học bơi vì chi phí tham gia một khóa học bơi khá đắt đỏ. Hơn nữa, đa số bể bơi nằm ở trung tâm thị trấn, cách xa nơi các em ở 15-25km nên trẻ em di chuyển rất khó khăn.

Thầy Chuyền thông tin thêm, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trung bình mỗi năm có khoảng 70-80 trẻ em bị đuối nước. Chỉ trong vòng 5 năm từ 2016-2021, số lượng trẻ đuối nước là hơn 400 trẻ, tương đương với sĩ số của một trường tiểu học cỡ nhỏ và vừa ở tỉnh Đắk Lắk. Riêng ở huyện Cư M'gar, trung bình một năm có 8-9 trẻ em bị đuối nước. Đặc biệt là ở các thôn buôn vùng sâu, những vụ việc đuối nước không chỉ có một nạn nhân mà còn là nhiều em cùng bị một lúc, và thường ở những gia đình có điều kiện khó khăn.

Việc trẻ em bị đuối nước gây ra hệ lụy rất lớn cho xã hội, để lại những nỗi đau, dằn vặt cho các bậc phụ huynh, gia đình. Đó chính là lí do thôi thúc thầy Mai Văn Chuyền - một giáo viên vùng sâu vùng xa nỗ lực kêu gọi sự đóng góp của mạnh thường quân để có kinh phí làm bể bơi di động và chính thầy đã lặn lội đến các điểm trường dạy bơi miễn phí cho học sinh.

Với sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, nam giáo viên đã xây dựng được một bể bơi có diện tích 80m2, kinh phí đầu tư khoảng 40 triệu đồng. Thầy Chuyền đã vận dụng các kiến thức về thể dục thể thao được học tại trường đại học cũng như các lớp tập huấn về môn bơi lội do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức để dạy bơi miễn phí cho trẻ em tại huyện Cư M'gar.

Vào dịp hè, bể bơi di động được thầy đặt ở một địa điểm cố định để hơn 100 em học sinh học bơi. Sau một tháng, thầy Chuyền tiếp tục di chuyển bể bơi đến địa điểm khác. Thông qua hoạt động ý nghĩa này, học sinh được trang bị kỹ năng cơ bản như làm quen môi trường nước, nín thở dưới nước, kỹ năng nổi, xử lý khi ở dưới nước, kỹ thuật bơi ếch, đồng thời nhận biết được các mối nguy hiểm để phòng tránh nguy cơ đuối nước.

IMG_6162.JPG
Thầy Mai Văn Chuyền dạy bơi miễn phí cho các em học sinh ở thôn Hiệp Hưng, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar. Ảnh: NVCC.

“Trong quá trình thực hiện, tôi thấy việc dạy bơi cho trẻ để phòng tránh đuối nước là một biện pháp nhưng chưa hạn chế hết được các tai nạn. Tôi mong rằng trong thời gian tới, chính quyền địa phương, các đoàn thể, các bậc phụ huynh và nhà trường sẽ quan tâm hơn nữa đến vấn đề phòng tránh tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước cho các em", thầy Chuyền bày tỏ.

Từ sự thành công của lớp học dạy bơi miễn phí, thầy Mai Văn Chuyền cùng các tình nguyện viên trong câu lạc bộ “Vì đàn em thân yêu” đã về các trường học trên địa bàn để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho các giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Hành động đẹp của thầy Chuyền đã được lan tỏa, ngày càng có nhiều giáo viên trên địa bàn tình nguyện dạy bơi miễn phí cho học sinh vùng khó khăn.

Kích thích khả năng học tập suốt đời của học sinh, tạo sinh kế bền vững cho gia đình

Nhằm bồi dưỡng kiến thức, tạo hứng thú học tập cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng thầy Mai Văn Chuyền đã xây dựng “Ngôi nhà trí tuệ” ngay trong khuôn viên đất của gia đình. Tại đây còn có "Tủ sách nhân ái" với hơn 2.000 đầu sách đa dạng thể loại, để cả học sinh và phụ huynh thoải mái đọc và nâng cao kiến thức. Ngoài ra, nam giáo viên còn trực tiếp dạy học miễn phí cho học sinh một số môn năng khiếu như: cờ vua, bóng bàn, võ thuật, hoạt động STEM cũng như các kỹ năng sống.

“Đây là một không gian học tập suốt đời cho học sinh và người dân địa phương. Đến với ngôi nhà này, các em sẽ được học tập, đọc sách, trang bị các kỹ năng sống và tham gia các hoạt động thể thao miễn phí, giúp các em có thêm kiến thức và ý chí để vươn lên trong học tập. Ngoài ra, các hoạt động STEM sẽ kích thích việc học tập, say mê nghiên cứu cho các em”, thầy Mai Văn Chuyền chia sẻ.

Thầy Chuyền tâm sự thêm, thời gian đầu triển khai lớp học gặp nhiều khó khăn bởi nội dung thầy giảng dạy không phụ thuộc vào sách giáo khoa. Vì vậy, phụ huynh cảm thấy e ngại và chưa hoàn toàn yên tâm. Tuy nhiên, trong quá trình học tập, thầy Chuyền thường hỗ trợ dạy thêm những chuyên đề mà học sinh còn yếu trên lớp hoặc chưa có cơ hội học tập. Sau một thời gian trải nghiệm, học sinh cũng như phụ huynh hiểu được ý nghĩa của lớp học nên việc triển khai lớp học cũng thuận lợi hơn.

IMG_6165.JPG
Nhiều em học sinh ở địa phương đến "Ngôi nhà trí tuệ" để đọc sách và vui chơi. Ảnh: NVCC.

Song song với việc xây dựng không gian học tập miễn phí cho trẻ em nghèo, thầy Mai Văn Chuyền còn đồng hành giúp nhiều gia đình giảm bớt gánh nặng kinh tế, nhờ việc tổ chức điều hành dự án "Ngân hàng dê giống", "Ngân hàng bò giống".

"Gọi là ngân hàng vì con vật sẽ không cho hẳn mà chỉ cho mượn, coi dê giống như vốn ban đầu để xoay vòng. Mục đích của dự án nhằm kết nối các tấm lòng hảo tâm cùng chia sẻ yêu thương. Qua đó vừa tạo được sinh kế bền vững cho gia đình học sinh khó khăn, vừa giáo dục cho học sinh tinh thần yêu lao động, giúp đỡ cha mẹ.

Ban đầu, dự án hỗ trợ cho mượn 3 giống dê, bò cái sinh sản, trị giá 10 triệu đồng để gia đình học sinh nghèo phát triển chăn nuôi. Từ 2-3 con dê, bò tặng mỗi học sinh ban đầu, nay đàn bò và đàn dê đã phát triển lên đến 12-13 đàn”, nam giáo viên cho biết.

Đến nay, dự án "Ngân hàng dê giống" và “Ngân hàng bò giống” của thầy Mai Văn Chuyền đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo và đang tiếp tục chuyển giao dê, bò giống đến nhiều gia đình học sinh nghèo khác. Hình thức từ thiện của thầy giáo Mai Văn Chuyền được xem là "trao cần câu chứ không trao con cá". Bởi thay vì được nhận tiền khuyến học một cách thụ động, cách làm này giúp người dân cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế và quan trọng nhất là nuôi lớn giấc mơ đèn sách cho các em nhỏ.

Không chỉ là cánh chim đầu đàn trong các hoạt động khuyến học, thiện nguyện, thầy Mai Văn Chuyền còn là một giáo viên giỏi khi đào tạo được nhiều học sinh đoạt giải cao trong các cuộc thi như: Hội khỏe Phù Đổng các cấp; kỳ thi học sinh giỏi môn Taekwondo toàn quốc; giải cờ vua, đẩy gậy của học sinh tỉnh Đắk Lắk.

“Ngay từ khi bắt đầu công tác trong ngành giáo dục, tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh. Vì vậy, tôi luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để các em tham gia học tập, rèn luyện các môn thể dục thể thao. Đồng thời tham mưu với ban giám hiệu nhà trường và chính quyền địa phương xây dựng, duy trì các mô hình, câu lạc bộ thể dục thể thao", thầy Chuyền cho biết.

Chia sẻ về kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi hiệu quả, thầy Mai Văn Chuyền cho hay, giáo viên cần duy trì được tần suất, sự hứng thú tập luyện của học sinh trong cả năm học, chứ không chỉ tập trung bồi dưỡng trong một giai đoạn. Muốn làm được điều đó, giáo viên phải xây dựng được thói quen tập luyện thường xuyên của học sinh, đồng thời trực tiếp tham gia vào quá trình tập luyện cùng các em. Từ đó tạo nên sự gắn kết giữa thầy và trò, giúp các em có tinh thần tự tin và đạt được thành tích cao.

IMG_6159.JPG
Nam giáo viên có nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: NVCC)

Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thiện nguyện.

Thầy Chuyền quan niệm, gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách của trẻ. Chính vì vậy, những người làm cha mẹ cần được trang bị nhiều hơn những kiến thức về giáo dục gia đình như chăm sóc, dành sự quan tâm nhiều hơn tới con.

"Sự quan tâm của gia đình, cộng đồng có vai trò rất quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Từ đó, những vấn đề nổi cộm trong ngành giáo dục sẽ được chính bậc phụ huynh đồng hành, hỗ trợ cùng nhà trường giải quyết", thầy Chuyền nêu quan điểm.

IMG_6169.JPG
Thầy giáo Mai Văn Chuyền nhận khen thưởng trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, thầy cũng mong gia đình và các em học sinh hiểu rằng, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm nhằm mục đích nhìn thấy sự thay đổi tích cực từ chính các em và mong các em có tương lai tươi sáng. Các em không nên trông chờ, ỷ lại vào những sự hỗ trợ mà nên coi đó là động lực để thoát nghèo, là cơ hội để cha mẹ chăm lo đời sống cho con em tốt hơn.

Thầy Chuyền cho biết sẽ tiếp tục duy trì, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thiện nguyện. Cụ thể là chú trọng vào mô hình bể bơi miễn phí cho trẻ em và tuyên truyền phòng, chống đuối nước. Bên cạnh đó, nam giáo viên cũng đẩy mạnh các hoạt động tại “Ngôi nhà trí tuệ” để xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng dân cư.

Ở độ tuổi 36, thầy Mai Văn Chuyền đã gặt hái cho bản thân nhiều thành tích nổi bật. Năm 2023, thầy Chuyền là 1 trong 10 cá nhân của cả nước đoạt giải thưởng Tình nguyện quốc gia. Đồng thời, thầy Chuyền đã nhiều lần được các cấp chính quyền biểu dương khen thưởng trong việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thầy Mai Văn Chuyền còn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2015-2016 đến năm học 2019-2020; được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2020. Thầy cũng là giáo viên trẻ tiêu biểu cấp Trung ương năm 2020 và 12 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở…

Bích Ngọc