Thầy giáo hiến kế cấm giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng

22/12/2016 09:00
Xuân Duy
(GDVN) - Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm,... để vụ lợi

LTS: Hưởng ứng Quy định mới của Bộ Chính trị, thầy giáo Xuân Duy đã có thêm các góp ý rất cụ thể, sát thực nhằm đưa quy định này phát huy hiệu quả cao nhất.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.

Ngày 19/12/2016, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Đây là quy định nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Nội dung cơ bản của quy định 55 liệt kê một loạt những việc cần làm ngay:

- Nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp mít tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác,... để vụ lợi.

- Chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, chè chén xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội; tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật phải thực hiện đơn giản, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hoá mới, phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

- Lãnh đạo cấp trên đi công tác không tổ chức đoàn xe đưa đón, khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ chức ăn uống.

Cùng với những chỉ đạo gần đây của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm chúc tết, tặng quà lãnh đạo các cấp, quy định này của Bộ Chính trị đã nhận được sự quan tâm và đồng thuận của dư luận cả nước.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XII. (Ảnh: Báo Lao động)
Hội nghị Trung ương 4 khóa XII. (Ảnh: Báo Lao động)

Những nội dung "cấm" được nói đến trong quy định của Bộ Chính trị là những vấn đề nóng trong văn hóa ứng xử xã hội, gây bức xúc dư luận hiện nay.

Đây phần lớn là những vấn đề thuộc phạm trù đạo đức, lối sống nhưng đã bị biến tướng, phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, bị lợi dụng vì động cơ vụ lợi.

Dư luận chưa quên vụ tân Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nghệ An tổ chức tiệc mừng rình rang sau khi nhận quyết định bổ nhiệm hồi tháng 2/2016.

Nội dung ghi trên tấm panô: “Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An - Đêm giao lưu chúc mừng đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, Tỉnh uỷ viên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT”.

Nội dung trên đã cho thấy độ hoành tráng của bữa tiệc giữa lúc địa phương, nơi ông sẽ đảm trách nhiệm vụ Phó sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, vừa nhận 3.600 tấn gạo cứu đói khẩn cấp cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân vừa rồi.

Hồi tháng 8/2016 dư luận cũng đã từng xôn xao trước việc Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Hải Dương làm tờ trình xin Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh 310 triệu đồng để trả nợ vì... tiếp khách!

Một chức danh nho nhỏ là Giám đốc bảo hiểm huyện, khi nghỉ hưu, cơ quan vẫn tổ chức tiệc mừng hoành tráng, giấy mời dự lễ được cấp trên bật đèn xanh, đóng dấu son đỏ chót gửi đi nhiều cơ quan trong huyện, trong tỉnh.

Chuyện xảy ra hồi đầu tháng 10 vừa qua tại Bảo hiểm xã hội huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An từng gây sốc dư luận.  

Đấy chỉ là vài ba vụ nổi đình đám trong năm 2016.

Còn rất nhiều vụ tiệc tùng, hiếu hỉ rình rang khác diễn ra trong những năm qua mà người đứng ra tổ chức là cán bộ đảng viên có chức quyền đã từng bị công luận phê phán bởi tính chất vụ lợi và sự lãng phí của nó.

Thầy giáo hiến kế cấm giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng ảnh 2

Thủ tướng cảnh báo phải tránh tình trạng “trên trải thảm đỏ, dưới rải đinh”

Hậu quả của tiệc mừng, ăn nhậu, đưa đón rình rang ai ai cũng rõ.

Nó không chỉ lãng phí thì giờ và tiền bạc mà còn làm hỏng cán bộ, khi đầu óc chỉ "giỏi thiết kế" tiệc tùng nhậu nhẹt, không còn mấy tâm sức dành cho việc công.

Nó là cơ hội để cấp dưới nịnh bợ, lấy lòng cấp trên, tạo lập quan hệ "làm ăn" lâu dài.

Và hậu quả nguy hiểm nhất là đánh mất niềm tin của nhân dân.

Quy định của Bộ Chính trị là rõ ràng nhưng để việc thực hiện có hiệu quả tốt, cần một chế tài cụ thể, được luật hóa bằng nghị định hay luật của Quốc hội hoặc Chính phủ.

Nhân việc này, xin trao đổi thêm một số vấn đề xung quanh việc tổ chức lễ hội hiện nay.

Trước hết, nói về các ngày lễ kỉ niệm trong năm. Đó là ngày thành lập Đảng 3/2, ngày Chiến thắng 30/4, ngày quốc tế Lao động 1/5, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12.

Đối với những ngày này, tổ chức lễ kỉ niệm vào các năm chẵn, các năm lẻ chỉ nên tuyên truyền, giáo dục qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ hai là kỉ niệm ngày tái lập tỉnh. Đây là ngày một số tỉnh được tách ra sau khi sát nhập với nhau cuối những năm 70 thế kỉ trước, không phải là thành lập mới mà trở lại địa danh như đã có trước đây.

Ví dụ Bình - Trị - Thiên trước đây gộp ba tỉnh là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế làm một thì sau này trả lại nguyên trạng ba tỉnh như cũ.

Vào Google gõ cụm từ "kỉ niệm ngày tái lập tỉnh" lập tức cho ra khoảng 3.060.000 kết quả trong thời gian 0,74 giây. Điều đó cho thấy mức độ quan tâm của các địa phương đến ngày này như thế nào.

Chuyện nhập tách, tách nhập thiết nghĩ cũng là chuyện bình thường trong quá trình phát triển của đất nước.

Thầy giáo hiến kế cấm giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng ảnh 3

Hơn 800 lãnh đạo các cơ quan báo chí tham gia học tập Nghị quyết Trung ương 4

Cho nên việc lấy ngày tái lập tỉnh để tổ chức kỉ niệm hoành tráng là điều không cần thiết, gây lãng phí, tốn kém.

Bởi ngày đáng kỉ niệm nhất phải là ngày thành lập địa phương đó với tư cách là một đơn vị trong hệ thống hành chính nhà nước đã có trước đây.

Thứ ba là kỉ niệm ngày truyền thống của các bộ, ngành, cơ quan, trường học…

Cũng như ngày tái lập tỉnh, vào Google gõ cụm từ "kỉ niệm ngày truyền thống" lập tức cho ra khoảng 2.240.000 kết quả trong 0,44 giây.

Xin nêu một dẫn chứng về cái sự tốn kém, lãng phí của một ngày lễ truyền thống mà báo chí đã đề cập vừa qua.

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống thợ mỏ, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam yêu cầu các đơn vị bỏ ra số tiền hơn 70 tỉ đồng để làm kỉ niệm chương tặng công nhân và quan khách.

Điều đáng nói là những chiếc kỉ niệm chương bằng bạc này có giá cao hơn gấp ba lần giá thị trường.

Nhiều công nhân, cán bộ Tập đoàn cho rằng đó là sự lãng phí so với mức thu nhập hàng tháng của họ và giá trị thực của những chiếc logo này đã bị... đội giá.

Thứ tư là lễ hội văn hóa, tôn giáo. Có thể nói chưa bao giờ lễ hội lại nở rộ như hiện nay.

Theo thống kê gần đây của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử - cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo và gần 30 lễ hội du nhập.

Tính ra, trung bình mỗi ngày có khoảng 22 lễ hội, bình quân mỗi giờ lại có một lễ hội.

Dư luận cũng như báo chí đã phản ánh nhiều về thực trạng tổ chức lễ hội hiện nay. Chất văn hóa truyền thống đang dần bị mai một.

Nhiều lễ hội tổ chức rình rang, kéo dài thời gian; nhiều lễ hội được phục dựng không qua thẩm định chặt chẽ, khoa học; nhiều lễ hội nặng tính chất mê tín, dị đoan, thương mại hóa.

Với một số lượng lễ hội "khủng" như vậy thì sự tốn kém, lãng phí về vật chất và công sức là đương nhiên và có thể nói khó mà đong đếm được cái giá phải trả cho lễ hội xô bồ.

Thiết nghĩ, về mặt nhà nước, sau Qui định 55 của Đảng, Chính phủ và Bộ ngành liên quan cũng nên tổng rà soát lễ hội của cả nước, chấn chỉnh, sàng lọc, để hoạt động lễ hội thực sự bổ ích trong đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh của người dân.

Cần lắm một cuộc cách mạng thực sự để hoạt động lễ hội đi vào nề nếp, lành mạnh, tiết kiệm thời gian và tiền bạc; phản ánh đúng bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống của ông cha.

Xuân Duy