Đảm bảo an toàn môi trường học đường
Thời gian qua, khi trong nước xuất hiện dương tính Covid-19, người dân cùng lực lượng chức năng trên cả nước đã chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Đặc biệt, ở thành phố Hải Phòng, tinh thần chống dịch quyết liệt đã được Thành phố triển khai, góp sức chung tay cùng chính quyền, người dân bằng các cách khác nhau đã cùng nhau tích cực chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Góp phần vào công cuộc phòng, chống dịch cùng toàn xã hội, các nhà trường trên địa bàn thành phố tích cực xây dựng kế hoạch, đưa ra những biện pháp phù hợp để đảm bảo an toàn cho học sinh trong môi trường học đường.
Điển hình tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Lê Chân, Hải Phòng), nhà trường đã đưa ra nhiều biện pháp hiệu quả sáng tạo đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay trở lại trường.
Trong đó phải kể đến những sáng tạo, đổi mới trong công tác phòng chống dịch bệnh của các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Lê Văn Tám.
Thầy giáo Đặng Văn Huy (sinh năm 1986), giáo viên dạy văn hóa khối lớp 3 đã góp phần sáng chế hệ thống loa tự động cảm ứng và máy sát khuẩn tay tự động giúp nhà trường kiểm soát, tuyên truyền về dịch bệnh tới từng em học sinh.
Bên cạnh việc dạy văn hóa, thầy giáo Đặng Văn Huy tích cực sáng chế các sản phẩm đảm bảo vệ sinh cho học sinh nhà trường (Ảnh: Đặng Huy). |
Theo cô Trần Thị Thanh Vân – Hiệu phó trường Tiểu học Lê Văn Tám: “Để đảm bảo an toàn cho học sinh trong môi trường học đường, nhà trường ngoài việc đảm bảo tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch còn chú trọng vào việc giãn cách học sinh.
Việc đảm bảo giãn cách học sinh trong giờ học, giờ ăn và giãn cách phụ huynh khi đưa đón con đến trường mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch.
Đặc biệt, trước khi dịch bệnh diễn ra, nhà trường đã tham khảo mô hình loa tự động giúp ghi lại và phát các lưu ý, nhắc nhở đối với học sinh trong tỉnh Tiền Giang.
Phụ trách về chế tạo loa tự động, thầy giáo Đặng Văn Huy đã cải tiến và mang lại một sản phẩm hiện đại và có nhiều tiện ích hơn trong việc tuyên truyền cho học sinh.
Khi học sinh quay trở lại trường học, hai sáng chế của thầy giáo Huy đã góp phần đảm bảo an toàn, nâng cao ý thức cho học sinh nhà trường”.
Hệ thống loa phát thanh cùng máy sát khuẩn tay tự động giúp học sinh chủ động trong việc giữ gìn vệ sinh trong môi trường học đường, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh (Ảnh: Đặng Huy). |
“Thực tế quan sát cho thấy, hệ thống loa tự động giúp học sinh có ý thức hơn trong vấn đề vệ sinh ở trường học.
Hệ thống loa cho phép nhà trường tuyên truyền theo chủ đề và hoàn toàn điều khiển thông qua điện thoại rất tiện ích.
Ví dụ, trong đợt cao điểm dịch bệnh, nhà trường có thể phát tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh vào đầu giờ, vào giờ ăn và khi học sinh sử dụng nhà vệ sinh. Đảm bảo chủ động nội dung tuyên truyền một cách rất kịp thời, hiệu quả cho học sinh
Còn đối với sáng chế máy sát khuẩn tay tự động, máy giúp giảm lượng công việc của thầy, cô giáo nhà trường và học sinh cũng rất hứng khởi, chủ động sát khuẩn tay khi đến trường” cô Vân cho biết thêm.
Đam mê tìm tòi và sáng tạo
Trao đổi cùng phóng viên, thầy giáo Đặng Văn Huy cho biết: “Xuất phát từ việc hướng dẫn, giữ vệ sinh chung tại trường học đặc biệt là khu vực nhà vệ sinh nhà trường tôi đã triển khai làm sản phẩm hệ thống loa phát thanh tự động. Tại nhà vệ sinh và khu vực rửa tay tại nhà ăn của nhà trường hiện đều được lắp đặt hệ thống này.
Hệ thống loa phát thanh được điều khiển từ xa qua mạng Internet theo khung thời gian thực tế để đảm bảo lịch hoạt động theo ý muốn.
Đặc biệt, hệ thống có cảm biến phát hiện chuyển động khi có người vào. Mỗi khi có học sinh bước vào nhà vệ sinh, hệ thống sẽ tự động phát thanh theo nội dung âm thanh cài sẵn trong thẻ nhớ.
Đợt tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, hệ thống đã mang lại hiệu quả cao, ý thức của học sinh cũng được nâng cao rõ rệt.
Gần đây, nhà trường đang triển khai tuyên truyền tới toàn bộ học sinh quy trình rửa tay theo 6 bước. Đối với học sinh ở lứa tuổi tiểu học, việc thường xuyên nhắc nhở, đốc thúc các em giữa gìn vệ sinh cá nhân và trường học là đặc biệt cần thiết.
Đứa con tinh thần thứ hai của tôi là máy xịt khuẩn tay tự động. Trong khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát trở lại, các trường học phải thực hiện hết sức nghiêm túc về việc phòng chống dịch bệnh và đảm bảo giãn cách xã hội.
Khi học sinh quay trở lại trường, nhà trường phải phân công giáo viên trực đo thân nhiệt và xịt nước sát khuẩn tay cho học sinh.
Tuy nhiên, nhà trường gặp phải khó khăn trong việc bố trí nhân lực khi cần tới 4 thầy cô đo thân nhiệt và 4 thầy cô xịt nước sát khuẩn mới đáp ứng đủ số lượng hơn 1200 học sinh.
Bên cạnh đó, khi đo thân nhiệt và xịt nước sát khuẩn thì các thầy cô cũng chính là người tiếp xúc gần với học sinh. Việc này làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong trường hợp có ca bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng.
Còn khi học sinh tự cầm bình xịt nước sát khuẩn thì càng làm tăng nguy cơ lây lan rộng vì tất cả các em đều chạm tay vào bình nước sát khuẩn.
Khi bản thân nhận thấy những vấn đề trên, tôi nghĩ tại sao mình lại không làm một chiếc máy sát khuẩn tay tự động?
Vốn sẵn đam mê sáng tạo, tôi không ngại tìm tòi và triển khai 2 sản phẩm trên. Với những hiệu quả mà hệ thống loa và máy sát khuẩn mang lại, tôi cảm thấy rất vui vì bản thân đã góp một phần sức mình vào công cuộc chung của xã hội”.
|
Học sinh thích thú, tò mò đối với những sản phẩm mới đồng thời tích cực thực hiện quy định vệ sinh tại trường (Ảnh: Đặng Huy). |
Thầy Đặng Văn Huy cũng chia sẻ thêm về những khó khăn trong quá trình làm các sản phẩm trên: “Khi bắt tay vào thực hiện, tôi gặp khá nhiều khó khăn vì không có chuyên môn sâu về những thiết bị này mà chỉ là đam mê và tự tìm hiểu thôi.
Như khi thiết kế hệ thống loa tự động, sản phẩm này còn chưa có ai làm hay bán trên thị trường nên không hề có một khuôn mẫu nào.
Không chỉ vậy, sản phẩm vừa cần đảm bảo nhỏ gọn chống ẩm, bền vì khu vực nhà vệ sinh có hơi nước và độ ẩm cao lại vừa phải đạt được hiệu quả như ý. Tôi mất rất nhiều thời gian mới có thể làm ra được thành phẩm mà mình mong muốn.
Đến khi làm máy sát khuẩn tay tự động, tôi cũng gặp khó khăn khi thiết kế. Sản phẩm đầu tiên do chưa có kinh nghiệm nên tôi chọn bộ phận cảm biến có giá thành rẻ để tiết kiệm nhưng ngược lại sản phẩm bị nhiễu sóng hồng ngoại khi hoạt động ngoài trời làm cho máy hoạt động không chính xác.
Không nản trí, tôi lại tháo toàn bộ ra phân tích tìm nguyên nhân rồi tìm cách khắc phục. Kết quả, tôi đã làm 4 chiếc để phục vụ cho việc sát khuẩn tay cho học sinh”.
Mặc dù vấp phải nhiều khó khăn trong quá trình sáng chế, nhưng đối với thầy Đặng Văn Huy khi thấy học sinh thích thú, tò mò về sản phẩm rồi dần trở nên có ý thức tự giác hơn là món quà ý nghĩa và đáng trân quý hơn cả.