Dạy học thời Covid: Giáo viên phải bỏ ra 200% sức lực để khắc phục khó khăn

19/03/2022 06:58
PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Ngay cả khi trở thành F0, có những lúc giọng khản đi nhưng tôi vẫn kiên trì dạy học để các con không thiệt thòi” cô giáo Vũ Thị Thu Hằng chia sẻ.

Đại dịch Covid-19 gây xáo trộn mọi mặt của kinh tế - xã hội trong đó ngành giáo dục đã phải chịu sự ảnh hưởng nặng nề.

Khi số ca mắc Covid-19 tăng cao, thầy và trò không riêng ở thành phố Hải Phòng mà ở các địa phương khác đều không khỏi thấp thỏm, tự hỏi: “Liệu ngày mai có được đến trường hay không?”.

Trải qua những ngày tháng loay hoay, vấp phải không ít khó khăn, hạn chế khi học trực tuyến đến nay mỗi thầy, cô, mỗi học sinh đều trở thành những “chiến sĩ” dù học trực tiếp hay trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả học tập.

Thực tế ở Hải Phòng, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, thành phố trải qua đợt ca mắc Covid-19 lan rộng trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ, giáo viên và học sinh.

Kéo theo đó, việc học trực tuyến vốn trước đã vốn khó nay lại khó chồng khó khi học sinh, giáo viên cùng mắc Covid-19.

Không hiếm có thể thấy hình ảnh thầy và trò đã là F0, F1, thậm chí có nhiều triệu chứng như ho, mệt mỏi nhưng vẫn kiên trì bên chiếc máy tính, điện thoại để học.

Gặp gỡ và trò chuyện cùng cô giáo Vũ Thị Thu Hằng – giáo viên Trường Tiểu học Đông Sơn (huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng), phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam càng thấu hiểu hơn sự cố gắng của mỗi thầy, cô giáo khi dạy và học thời Covid-19.

Cô giáo Thu Hằng chia sẻ những khó khăn cùng sự nỗ lực, kiên trì của cả cô và trò trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Thu Hằng chia sẻ những khó khăn cùng sự nỗ lực, kiên trì của cả cô và trò trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (Ảnh: NVCC)

Theo cô giáo Thu Hằng, trong 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cô và các đồng nghiệp luôn trăn trở làm cách nào để khắc phục những khó khăn, hạn chế khi học sinh phải học trực tuyến và các con có đủ hành trang cho khối học tiếp theo.

Cô giáo Hằng chia sẻ: “Những khó khăn đối với giáo viên, học sinh trong mùa dịch học ắt hẳn ai ai cũng biết.

Tôi cho rằng, việc dạy trực tuyến đối với khối tiểu học sẽ tồn tại nhiều hạn chế hơn nên mỗi giáo viên sẽ phải bỏ ra 200% sức lực mới có thể khắc phục được những khó khăn.

Chỉ qua màn hình, giáo viên không thể kiểm soát toàn bộ học sinh rồi có những em do học ban ngày nên không có người lớn hỗ trợ khi gặp sự cố mạng, thiết bị. Mỗi tiết học sẽ mất nhiều thời gian hơn để ổn định.

Tôi và phụ huynh luôn cố gắng phối hợp chặt chẽ thông qua các nhóm mạng xã hội như Zalo, Gmail.

Không riêng chia sẻ về công tác dạy và học, tôi và phụ huynh luôn thoải mái nói chuyện về những khó khăn để vướng mắc ở đâu gỡ ở đó.

Sự liên kết này đóng vai trò rất quan trọng, sau mỗi buổi học, mỗi điều cô nhắc nhở học sinh phụ huynh đều nắm được và phối hợp rèn rũa, điều chỉnh trong các giờ tiếp theo.

Học sinh nếu không hiểu bài ở đâu có thể nhờ bố mẹ gọi trực tiếp cho cô để giải đáp, giảng lại bài dù dù đã hết giờ học.”.

Cũng theo cô giáo Hằng, bản thân cô ngay cả khi trở thành F0 và có nhiều triệu chứng nặng cũng luôn nhắc nhở bản thân phải cố gắng, giữ nguyên tiến độ dạy học vì học sinh.

“Nhìn các con buồn buồn rồi hỏi: “Cô ơi bao giờ con được đến trường?”, tôi thấy rất thương và càng phải nhắc nhở bản thân phải cố rồi lại cố thêm nữa để các con không nản khi học trực tuyến hay thiếu hụt kiến thức.

Ngay cả khi trở thành F0, có những lúc giọng khản đi nhưng tôi vẫn kiên trì dạy học để các con không thiệt thòi.

Tôi nghĩ mình nghỉ buổi nào thì học sinh của mình thiệt buổi đó. Dù có giáo viên dạy thay cũng không thể nắm rõ đặc điểm của từng em để có phương pháp giáo dục phù hợp” cô giáo Thu Hằng chia sẻ thêm.

Cô giáo Thu Hằng (đứng thứ 2 từ bên phải sang) dù đã trải qua không ít trắc trở trong sự nghiệp "trồng người" nhưng luôn nhiệt huyết và yêu nghề (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Thu Hằng (đứng thứ 2 từ bên phải sang) dù đã trải qua không ít trắc trở trong sự nghiệp "trồng người" nhưng luôn nhiệt huyết và yêu nghề (Ảnh: NVCC)

Khi phóng viên đặt câu hỏi sự kiên trì, bền bỉ ấy của cô xuất phát từ động lực nào, cô giáo Thu Hằng mộc mạc chia sẻ: “Mọi sự cố gắng đều bắt nguồn từ tình yêu với nghề và sự gắn bó với mái trường Tiểu học Đông Sơn và với học trò”.

Được biết, sự nghiệp “trồng người” của cô giáo Thu Hằng ngay từ những ngày đầu tiên đã gặp không ít trắc trở khi tốt nghiệp và bắt đầu giảng dạy hợp đồng từ năm 1999 nhưng phải trải qua 16 năm với mức lương ít ỏi cô mới có được hợp đồng chính thức.

“Với mức lương của giáo viên hợp đồng, thực sự rất khó khăn để trang trải cuộc sống hằng ngày chưa nói đến khi lập gia đình và có con.

Dẫu vậy, tôi vẫn cố gắng bám trụ bởi tình yêu với nghề, sự gắn bó với nhà trường và lớp lớp học trò.

Khi được đứng trên bục giảng, tôi rất hạnh phúc khi bản thân giúp các con học hành tiến bộ, góp phần công sức nhỏ vào sự phát triển của ngành giáo dục của địa phương.

Có lẽ sự trắc trở, vấp váp trong hành trình “trồng người” đã mang đến cho tôi sức mạnh to lớn để vượt qua mọi khó khăn dù là việc dạy và học trong đại dịch covid-19” cô giáo Thu Hằng cho biết.

Đến nay, khi dịch bệnh ở Hải Phòng cơ bản được kiểm soát, hoà chung không khí của cả thành phố, cô giáo Thu Hằng và học trò không nén nổi niềm vui khi được quay trở lại trường.

Món quà đầu tiên khi tới trường của cô chính là niềm vui, sự phấn khởi mà cô cảm nhận được qua ánh mắt và nụ cười của học trò.

PHẠM LINH