Thầy Long chia sẻ hành trình gỡ khó khi vừa đổi mới GDPT vừa chống dịch COVID

01/04/2022 06:44
PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo quan điểm của thầy giáo Long, thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh đại dịch là cơ hội để giáo viên chinh phục những thách thức.

Thầy Trần Văn Long, giáo viên môn tiếng Anh của Trường Tiểu học Bạch Đằng (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) là một trong những giáo viên cốt cán chuyên môn của nhà trường, quận Hồng Bàng cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng.

Xuyên suốt 20 năm công tác tại Trường Tiểu học Bạch Đằng, thầy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thầy đã có nhiều sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả phạm vi cấp quận , thành phố đã được ứng dụng trong trường và toàn ngành.

Về thành tích ôn luyện học sinh giỏi, thầy Long có nhiều học sinh tham dự thi tiếng Anh toàn cầu, tiếng Anh qua mạng (đạt huy chương vàng cấp quốc gia), tiếng Anh nghe nói giỏi toàn quốc (đạt loại xuất sắc cấp quốc gia).

Thầy Trần Văn Long là một trong những giáo viên cốt cán chuyên môn của nhà trường, quận Hồng Bàng cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng (Ảnh: Phạm Linh)

Thầy Trần Văn Long là một trong những giáo viên cốt cán chuyên môn của nhà trường, quận Hồng Bàng cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng (Ảnh: Phạm Linh)

Đặc biệt, thầy Long là một trong những giáo viên cốt cán được lựa chọn tham gia Hội đồng thẩm định cấp quốc gia về lựa chọn sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2019 – 2020.

Trong quá trình triển khai chương trình mới, thầy Long cũng đã đóng góp cho nhà trường cũng như ngành giáo dục thành phố nhiều phương pháp giảng dạy hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với mục tiêu giáo dục mới được đặt ra đối với cấp tiểu học.

Chương trình giáo dục phổ thông mới là cơ hội để giáo viên chinh phục thách thức

Chia sẻ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Văn Long cho biết, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi giáo viên không chỉ cần nâng cao trình độ chuyên môn bản thân mà còn cần nắm bắt điểm cốt lõi của chương trình mới và yêu cầu cần đạt tối thiểu của môn tiếng Anh nói chung và với từng đối tượng học sinh nói riêng.

Chính vì vậy, yếu tố phương pháp giảng dạy cần phải linh hoạt, hướng đến việc dạy học để phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Thầy giáo Long dành nhiều thời gian để nghiên cứu kĩ chương trình và triển khai giảng dạy theo kế hoạch từng bước để phù hợp với mục tiêu giáo dục mới được đặt ra đối với cấp tiểu học (Ảnh: Phạm Linh)

Thầy giáo Long dành nhiều thời gian để nghiên cứu kĩ chương trình và triển khai giảng dạy theo kế hoạch từng bước để phù hợp với mục tiêu giáo dục mới được đặt ra đối với cấp tiểu học (Ảnh: Phạm Linh)

“Bản thân tôi đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu kĩ chương trình giáo dục phổ thông 2018 tổng thể, Chương trình môn học tiếng Anh, đặc biệt là chương trình làm quen lớp 1, 2 và chương trình tiếng Anh bắt buộc cho lớp 3,4,5 để đáp ứng sự thay đổi của chương trình.

Ngoài việc tham gia bồi dưỡng theo module các chương trình bồi dưỡng của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì bản thân cũng đã tự tìm tòi, ứng dụng những cái mới, cái hay tự học kết hợp với kinh nghiệm của bản thân để linh hoạt vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực vào các giờ dạy.

Bước đầu là làm học sinh thích thú, hứng khởi với các tiết học rồi từng bước vận dụng các kĩ thuật dạy học khác nhau để các em trải nghiệm các tiết học một cách vui vẻ, thoải mái và đầy tính thực hành.

Qua đó, dần hình thành ở các em các năng lực chung như năng lực tự học tự chủ, năng lực hoạt động nhóm và năng lực giải quyết vấn đề và tư duy.

Một giải pháp nữa mà tôi đã sử dụng đó là phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ liên kết, có yếu tố nước ngoài, với giáo viên bản ngữ để giúp các em học sinh phát huy tối đa khả năng nghe nói, giao tiếp.

Chính điều này giúp học sinh phát huy được các năng lực đặc thù một cách tự nhiên và bài bản.

Điều cuối cùng đó là tạo ra những sân chơi bổ ích như: các Festival tiếng Anh, Rung chuông vàng tiếng Anh hay tham gia các cuộc thi tiếng Anh trên internet, hát tiếng Anh, thuyết trình tiếng Anh, góc tiếng Anh, kể chuyện tiếng Anh,…

Từ đó, học sinh có cơ hội thể hiện tiếng Anh, cơ hội được trình bày kết quả sản phẩm của bản thân vào thực tế.

Chính nhờ những cách làm trên, kết quả học tập của học sinh do tôi giảng dạy dần được cải thiện qua thời gian và có những thành quả được ghi nhận như các tiết dạy chuyên đề được các cấp đánh giá cao.

Nhiều em đoạt giải thưởng lớn trong các cuộc thi như: Nghe nói giỏi tiếng Anh toàn quốc; Đội Festival tiếng Anh được đi biểu diễn toàn quốc; các huy chương vàng quốc gia môn tiếng Anh trên Internet”.

Thầy Long nhấn mạnh: “Phải nói rằng, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã tạo ra nhiều thách thức buộc giáo viên phải thay đổi.

Nhưng việc thay đổi đúng hướng, kịp thời và thay đổi một cách linh hoạt sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác giảng dạy của giáo viên. Điều này thể hiện rất rõ rệt sau 2 năm triển khai chương trình mới”.

Gỡ khó khi vừa phải đổi mới vừa chống dịch Covid-19

Cũng theo thầy Long, trong những năm đầu triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với học sinh lớp 1, đây là thời điểm giáo viên gặp rất nhiều khó khăn khi vừa có sự thay đổi về chương trình vừa đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để giáo viên thách thức chính bản thân mình, từ đó nâng cao chuyên môn, kỹ năng công nghệ thông tin để phù hợp với mục tiêu giáo dục mới.

Khó khăn khi vừa đổi mới vừa chống dịch cũng là cơ hội để giáo viên thách thức chính bản thân mình, từ đó nâng cao chuyên môn, kỹ năng công nghệ thông tin để phù hợp với mục tiêu giáo dục mới (Ảnh: Phạm Linh)

Khó khăn khi vừa đổi mới vừa chống dịch cũng là cơ hội để giáo viên thách thức chính bản thân mình, từ đó nâng cao chuyên môn, kỹ năng công nghệ thông tin để phù hợp với mục tiêu giáo dục mới (Ảnh: Phạm Linh)

Thầy Long cho biết: “Nhận thức được những thách thức và khó khăn liên tiếp nhưng bản thân tôi dần tìm ra được những giải pháp để gỡ khó rồi tiến tới những thích ứng an toàn như hiện nay.

Giai đoạn đầu, đó là tự tìm hiểu các cách thức để tham gia các hội thảo giới thiệu chương trình, sách giáo khoa mới theo hình thức trực tuyến, sau đó là dạy học trực tuyến thông qua các phần mềm miễn phí.

Ban đầu tôi cũng chưa rõ về các cách thức này, nhưng rồi dần thành quen, quen nhiều sẽ thành thạo, thạo rồi sẽ làm chủ và làm chủ được sẽ sáng tạo.

Nhờ những khó khăn như vậy, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của tôi và học sinh được nâng lên một cách đáng kể.

Bên cạnh đó, các hình thức kiểm tra đánh giá được linh hoạt, điều chỉnh dưới nhiều hình thức như trên phần mềm quizizz, kahoot, google form, paddlet, microsoft teams, zoom, wordwall, Google meet được sử dụng thường xuyên, hiệu quả, mang lại sự hứng thú, chất lượng cho các giờ học cả trực tuyến và trực tiếp.

Việc tập huấn theo chương trình mới của ngành cũng được thay đổi, bản thân thích ứng nhanh như tự học bồi dưỡng trên hệ thống LMS trực tuyến; trao đổi qua lớp học ảo trên ứng dụng zoom cùng với các giảng viên của các trường đại học.

Là giáo viên cốt cán môn tiếng Anh của Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, bản thân cũng được học trên hệ thống đó và rồi truyền đạt lại cho các giáo viên đại trà tại địa phương.

Góp phần chia sẻ các phương pháp mới cũng như giải đáp các thắc mắc kịp thời đến với các đồng nghiệp về việc thực hiện chương trình môn tiếng Anh”.

PHẠM LINH