Cô giáo tình nguyện gắn bó với điểm trường vùng sâu, vùng xa cho đến khi về hưu

20/10/2022 06:37
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô giáo Hạnh tình nguyện viết đơn xin về điểm trường vùng cao để “gieo chữ” cho trẻ em người dân tộc thiểu số và sẵn sàng gắn bó cho đến khi về hưu.

Phụ huynh có con theo học tại Trường Mầm non Hoành Mô (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh), có lẽ không ai không biết đến cô giáo Hoàng Thị Hạnh (sinh năm 1983), giáo viên có chuyên môn giỏi và luôn tâm huyết với trẻ.

12 năm kinh nghiệm giảng dạy cùng 7 năm gắn bó với trường Hoành Mô, cô giáo Hạnh đã tạo được sự tín nhiệm của phụ huynh cũng như đồng nghiệp về chất lượng và tác phong giảng dạy.

Nhiều năm liền, cô được ban giám hiệu tin tưởng giao nhiệm vụ tổ trưởng chuyên môn và giảng dạy lớp 5 tuổi, lứa tuổi quan trọng cần được sự rèn giũa tỉ mỉ để có hành trang vững chắc trước khi bước vào cấp tiểu học.

Khi đang là “địa chỉ vàng” để phụ huynh và nhà trường gửi gắm, trước thềm năm học 2022 – 2023, cô giáo Hạnh lại quyết định viết đơn xin lên điểm trường lẻ tại vùng cao Nà Choòng.

Không chỉ vậy, trong đơn cô còn mong muốn được chuyển đến điểm trường “càng xa càng tốt” để được gắn bó, chia sẻ những thiệt thòi của trẻ em người dân tộc thiểu số.

Đang là tổ trưởng chuyên môn, giáo viên giỏi của điểm trường trung tâm, cô giáo Hạnh quyết tâm viết đơn xin được về điểm trường vùng sâu, vùng xa để "gieo chữ" cho trẻ người dân tộc thiểu số (Ảnh: Phạm Linh)

Đang là tổ trưởng chuyên môn, giáo viên giỏi của điểm trường trung tâm, cô giáo Hạnh quyết tâm viết đơn xin được về điểm trường vùng sâu, vùng xa để "gieo chữ" cho trẻ người dân tộc thiểu số (Ảnh: Phạm Linh)

Chia sẻ về nguyên nhân cũng như động lực khiến cô đưa ra quyết định này, cô giáo Hạnh nói: “Ở Bình Liêu, do số lượng người dân tộc thiểu số đông và sinh sống rải rác trên núi nên hầu hết các trường đều có điểm lẻ ở khu vực này để tạo điều kiện cho học sinh đến trường.

Mặc dù 7 năm đều công tác tại điểm trung tâm, nhưng với cương vị là tổ trưởng, tôi thường xuyên được lắng nghe tâm sự của giáo viên ở điểm trường lẻ và biết được những thiệt thòi của các con trên đó.

Các con ở điểm trung tâm có điều kiện phát triển ngôn ngữ tốt, được tiếp cận những phương pháp giáo dục mới thì ở điểm lẻ lại có nhiều hạn chế.

Theo đồng nghiệp chia sẻ, đa số các con ở điểm lẻ dù 5 tuổi nhưng khả năng tiếp thu và phát triển ngôn ngữ rất chậm, nhiều em vẫn giao tiếp bằng tiếng dân tộc và thiếu kỹ năng sống

Thực tế, ở điểm trường vùng cao chỉ đảm bảo được việc chăm, nuôi còn việc áp dụng phương pháp giảng dạy mới hay nâng cao chất lượng giáo dục là một nhiệm vụ rất khó.

Chính những tâm sự này đã nhen nhóm trong tôi ý định xin về điểm vùng cao. Tôi thực sự muốn thử sức, mang những kinh nghiệm của bản thân giúp các con vùng cao có thể hưởng điều kiện học tập không thua kém các bạn ở vùng thuận lợi hơn.

Nghĩ là làm, tôi lập tức viết đơn gửi ban giám hiệu bày tỏ mong muốn được chuyển về điểm trường Nà Choòng.

Thay đổi cung đường đi làm từ vài cây số lên đến gần 30km mỗi ngày, ngay sau khi làm đơn, tôi vấp phải sự phản đối của gia đình.

Đây cũng là thử thách đầu tiên mà tôi phải dành rất nhiều thời gian thuyết phục để mọi người hiểu được điều mà tôi muốn làm”.

Mỗi ngày, cô giáo Hạnh phải đi hàng chục cây số để đến điểm trường Nà Choòng (Ảnh: Phạm Linh)

Mỗi ngày, cô giáo Hạnh phải đi hàng chục cây số để đến điểm trường Nà Choòng (Ảnh: Phạm Linh)

Thành công thuyết phục gia đình, cô giáo Hạnh bắt đầu hành trình mới tại một môi trường mới với vô vàn thử thách.

Chia sẻ về ngày đầu tiên đến dạy ở điểm trường Nà Choòng, cô giáo Hạnh không nén nổi nước mắt nói: “Thực sự tôi thấy rất thương khi bố mẹ đưa trẻ đến trường mà con thì tay chân vẫn bẩn, con thì đầu tóc rối bời, quần áo mặc vừa cộc, vừa rách. Nhiều con vẫn ngơ ngác khi cô hỏi bởi không hiểu tiếng Việt.

Đang giảng dạy ở khu vực thuận lợi, trẻ được phụ huynh quan tâm chăm sóc nên chuyển lên đây thấy vậy tôi khá sốc, nhưng đây lại là câu chuyện bình thường ở vùng cao.

Phụ huynh ở đây cho rằng trường mầm non là nơi gửi con để có thời gian đi làm, có chỗ ăn, chỗ ngủ chứ không học hành gì cả.

Ngày đầu tiên đi làm về, tôi rất buồn và lại càng trăn trở để làm sao dù ở nhà hay ở trường các con vẫn được hưởng sự chăm sóc đúng với lứa tuổi mầm non”.

Khó khăn là vậy nhưng cô giáo Hạnh vẫn từng bước gỡ khó, tìm cách để dần dần tạo điều kiện học tập tốt nhất cho trẻ: “Bước đầu, tôi tìm cách để kết nối với phụ huynh từ việc dùng nhóm zalo cho đến số điện thoại, bằng mọi cách để giữ liên lạc hàng ngày với họ.

Buổi tối nào tôi cũng gọi điện để chia sẻ, nắm bắt hoàn cảnh từng gia đình và hướng dẫn bố hoặc mẹ ít nhất phải giữ gìn vệ sinh, đảm bảo sức khoẻ cho con.

Ở trường, tôi cố gắng từng bước trở thành bạn của trẻ, tìm hiểu xem tâm lý của mỗi con như thế nào như con thì nhút nhát, con thì mạnh dạn nhưng vì ngôn ngữ chậm nên còn hạn chế trong việc tiếp thu.

Hằng ngày, tôi chú trọng rèn cho các con kỹ năng chào hỏi, cách ăn uống, cách giữ gìn vệ sinh như thế nào khi ở trường và ở nhà.

Đặc biệt, khi đến trường và tan học, các con đều được rửa tay, chân sạch sẽ, bạn nữ thì được cô bện tóc gọn gàng xinh xắn để phụ huynh thấy sự khác biệt.

Thấy hình ảnh các con sạch sẽ, gọn gàng như vậy, phụ huynh rất thích và dần sẽ có ý thức việc giữ gìn vệ sinh cho con khi ở nhà.

Phụ huynh hợp tác thì việc phối hợp với cô giáo rèn kỹ năng, học chữ và tổ chức các hoạt động cho trẻ sẽ thuận lợi hơn.

Về phương pháp giảng dạy, không nhất thiết phải là đồ dùng học tập thông minh, tôi tận dụng lá cây, quả thông, đá,…để các con được tự tay làm đồ chơi, vẽ tranh để sáng tạo”.

Bù đắp những thiệt thòi của trẻ em nơi đây, cô giáo Hạnh tình nguyện gắn bó với vùng sâu, vùng xa cho đến khi về hưu (Ảnh: Phạm Linh)

Bù đắp những thiệt thòi của trẻ em nơi đây, cô giáo Hạnh tình nguyện gắn bó với vùng sâu, vùng xa cho đến khi về hưu (Ảnh: Phạm Linh)

Chia sẻ thêm về những trải nghiệm tại Nà Choòng và dự định trong tương lai, cô giáo Hạnh cho biết: “Việc chuyển lên vùng cao có lẽ sẽ khiến nhiều người ngại ngần nhưng bản thân tôi cho rằng, chỉ cần dùng hết cái tâm của mình, dày công thêm thì các con sẽ được trải nghiệm hết những điều mới, điều hay như các bạn ở vùng thuận lợi.

Sau hơn 1 tháng gắn bó với trẻ, tôi tự hào khi có những trẻ trước đây chưa bao giờ biết ngồi học là như thế nào, có những trẻ không hiểu tiếng Việt nhưng năm học này được ở với mẹ Hạnh đã bước đầu chăm học, tiến bộ hơn.

Hằng ngày được nghe các con dõng dạc nói “Con chào mẹ Hạnh!” tôi rất hạnh phúc và sẵn sàng gắn bó với Nà Choòng hoặc một điểm trường xa hơn nữa cho đến khi về hưu!”.

Phạm Linh