Học sinh hào hứng thuyết minh, hát chèo, đi thực tế trong giờ Lịch sử và Địa lý

24/02/2023 06:35
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-CTGDPT mới giúp học sinh phát huy tối ưu 3 năng lực chuyên biệt thông qua nhiều phương pháp tổ chức dạy học của giáo viên: thuyết minh, biểu diễn, đi thực tế...

Phát huy 3 năng lực chuyên biệt của học sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Lê Linh Chi - giáo viên môn Lịch sử và Địa lý (Trường Trung học cơ sở Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng: “Chương trình giáo dục phổ thông mới đã làm tốt mục tiêu phát huy năng lực của học sinh, cung cấp hệ thống, hình thành năng lực cơ bản cho học sinh. Khi tìm hiểu về kiến thức Lịch sử, cả thế giới và Việt Nam, sẽ có những nội dung có sự tích hợp sâu với kiến thức Địa lý ở các chủ đề chung.

Ngoài ra, các học phần kiến thức không quá nặng nề như trước, nghiêng về về văn hóa, chẳng hạn qua các triều đại, để học sinh có những kiến thức cơ bản nhất về lịch sử. Cả hai phân môn Lịch sử và Địa lý đều làm tốt việc phát huy 3 năng lực chuyên biệt của học sinh: Năng lực tái hiện kiến thức; tìm tòi nghiên cứu; nhận thức và tư duy”.

Học sinh thuyết minh và hướng dẫn du lịch trong giờ Lịch sử và Địa lý của cô giáo Lê Linh Chi (Trường Trung học cơ sở Chương Dương). Ảnh: NVCC.

Học sinh thuyết minh và hướng dẫn du lịch trong giờ Lịch sử và Địa lý của cô giáo Lê Linh Chi (Trường Trung học cơ sở Chương Dương). Ảnh: NVCC.

“Trong tiết học, giáo viên phải làm sao triển khai để phát huy cả 3 năng lực đó của học sinh, thay vì truyền thụ một chiều.

Cụ thể, giáo viên có thể đưa ra các đoạn tư liệu để học sinh phát hiện ra kiến thức, đó là năng lực tìm tòi, nghiên cứu. Giáo viên có thể đưa ra các vấn đề để học sinh giải quyết các vấn đề, đó là năng lực nhận thức và tư duy lịch sử. Năng lực tái hiện kiến thức lịch sử, tức là học sinh có thể tìm hiểu thu thập kiến thức từ nhiều hệ thống tư liệu khác nhau, rất phong phú từ trong và ngoài sách giáo khoa,... Giáo viên cho học sinh tự nghiên cứu thì giúp vừa khắc sâu kiến thức, vừa có thắc mắc gì thì sẽ trao đổi kịp thời.

Học sinh biểu diễn tiết mục hát chèo trong giờ Lịch sử và Địa lý. Ảnh: NVCC.

Học sinh biểu diễn tiết mục hát chèo trong giờ Lịch sử và Địa lý. Ảnh: NVCC.

Từ đó, các em học sinh rất yêu thích bộ môn, chủ động hơn, tự tin hơn và hứng thú với giờ học và thể hiện được bản thân".

Học sinh tích cực tham gia hoạt động nhóm, cùng trao đổi, tìm hiểu kiến thức. Ảnh: NVCC.

Học sinh tích cực tham gia hoạt động nhóm, cùng trao đổi, tìm hiểu kiến thức. Ảnh: NVCC.

Học qua trò chơi, học sinh tự liên hệ, tìm hiểu kiến thức

Cô Ngô Thị Khánh Linh - giáo viên thuộc tổ Khoa học xã hội (Trường Trung học cơ sở Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) đánh giá: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tích hợp Lịch sử và Địa lý, có những bài có nhiều tiết (chương trình trước đây mỗi bài chỉ trong một tiết), nên giáo viên phải đổi mới phương pháp, đổi mới kế hoạch bài dạy.

Một trong những thuận lợi khi áp dụng chương trình, chính là tạo cơ hội cho giáo viên được chủ động áp dụng nhiều phương pháp dạy, nhiều kỹ thuật khác nhau vào bài dạy, cũng như phải sáng tạo để thu hút học sinh hơn.

Theo cô Ngô Thị Khánh Linh, thảo luận nhóm là một trong những phương pháp được sử dụng nhiều trong các giờ Lịch sử và Địa lý. Ảnh: NVCC.

Theo cô Ngô Thị Khánh Linh, thảo luận nhóm là một trong những phương pháp được sử dụng nhiều trong các giờ Lịch sử và Địa lý. Ảnh: NVCC.

Chẳng hạn, giáo viên sẽ tổ chức cho học sinh chơi trò chơi hoặc giải câu đố để tìm ra kiến thức; cho học sinh được đóng vai, hóa thân vào các nhân vật lịch sử để tường thuật lại những sự kiện lịch sử có liên quan; hoặc khi giới thiệu mạng lưới sông ngòi ở Việt Nam, cũng có thể gợi ý để các em liên tưởng đến những trận đánh lịch sử,... thông qua đó, học sinh sẽ có thể khắc sâu kiến thức dễ dàng hơn.

Thứ hai, sách giáo khoa mới có nhiều hình ảnh, tư liệu mới được cập nhật, hấp dẫn học sinh hơn trong việc đọc sách giáo khoa đồng thời gợi mở vấn đề để học sinh chủ động tìm hiểu thêm kiến thức bên ngoài sách giáo khoa, kích thích khả năng tư duy và kỹ năng tìm kiếm.

Thứ ba, khi tích hợp Lịch sử và Địa lý, giáo viên có thể trau dồi thêm kiến thức của bản thân ở những phần không thuộc chuyên môn, chẳng hạn, cô giáo dạy Địa lý sẽ trau dồi, cập nhật thêm kiến thức Lịch sử, và ngược lại.

Điều này giúp thầy cô sẽ có thêm nhiều liên hệ thực tiễn, làm cho bài học trở nên phong phú, hấp dẫn hơn. Khi đó, giáo viên chỉ cần gợi mở, bản thân học sinh cũng sẽ có thể tự liên hệ kiến thức. Bên cạnh đó, các thầy cô của hai phân môn sẽ có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra, đánh giá”.

Các trò chơi sẽ góp phần làm tăng hứng thú với học sinh. Ảnh: NVCC.

Các trò chơi sẽ góp phần làm tăng hứng thú với học sinh. Ảnh: NVCC.

Là một trong 4 giáo viên thuộc nhóm Sử - Địa (Trường Trung học cơ sở Minh Khai, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang), cô giáo Nguyễn Thị Loan cũng chia sẻ: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có sự thay đổi tích cực về nội dung, phát huy được tính tích cực của học sinh, phát huy phẩm chất, năng lực của người học, học sinh phải tự tìm tòi, nghiên cứu bài học.

Bản thân giáo viên cũng phải cập nhật kiến thức mới, những phương pháp dạy mới, chẳng hạn, giáo viên phải hướng dẫn học sinh kỹ năng làm việc nhóm nhiều hơn, kỹ năng tìm hiểu thông tin trên các sách báo hoặc các nguồn tư liệu khác.

Để thu hút học sinh với bộ môn của mình, giáo viên cũng là người phải biết lắng nghe. Lắng nghe học sinh trình bày và giải thích, từ đó, giáo viên mới hướng dẫn học sinh và tạo hứng khởi trong giờ học. Ví dụ trong phần kiến thức Lịch sử, giáo viên cũng có nhiều phương pháp dạy học hơn, từ kể chuyện lịch sử, đến cho học sinh thuyết trình về một nhân vật lịch sử yêu thích, tự tìm hiểu, chuẩn bị thông tin và trình bày trên powerpoint...”.

Những giờ học sinh động khắc sâu kiến thức

Theo cô giáo Nguyễn Thị Loan, một trong những điểm hấp dẫn đối với học sinh nhất, có lẽ chính là những chuyến thực tế, học thông qua các buổi tham quan. Khi học sinh được trực tiếp đến tận nơi, bên cạnh kiến thức về lịch sử, giáo viên có thể giới thiệu lồng ghép kiến thức về địa lý, để học sinh có cảm nhận tổng thể hơn.

“Nhà trường tổ chức cho học sinh đi tham quan các khu di tích lịch sử: Cây đa Tân Trào (Tuyên Quang) hoặc một số địa điểm ngay trên địa bàn tỉnh Hà Giang như: Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên; Cột cờ Lũng Cú,...

Cô giáo Nguyễn Thị Loan (Trường Trung học cơ sở Minh Khai, Hà Giang). Ảnh: Ngân Chi.

Cô giáo Nguyễn Thị Loan (Trường Trung học cơ sở Minh Khai, Hà Giang). Ảnh: Ngân Chi.

Một số trường có thể tổ chức cho học sinh đi tham quan ở xa hơn, chẳng hạn như về Thủ đô Hà Nội thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; hoặc đi dâng hương viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Sau những buổi tham quan trải nghiệm và tìm hiểu thông tin lịch sử, học sinh sẽ viết bài thu hoạch về nơi tham quan. Học sinh thích thú, hứng khởi với những kiến thức lịch sử sinh động, được tham quan trực tiếp khiến các em nhớ lâu hơn” - cô Loan cho biết thêm.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Minh Khai (Hà Giang) có thể tiếp cận thêm những kiến thức lịch sử thông qua hoạt động ngoại khóa. Ảnh: NVCC.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Minh Khai (Hà Giang) có thể tiếp cận thêm những kiến thức lịch sử thông qua hoạt động ngoại khóa. Ảnh: NVCC.

Cô giáo Lê Linh Chi cũng chia sẻ: “Để phục vụ cho môn học, chúng tôi cho học sinh tham gia các hoạt động phong phú, tham quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bảo tàng Hồ Chí Minh... Trong mỗi chuyến tham quan hoặc tham gia các hoạt động trải nghiệm ngay tại trường, các em sẽ được quan sát, tìm hiểu các tư liệu từ thời tiền sử, qua các triều đại phong kiến,... qua đó sẽ vận dụng các năng lực để thu thập và tổng hợp kiến thức”.

Bên cạnh tham quan thực tế, học sinh còn được tiếp cận với kiến thức thông qua các hoạt động trải nghiệm văn hóa được tổ chức ngay tại trường. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh tham quan thực tế, học sinh còn được tiếp cận với kiến thức thông qua các hoạt động trải nghiệm văn hóa được tổ chức ngay tại trường. Ảnh: NVCC.

Trao đổi với phóng viên, thầy Cấn Việt Thắng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đáp ứng mục tiêu đổi mới giáo dục, đã cụ thể hóa việc đổi mới mục tiêu cơ bản của giáo dục từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã giúp giáo viên và học sinh đổi mới về hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học.

Thầy Cấn Việt Thắng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Thầy Cấn Việt Thắng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Đồng thời, chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng”.

Tuy nhiên, vị Hiệu trưởng cũng cho biết, nhà trường gặp phải một số khó khăn trong triển khai chương trình, cụ thể: “Trước hết, về cơ sở vật chất của trường, vẫn chưa đạt chuẩn, hiện không có phòng học bộ môn, phòng chức năng…

Thứ hai, giáo viên chuyển đổi từ các bộ môn riêng biệt (Sinh học, Hóa học, Vật lý) trước đây, sang dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên cũng gặp khó khăn đặc biệt là khi dạy khối 8, khối 9 sắp tới kiến thức khó hơn, cơ chế bồi dưỡng cấp chứng chỉ đội ngũ giáo viên đáp ứng theo yêu cầu dạy học bộ môn đặc biệt các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý chưa kịp thời, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy học”.

Ngân Chi