Nhật ký Kim Bon:

Thế kỷ 21 rồi mà sao vẫn còn những cảnh ám ảnh như thế?

23/11/2011 06:00
Phương Hạ (trích đăng)
(GDVN) - Nhìn lớp học ở Đá Đỏ (Sơn La), cô Anh Thơ đã phải thốt lên: Đây là lớp học ư? Trong mơ, mình cũng không thể tin rằng có 1 lớp học như thế giữa Thế kỷ 21.
LTS: Tôi không biết có bao nhiêu người như cô, ở  cái độ tuổi xế bóng đã ngoài lục tuần rồi mà vẫn miệt mài đi làm từ thiện. Gặp bất cứ ai, gặp bất cứ học sinh nào, cô cũng trò chuyện, kêu gọi, động viên các thế hệ trẻ lên đường đi làm từ thiện. Tấm lòng của cô đẹp quá, nhân hậu quá! Nhìn lúc cô ôm những đứa bé miền núi thơ ngây, bé bỏng vào lòng, hỏi han, động viên và nô đùa với chúng, tôi mới hiểu: Sức mạnh nào là động lực giúp cô vượt qua hàng ngàn km đường rừng, đồi núi khó khăn để đến với cái đói, cái nghèo của vùng cao.

Ít phút trò chuyện sau chuyến đi Kim Bon, cô rỉ tai tôi tâm sự: “Nhìn các em phong phanh, chỉ mặc độc một manh áo mỏng, thấy mà thương quá. Nhìn lúc các em cắm cúi ăn độc mì tôm với rau, tôi thấy cứ xót xa. Lần nào đi, cũng thấy tim mình nhoi nhói, đau đau. Mỗi lần về, lại muốn kêu gọi thật nhiều, đóng góp quần áo, thức ăn cho các em, vận động mọi người chìa tay ra giúp đỡ phần nào đó cho những số phận bất hạnh”.

Có lẽ tên của cô Anh Thơ (64 tuổi) đã không còn xa lạ với những ai đã từng đi trong đoàn thiện nguyện của báo Giáo Dục Việt Nam. 3 lần công tác từ thiện lên suối Giàng, Nậm Mười (Yên Bái) và Kim Bon (Sơn La), cô đều nhiệt tình tham gia. Lòng nhiệt huyết của một người đã về hưu ấy khiến những người trẻ như chúng tôi đôi khi nghĩ về mình mà cảm thấy hổ thẹn.

Cô nói: Mỗi chuyến đi đều đọng lại trong lòng người nhiều cảm xúc. Trẻ em ở suối Giàng, Nậm Mười dù có khó khăn thật nhưng dù sao cũng được thầy cô chăm sóc bằng cách nấu cơm cho các em ăn, còn ở Kim Bon thì tội nghiệp quá, đứa bé xíu cũng phải tự cặm cụi vo gạo, lọ mọ nấu cơm. Và chua chát nhất ở cái đất Kim Bon này là học sinh phải ăn thịt chuột thay cho món ăn mặn hàng ngày của mình.

Cũng là những cảm nhận về những gì “tai nghe, mắt thấy” ở Kim Bon nhưng trong blog của cô Anh Thơ, những người đọc sẽ có một cái nhìn rất riêng về đời sống, con người ở vùng cao Tây Bắc này, để thêm yêu, thêm quyến luyến, xót xa về nơi mà mình đã từng đặt chân tới.

Báo Giáo Dục Việt Nam xin trích đăng 2 phần nội dung trong blog gồm 4 phần rất dài viết về chuyến đi Kim Bon của cựu giáo viên trường ĐH Quốc Gia – cô Anh Thơ.


Cô Anh Thơ, nguyên là giảng viên tiếng Anh trường ĐH Quốc Gia Hà Nội (phải) chụp ảnh lưu niệm với TBT báo Giáo Dục Việt Nam trong chuyến đi Kim Bon vừa qua.(Ảnh: Quốc Long)
Cô Anh Thơ, nguyên là giảng viên tiếng Anh trường ĐH Quốc Gia Hà Nội (phải) chụp ảnh lưu niệm với TBT báo Giáo Dục Việt Nam trong chuyến đi Kim Bon vừa qua.(Ảnh: Quốc Long)

Có một lớp học như thế giữa thế kỷ 21

Vùng cao nhất Phù Yên là 1.160m so với mực nước biển. Điểm chính mà mọi người đặt chân đến chỉ cao có 600m. Từ điểm chính đến điểm lẻ là bản Đá Đỏ,  nơi khó khăn thứ hai so với mười một điểm lẻ khác cao 900m. Lúc đó cũng đã muộn (5h chiều), các lãnh đạo của báo Giáo Dục Việt Nam đều bảo: “Có lẽ cô nên ở lại vì trời lạnh lắm, hơn nữa, chắc cô cũng mệt sau chuyến đi dài gần một ngày trời”.  Nhưng mình cứ nhất quyết đòi đi. Cuối cùng mình đã không phải ân hận về quyết định đó.

Đường đi đến bản Đá Đỏ, trừ phương tiện duy nhất là xe máy, mà chắc chỉ cán bộ và người có chút “máu mặt” là có xe máy để đi, còn người dân và các em học sinh chỉ có mỗi nước là đi bộ.

Ngồi trên xe hầu như suốt dọc đường mình phải nín thở. Nếu trời mưa thì có xe cũng bằng không, dù có cách 140km hay 10km thì cũng chỉ còn cách duy nhất là ở lại trường.

Lúc phát quà mình chọn một chiếc áo dày nhất mặc cho một em nhỏ nhất đang mặc một chiếc áo mỏng nhất. Nhìn nụ cười trên khuôn mặt em, mình thấy lòng như ấm hơn. (Ảnh: Giàng A Cối)
Lúc phát quà mình chọn một chiếc áo dày nhất mặc cho một em nhỏ nhất đang mặc một chiếc áo mỏng nhất. Nhìn nụ cười trên khuôn mặt em, mình thấy lòng như ấm hơn. (Ảnh: Giàng A Cối)
Khi đến nơi nhìn các trò trường Mầm non và Tiểu học này, mình thấy nghẹn ngào không cầm được nước mắt. Khi trao quà cho các bé, cô Anh Thơ không khỏi bùi ngùi xúc động. (Ảnh: Giàng A Cối)
Khi đến nơi nhìn các trò trường Mầm non và Tiểu học này, mình thấy nghẹn ngào không cầm được nước mắt. Khi trao quà cho các bé, cô Anh Thơ không khỏi bùi ngùi xúc động. (Ảnh: Giàng A Cối)

Trời mỗi lúc một lạnh. Mình tiếc là không mang thêm áo ấm và khăn len. Chiếc khăn em Hằng (một sinh viên trong đoàn thiện nguyện – pv) cho không thể quàng cổ mà phải quấn lên đầu giữ cho tai và cổ khỏi lạnh. Có lẽ đây là lần đầu tiên mình ở một vị trí cao thế. Chỉ thấy lạnh ơi là lạnh!

Vậy mà khi đến nơi nhìn các trò trường Mầm non và Tiểu học này, mình thấy nghẹn ngào không cầm được nước mắt. Phong phanh một chiếc áo phông cộc tay mỏng dính, chân không giày dép, làm sao mà các em chịu được cái rét thấu xương của miền sơn cước?

Phong phanh một chiếc áo phông cộc tay mỏng dính, chân không giày dép, làm sao mà các em chịu được cái rét thấu xương của miền sơn cước. (Ảnh: Giàng A Cối)
Phong phanh một chiếc áo phông cộc tay mỏng dính, chân không giày dép, làm sao mà các em chịu được cái rét thấu xương của miền sơn cước. (Ảnh: Giàng A Cối)

Lúc phát quà mình chọn một chiếc áo dày nhất mặc cho một em nhỏ nhất đang mặc một chiếc áo mỏng nhất. Nhìn nụ cười trên khuôn mặt em, mình thấy lòng như ấm hơn, như được an ủi vì dù sao em cũng đã có áo ấm để khỏi co ro vì rét. Không kịp phát cho từng em, chỉ trao mì tôm cho các bé và chuyển quần áo cho các thầy cô để các thầy cô phát cho 53 em nơi đây. Đông này các em sẽ ấm hơn và lòng người miền xuôi cũng ấm lên khi làm được một việc nhỏ bé để động viên các em.

Cái được gọi là lớp học là một nhà cấp bốn được chia ra làm ba phần. Các vách ngăn là những tấm bao giống như bao tải mà người ta xây nhà cửa hay dùng để chắn bụi và đất đá khỏi rơi sang nhà khác. Một góc dành cho ba thầy giáo. Một chiếc phản cũ kỹ, một cái bàn nhỏ cũng cũ kỹ với một góc nồi niêu cũ kỹ để nấu ăn - trông thật đau lòng!

Đây mà là lớp học ư? Trong mơ mình cũng không thể hình dung ra có những lớp học như thế này ở thế kỷ thứ 21. (Ảnh: Giàng A Cối)
Đây mà là lớp học ư? Trong mơ mình cũng không thể hình dung ra có những lớp học như thế này ở thế kỷ thứ 21. (Ảnh: Giàng A Cối)

Nắm tay thầy giáo mình cảm thấy nức nở xúc động khi biết thầy đã 8 năm ở trong góc phòng này. Các thầy cô phải dạy các em bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc. Vì thế, có em học lớp Ba nhưng chưa nói giỏi Tiếng Việt. Thật vô cùng cảm phục các thầy cô luôn phải oằn người chịu đựng bao vất vả gian nan mang cái chữ cho các em miền cao.

Phần còn lại chia đôi, một dành cho hai lớp hai và ba học chung, một phần nhỏ nữa dành cho lớp bốn. Đây mà là lớp học ư? Trong mơ mình cũng không thể hình dung ra có những lớp học như thế này ở thế kỷ thứ 21.

Một cô giáo cho biết cô tốt nghiệp Sư phạm trung cấp, ra trường xin dạy Tiểu học ở đây. Nhà cô cách trường 10 cây số đang nuôi con bú. Hàng ngày dậy từ 4 giờ sáng băng qua đường rừng đến dạy hai tiếng rồi lại băng rừng về nhà cho con bú. Đầu giờ chiều lại băng rừng vượt núi đến trường dạy hai tiếng rồi lại đi bộ như thế về nhà. Tổng cộng mỗi ngày cô đi bộ 40 cây số để làm công việc cao cả: Mang cái chữ cho trẻ em vùng cao. Một nghị lực phi thường! Mình chỉ biết nghiêng mình kính phục lòng yêu nghề và ý chí quyết tâm của cô giáo.

Kim Bon - Những câu chuyện ám ảnh đến nao lòng

Buổi liên hoan văn nghệ giao lưu kéo dài đến 12 giờ đêm mọi người mới đi ngủ. Năm cô cháu được xếp vào một phòng của một cô giáo. Phòng có đúng một cái giường và một cái giá đựng mấy thứ lặt vặt. Có chỗ ngủ là tốt rồi. Một cô giáo mang thêm cho một chiếc chăn. Nằm ngang là OK.

Sáng dậy mình mới nhìn thấy bể nước, dãy phòng tắm như cách đây hơn bốn chục năm khi còn là sinh viên. Còn nhà vệ sinh là loại hai ngăn lâu lắm rồi mình mới có dịp được sử dụng.  

Mọi người còn kể lại chiều hôm trước đi thăm trường Mầm non ở điểm chính. Lớp học xây khang trang được trang bị quạt, đèn khá văn minh nhưng hai năm rồi vẫn chờ điện mặc dù đường dây chỉ cách đó 600m. Hỏi ra chỉ vì thiếu mỗi giấy chứng nhận an toàn cháy nổ của chủ đầu tư (do huyện quản lý) nên mặc dù xã đã sẵn sàng cấp kinh phí nhưng vẫn chưa thực hiện được. 

Đến Suối Giàng hay Nậm Mười, mình đã bị ám ảnh vì bữa ăn sơ sài của các em, nhưng dù sao các em còn có người nấu ăn cho. Còn ở Kim Bon các em từ Tiểu học đến Trung học đều phải tự nấu nướng lấy.  Nhà bếp trông tuềnh toàng không có cửa. Bếp thì tự tạo bằng mấy viên gạch kê thành ông đầu rau, đủ để nấu nướng. Bữa ăn chủ yếu là cơm thêm mì tôm nấu thành canh làm thức ăn, khá hơn có thêm tí rau rừng hay quả su su. Phòng ở cũng là nơi để xoong nồi bát đũa. Mấy em một giường trông nhem nhuốc tạm bợ rất tội. Điều đặc biệt nhất là các em tự cải thiện bữa ăn bằng cách bắt chuột. Chao ôi, thảo nào nhìn các em còi cọc thiếu dinh dưỡng quá!

Phải tự lo cho cuộc sống của mình, nhìn em nào cũng còi cọc, thiếu dinh dưỡng quá!
Phải tự lo cho cuộc sống của mình, nhìn em nào cũng còi cọc, thiếu dinh dưỡng quá!

Còn một lý do còi cọc nữa là vì cha mẹ các em phần lớn là có hôn nhân cận huyết. Hai chị em ruột chỉ cần lấy hai ông chồng có họ khác nhau là con cái họ có thể lấy nhau rồi. Mà lại còn lấy nhau rất sớm chưa đủ tư cách và nhận thức để làm bố làm mẹ. Con cái như cái cây, cái cỏ cứ thiên nhiên mà ăn mà lớn. Vậy đấy, những hủ tục như thế vẫn cứ tồn tại. Giống nòi làm sao mà chẳng bị suy giảm cả về thể chất lẫn trí tuệ?

Như thông tin từ Suối Giàng cho biết: Sau khi giúp Suối Giàng bữa ăn có thịt đều, có em ở đó một tháng tăng 4 kg. Sức khỏe tăng, trí tuệ cũng tăng, hẳn nhiên chất lượng cuộc sống của các em sẽ tăng. Còn gì vui hơn khi biết có kết quả như thế!
Phương Hạ (trích đăng)