Nhiều giáo viên, phó hiệu trưởng trường Tiểu học, Trung học cơ sở xã Đạ Oai B và trường Tiểu học Trần Quốc Toản từ năm (1984 – 1999) nay đã thành đạt, khi nghĩ đến quá khứ, nhớ về trường đều thốt lên "Thầy Tựu - Hiệu trưởng của tôi"
Sinh ra, lớn lên và học sư phạm tại thành phố Huế. Thầy Trần Phúc Tựu vào lập nghiệp và công tác ở huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng từ năm 1978 đến nay. Thầy luôn xem Đạ Huoai là quê hương thứ hai của mình.
Nhắc đến thầy Trần Phúc Tựu những năm đầu gian khổ ở vùng kinh tế mới xã Đạ Lây (1978). Nhiều học sinh hiện đang giữ nhiều chức vụ quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau đều rơm rớm nước mắt.
Hình ảnh một nam giáo viên nhanh nhẹn, thông minh, linh hoạt, sáng tạo... có làn da hơi ngăm vì dạn dày sương gió. Ngày 4 lần đi về chiếc cầu khỉ đến trường giảng dạy môn Văn lớp 8, lớp 9 kiêm công tác chủ nhiệm với một tấm lòng đam mê đầy nhiệt huyết. Thầy thương yêu học sinh như con em của mình.
Thầy luôn trăn trở, đổi mới tìm ra phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh giúp các em hiểu bài nhanh, làm bài tập đúng.
Với cách trình bày bảng khoa học, thái độ thân thiện, ân cần, gần gũi cùng với chất giọng ấm áp, lúc trầm lúc bổng giúp các em dễ dàng cảm thụ văn học, hiểu bài sâu chắc. Vì thế học sinh của thầy luôn đạt kết quả cao qua các kì thi.
Ngày đó, Đạ Lây nghèo lắm: Do gia đình đông con, hạn hán, thất mùa...Bố, mẹ hoặc cả bố cả mẹ đều qua đời, bởi những cơn sốt rét rừng ác tính... nhiều em phải bỏ học giữa chừng.
Các em học sinh đều tấm tắt khen thầy Trần Phúc Tựu dạy văn hay, hấp dẫn (Ảnh: Thanh Lệ) |
Thương học trò, thầy lặn lội từ đội này sang đội khác đến nhà thăm hỏi những học sinh neo đơn gặp khó khăn, chia sẻ với các em từng trái bắp, củ sắn, củ khoai... động viên các em ra lớp.
Nghe lời khuyên của thầy nhiều em quyết vượt khó cắp sách đi học lại. Thấu hiểu được tâm trạng lo lắng của học trò bị hổng kiến thức do nghỉ dài ngày, thầy đến trường sớm hơn mười lăm phút để phụ đạo.
Vào tiết học chính khoá thầy vừa dạy vừa lồng ghép kèm các em trong giờ học, rèn cho học sinh phương pháp tự học ở nhà. Tổ chức các nhóm học tập cùng thôn, em giỏi kèm em hổng kiến thức...Chỉ trong vòng hai tháng các em đã theo kịp các bạn cùng trang lứa, trong đó có vài em đã vươn lên đạt học sinh giỏi.
Từ năm 1981 thầy giữ chức hiệu trưởng trường Tiểu học, Trung học cơ sở Triệu Hải, đến năm 1984 làm Hiệu trưởng trường Đạ Oai B.
Với cương vị là một hiệu trưởng, thầy không ngừng phấn đấu rèn luyện mình về mọi mặt, chấn chỉnh đội ngũ vừa hồng vừa chuyên. Tổ chức thao giảng, thăm lớp dự giờ, đúc rút kinh nghiệm sau mỗi tiết dạy và rèn luyện giáo viên, học sinh đi vào nề nếp, kĩ cương, tình thương, trách nhiệm...
Phong trào giáo dục huyện Đạ Huoai không ngừng phát triển đi lên, chất lượng giáo viên và học sinh năm sau luôn cao hơn năm trước là nhờ phong trào thi đua hai tốt: "Thầy thi đua dạy tốt, trò thi đua học tốt" được thầy hưởng ứng và trở thành cao trào.
Năm học 1985 - 1986, lần đầu tiên Phòng GD&ĐT huyện Đạ Huoai tổ chức Hội giảng mùa xuân, có 7 giáo viên tham gia nhưng chỉ có 1 giáo viên cấp II đạt giáo viên giỏi cấp huyện, 1 giáo viên cấp I đạt giáo viên giỏi cấp huyện rồi cấp tỉnh.
Cả hai giáo viên này thuộc trường thầy Trần Phúc Tựu quản lí. Năm 1987, thầy về làm hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Thị trấn Madagui, sau đó chuyển thành trường Tiểu học Trần Quốc Toản.
Thầy luôn làm tốt công tác chủ nhiệm, tận tâm, công bằng, khách quan, yêu quý phụ huynh và học sinh (Ảnh: Thanh Lệ) |
Phát huy những tài năng và thành tích đạt được, thầy tiếp tục đào tạo đội ngũ giáo viên có tay nghề thật vững vàng rồi mạnh dạn trực tiếp đăng kí chiến sĩ thi đua cấp tỉnh đầu tiên của huyện Đạ Huoai và đạt liên tục 8 năm liền bởi trường liên tục có giáo viên giỏi cấp tỉnh và có học sinh lớp 5 đạt học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Năm học 1998-1999, trường Tiểu học Trần Quốc Toản được công nhận trường chuẩn Quốc gia đầu tiên của huyện Đạ Huoai. Nhiều phụ huynh, giáo viên và học sinh đều kính nể và trầm trồ: "Danh hiệu trường chuẩn quốc gia Trần Quốc Toản huyện Đạ Huoai luôn gắn kết với tên tuổi thầy Trần Phúc Tựu".
Ảnh chân dung bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa giáo dục (Ảnh: Thanh Lệ) |
Năm 2000, do nguyện vọng cá nhân thầy xin chuyển về dạy ở trường trung học phổ thông huyện Đạ Huoai. Vừa giảng dạy môn Văn vừa làm chủ nhiệm theo các lớp 10,11,12.
Các em học sinh đều tấm tắt khen thầy dạy văn hay, hấp dẫn. Làm tốt công tác chủ nhiệm, tận tâm, công bằng, khách quan, yêu quý phụ huynh và học sinh.
Hơn 15 năm giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm ở trường trung học phổ thông Đạ Huoai, thầy đã trực tiếp giúp đỡ học trò mình từng cây bút, quyển vở, quyển sách, đóng giúp những khoản tiền cuối năm mà học trò nghèo không thể đóng được...
Kèm với những lời động viên, khích lệ, tạo cho các em có niềm vui, niềm tin trên con đường học vấn. Nhiều em nay đã là đồng nghiệp của thầy luôn tri ân, trân trọng, biết ơn người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá. Gia đình thầy sống rất đầm ấm, hạnh phúc. Vợ thầy Tựu là tổ trưởng bộ môn Hoá học.
Sau công việc dạy học, thầy cô thay nhau trông coi hiệu sách "Như Gấm" tại nhà và dành thời gian chăm chút cho tổ ấm của mình. Hai con của anh chị đã tốt nghiệp Đại học, hiện đang công tác ở thành phố Hồ Chí Minh.
Hơn 37 năm, công tác trong ngành giáo dục huyện Đạ Huoai, với cương vị là giáo viên, hiệu trưởng, liên tục đạt chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh 8 năm liền.
Thầy Tựu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thầy chính là bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa giáo dục.