Từ khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã thúc đẩy mạnh mẽ khẳng định yêu sách chủ quyền vô lý và phi pháp ở Biển Đông, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam. |
Tờ The Atlantic ngày 13/10 đăng phân tích của Howard French, một nhà bình luận các vấn đề địa chính trị Đông Á nhận xét, Trung Quốc đang tìm cách vẽ lại biên giới trên biển, xâm phạm các nước láng giềng và ngăn chặn Mỹ, nhưng trò chơi nguy hiểm này chỉ phản ánh chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp ở trong nước.
Thúc đẩy yêu sách chủ quyền (vô lý và phi pháp) liều lĩnh hơn bao giờ hết, Bắc Kinh đã nhấn mạnh cái gọi là đường lưỡi bò chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông vốn không được cộng đồng quốc tế công nhận. Sự bành trướng của Trung Quốc đã được cảnh báo từ lâu, nhiều nhà quan sát cho biết trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới Trung Quốc đang tìm cách đẩy quân đội Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương. Xu thế này là không tranh khói, và Mỹ hoàn toàn có khả năng chống lại những nỗ lực này.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên và đáng lo ngại là cuộc xung đột này ít nhất trong gian đoạn đầu của nó dường như đã được đẩy nhanh hơn trong 2 năm qua. Đột ngột và mạnh mẽ, Trung Quốc đã bắt đầu thúc đẩy lợi ích quân sự của mình trong khu vực khiến các nước láng giềng và Hoa Kỳ đặc biệt cảnh giác. Trong năm qua Trung Quốc đã sử dụng các chiến thuật quân sự trắng trợn để khẳng định quyền kiểm soát ở Thái Bình Dương, đáng chú ý nhất là việc xây dựng (bất hợp pháp) các đảo nhân tạo ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Đối thủ chính của Trung Quốc trên Biển Đông là Việt Nam và Philippines. Các nhà phân tích ở cả hai nước rất quan ngại khả năng Bắc Kinh sẽ lựa chọn 1 trong 2 nước này để ra tay như câu ngạn ngữ quen thuộc, giết gà dọa khỉ. Trung Quốc sẽ bắt nạt và làm bẽ mặt 1 trong 2 nước để làm "bài học" đe dọa nước còn lại rằng "chống cự Bắc Kinh là vô ích và Mỹ không thể giúp gì cho bạn".
Ngày nay Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực đang tìm cách chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng Việt Nam không có một thỏa thuận quốc phòng với Hoa Kỳ nên dễ trở thành một "mục tiêu hấp dẫn" đối với Trung Nam Hải, The Atlantic bình luận. Tuy nhiên, dù kích thước lãnh thổ chỉ bằng 1 phần 30 diện tích Trung Quốc nhưng Việt Nam lại có một truyền thống văn hóa thượng võ đáng gờm mà Hoa Kỳ đã có bài học vào những năm 1960.
Người Trung Quốc cũng nên làm quen với thực tế rằng Việt Nam đã đập tan cuộc chiến tranh xâm lược của Bắc Kinh trên toàn tuyến biên giới phía Bắc năm 1979 khiến hơn 20 ngàn binh lính Trung Quốc bỏ mạng vô ích. Có lẽ do bị kiểm duyệt nên truyền thông Trung Quốc đã không học được bài học này nên gần đây lại tiếp tục xuất hiện giọng điệu về cái gọi là "phải dạy cho Việt Nam một bài học xứng đáng" hay hãy "buộc Việt Nam phải trả giá", The Atlantic bình luận.
Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc ngày càng thường xuyên giễu võ dương oai trên Biển Đông. |
Không ai trong số các nhà ngoại giao và quan chức Việt Nam mà tác giả Howard French đã từng gặp có bất kỳ ảo tưởng nào về một cuộc đụng độ đối xứng với Trung Quốc, dù là hải quân hay không quân. Nhưng Việt Nam từng nhiều lúc tìm ra phương tiện độc đáo để chiến thắng đối thủ mạnh hơn và được trang bị vũ khí hiện đại hơn. "Chúng tôi là một đất nước nhỏ, nhưng mỗi lần Trung Quốc muốn sử dụng vũ lực đối với Việt Nam, chúng tôi đều chống lại", một nhà phân tích quân sự Việt Nam nói với tác Howard French tại Kuala Lumpur đầu năm nay.
"Trong cuộc xung đột Malvinas, Argentina chỉ có 3 tên lửa Exocet, một trong 3 quả tên lửa này đã đánh chìm 1 tàu chiến của Anh. Nếu người Trung Quốc mang tàu sân bay Liêu Ninh sang xâm lược, chúng tôi sẽ đánh bại họ", The Atlantic dẫn lời nhà phân tích quân sự giấu tên cho biết. Việt Nam phải cân nhắc phản ứng với sự khiêu khích của Trung Quốc, sau vụ Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam thương mại giữa 2 nước đã giảm mạnh, Bắc Kinh đe dọa rằng các hậu quả lâu dài về kinh tế có thể xảy ra.
Đối với Việt Nam, vụ giàn khoan 981 kết thúc mà không có điều gì đảm bảo nó không lặp lại. Nhiều người Việt Nam lo ngại rằng Trung Quốc sẽ tìm cách thôn tính quần đảo Trường Sa như những gì họ đã làm ở Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988. Chắc chắn Trung Quốc rất mong muốn trong các cuộc đối đầu căng thẳng hiện nay trên Biển Đông, Việt Nam sẽ nổ súng đầu tiên.
Đó là lý do tại sao Trung Quốc huy động cả một "hạm đội" tàu quân sự, tàu công vụ bán vũ trang và tàu cá vỏ thép hộ tống giàn khoan 981, nó sẽ giúp Bắc Kinh hợp pháp hóa yêu sách vô lý nếu Việt Nam không làm gì cả, và Trung Quốc sẽ có một cái cớ tuyệt vời hơn cho chiến tranh nếu Việt Nam tấn công chống trả các hành động khiêu khích.
Bắc Kinh đã bắt đầu bận rộn thay đổi hiện trạng ở Biển Đông (bất hợp pháp). Trên các đảo (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp, họ đang xây dựng căn cứ quân sự, cầu cảng hải quân, đường băng quân sự và thậm chí cả trường học cho trẻ em. Đồng thời Bắc Kinh đã sử dụng các tàu khảo sát và tàu đánh cá trên danh nghĩa cá nhân để bao vây nhiều hơn, thường xuyên hơn các bãi cát ngầm, các rặng san hô và các vùng nước nông ở các vùng biển (nước này nhảy vào) tranh chấp.
Tàu cá Trung Quốc hầu như được trang bị hệ thống định vị GPS và radio, thuyền trưởng các tùa cá này nhận trợ cấp từ chính phủ và thực hiện vai trò như một hệ thống cảnh báo sớm cho Bắc Kinh về hoạt động của các nước khác có yêu sách trên Biển Đông. Trung Quốc phản ứng với hầu hết tàu cá các nước bằng việc sử dụng lực lượng Hải cảnh ngày càng tinh vi và cơ bắp của mình để tránh tai tiếng dùng vũ lực.