Thầy giáo môn Tin học chia sẻ góc nhìn từ thực tiễn dạy học theo CTGDPT mới

28/02/2023 06:37
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo thầy Nguyễn Nhật Linh, trong CTGDPT mới, môn Tin học có vai trò trung tâm kết nối các môn học khác, giúp học sinh hoà nhập với xã hội hiện đại.

Giúp học sinh sử dụng, áp dụng hệ thống máy tính giải quyết vấn đề thực tế

Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng là năm đầu tiên thực hiện dạy môn Tiếng Anh và Tin học bắt buộc đối với học sinh lớp 3. Còn nhiều khó khăn, thách thức, song, vẫn có những “điểm sáng” từ góc nhìn của người trong cuộc - góc nhìn của chính những giáo viên giảng dạy bộ môn này.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Nguyễn Nhật Linh - giáo viên Tin học (Trường Tiểu học Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Qua thực tiễn dạy học trong thời gian qua, tôi thấy, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đáp ứng được yêu cầu của sự đổi mới của giáo dục và sự phát triển của khoa học, công nghệ. Theo đó, chương trình giúp học sinh thích ứng và hoà nhập được với xã hội hiện đại, hình thành và phát triển cho học sinh năng lực tin học để học tập, giải quyết các vấn đề thực tế bằng Tin học.

Riêng với chương trình Tin học ở cấp Tiểu học, tôi nhận thấy rằng, ở giai đoạn giáo dục cơ bản này, học sinh đang được trang bị một nền tảng vững chắc cho các giai đoạn tiếp theo và nghề nghiệp sau này”.

Thầy Nguyễn Nhật Linh - giáo viên Tin học (Trường Tiểu học Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) cùng học sinh. Ảnh: NVCC.

Thầy Nguyễn Nhật Linh - giáo viên Tin học (Trường Tiểu học Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) cùng học sinh. Ảnh: NVCC.

Theo thầy giáo Nguyễn Nhật Linh, chương trình môn Tin học đã có những “điểm sáng” đổi mới rõ rệt: “Thứ nhất, Môn Tin học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một vị thế mới, chuyển từ môn học tự chọn sang môn học bắt buộc, điều này giúp tất cả em học sinh trên cả nước có thể tiếp cận được với môn Tin học từ sớm đồng thời, môn Tin học cũng sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các cấp lãnh đạo, các nhà trường và các bậc phụ huynh.

Thứ hai, chương trình có tính khoa học, hiện đại và sư phạm đồng thời chương trình chọn lọc các nội dung cơ bản, phổ thông và hiện đại của 3 mạch kiến thức Học vấn số hóa phổ thông, Công nghệ thông tin và truyền thông và Khoa học máy tính. Đặc biệt, chương trình quan tâm đúng mức đến nội dung về đạo đức, pháp luật, văn hoá và ảnh hưởng của Tin học đến xã hội, bảo đảm nguyên lý “vừa dạy chữ vừa dạy người” và coi trọng tính nhân văn trong thời đại có sự kết nối cao của thế giới thực và thế giới số.

Thứ ba, chương trình có tính mở giúp cho việc triển khai môn Tin học thêm linh hoạt và phù hợp với tình hình phát triển và điều kiện thực tế của từng địa phương, từng nhà trường.

Thứ tư, môn Tin học có vai trò trung tâm kết nối các môn học khác, đẩy mạnh giáo dục STEM, phát huy sáng tạo của học sinh nhằm tạo ra sản phẩm số”.

Tiết Tin học với dạng bài không sử dụng máy tính. Ảnh: NVCC.

Tiết Tin học với dạng bài không sử dụng máy tính. Ảnh: NVCC.

Đồng thời, thầy Nguyễn Nhật Linh cũng nhấn mạnh, sự chuyển biến lớn nhất ở thầy và trò: “Qua thực tiễn năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, tôi nhận thấy, với tinh thần trách nhiệm cao trong giảng dạy, linh hoạt, đa dạng các hình thức tổ chức dạy học phù hợp với từng lớp học, giáo viên đã giúp học sinh gắn kết được những hiểu biết thực tế vào kiến thức Tin học.

Tức là từ những điều quen thuộc nhất hàng ngày, các em dần dần được tiếp cận thông qua bộ môn Tin học, thấy được mối liên hệ và tầm quan trọng của Tin học trong đời sống. Từ đó, có thể giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống bằng kiến thức Tin học.

Hướng dẫn học sinh làm quen và sử dụng chuột máy tính. Ảnh: NVCC.

Hướng dẫn học sinh làm quen và sử dụng chuột máy tính. Ảnh: NVCC.

Hiệu quả mang lại từ chương trình là bộ môn Tin học giúp các em học sinh có thể phát triển toàn diện những năng lực tin học, hiểu biết các nguyên tắc cơ bản và thực tiễn của tư duy máy tính, tạo cơ sở cho việc thiết kế và phát triển các hệ thống máy tính, sử dụng và áp dụng hệ thống máy tính giải quyết vấn đề thực tế một cách hiệu quả và sáng tạo. Đồng thời, giúp học sinh hoà nhập với xã hội hiện đại, sử dụng được các thiết bị số và phần mềm cơ bản thông dụng một cách có đạo đức, văn hoá và tuân thủ pháp luật. Đặc biệt hơn, các em sẽ yêu thích bộ môn Tin học”.

2 khó khăn lớn nhất là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên

Bên cạnh những “điểm sáng”, thầy Nhật Linh cũng đề cập đến những khó khăn trong thực tiễn triển khai: “Khó khăn lớn nhất mà hầu như ai cũng nhận thấy, đó là thiếu cơ sở vật chất, cụ thể là phòng máy tính để học sinh học thực hành. Ở trường tiểu học có nhiều điểm trường lẻ, thì đa phần điểm lẻ bị thiếu nhiều trang thiết bị.

Khó khăn chung thứ hai là thiếu đội ngũ giáo viên Tin học, hiện nay, còn rất nhiều trường không có giáo viên Tin học, do đây là năm đầu tiên thực hiện dạy học bắt buộc đối với môn Tin học ở cấp tiểu học.

Từ các tiết học tìm hiểu về Internet và đạo đức, pháp luật, văn hóa trong môi trường số, lồng ghép kỹ năng an toàn trên không gian mạng và các nền tảng mạng xã hội cho học sinh (Chương trình Tư duy thời đại số).

Từ các tiết học tìm hiểu về Internet và đạo đức, pháp luật, văn hóa trong môi trường số, lồng ghép kỹ năng an toàn trên không gian mạng và các nền tảng mạng xã hội cho học sinh (Chương trình Tư duy thời đại số).

Tuy nhiên, ở các địa phương cũng đã có những giải pháp hợp lý để đảm bảo tất cả học sinh từ lớp 3 đều được học Tin học.

Về phía bản thân giáo viên và nhà trường, hiện tại, chúng tôi vẫn chưa có máy tính cho học sinh ở điểm lẻ thực hành. Để tiết học có thể đạt hiệu quả tốt nhất, giáo viên đã phải linh hoạt trong hình thức tổ chức dạy học và trang bị thêm đồ dùng dạy học phù hợp để các tiết học có thể diễn ra hiệu quả hơn”.

Từ những khó khăn, hạn chế đó, thầy giáo trẻ bày tỏ: “Tôi mong các cấp lãnh đạo quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng tốt cho việc triển khai thực hiện môn Tin học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tôi hy vọng, tất các các em học sinh đều được học tập, tiếp cận với môn Tin học một cách tốt nhất, từ đó, chất lượng giáo dục của bộ môn Tin học sẽ được nâng cao và hiệu quả hơn nữa, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới đất nước”.

Ngân Chi