Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, trong hồ sơ mời thầu gói thầu “Thi công xây lắp và hạ tầng kỹ thuật” công trình nhà khách 147 Lý Chính Thắng (TP. Hồ Chí Minh) có dấu hiệu cài đặt nhiều thông số “ưu ái” cho hãng điều hoà TOSHIBA. Điều này, khiến các nhà thầu khác đứng trước nguy cơ bị “loại từ vòng gửi xe”…
Để làm rõ hơn vấn đề trên, phóng viên đã phỏng vấn nhiều ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực điều hoà. Sau khi nghiên cứu, phân tích thông tin tại các trang 82-86 của hồ sơ mời thầu dự án 147 Lý Chính Thắng, họ đã khẳng định: “Có rất nhiều chi tiết chỉ có hãng điều hoà TOSHIBA mới đáp ứng được”. Phóng viên đã tổng hợp các ý kiến chuyên gia như sau:
Thứ nhất, ở thông số về “Loại máy nén”, hồ sơ mời thầu viết: “100% máy nén biến tần loại New DC Twin Rotary”. Cách viết này chính là sự áp đặt tiêu chí mà chỉ hãng TOSHIBA mới có được.
Bởi lẽ, ở đây yếu tố “100% máy nén biến tần” thì là thông số nhiều hãng có nhưng yếu tố “loại New DC Twin Rotary” thì là loại máy nén do TOSHIBA sản xuất. Việc này chỉ bằng một động tác kiểm tra đơn giản là gõ vào công cụ tìm kiếm Google cụm từ “máy nén biến tần loại New DC Twin Rotary” sẽ thấy ngay chỉ có TOSHIBA có loại máy này.
Một số ý kiến cho rằng, công nghệ máy nén (của TOSHIBA) vẫn là công nghệ cũ, hiện đã lạc hậu. Việc quy định đóng khung hãng TOSHIBA vừa giảm tính cạnh tranh của sản phẩm, vừa không tiếp cận được công nghệ tiên tiến.
Thứ hai, tại thông số “số lượng máy nén và công suất”, trong hồ sơ mời thầu ghi: “3,6X3+3,6X3+3,6X3”. Đây là một công thức chỉ hãng TOSHIBA có được vì chỉ hãng này có 3 máy nén với công suất như vậy. Lẽ ra, chỉ cần quy định tổng công suất máy nén là bao nhiêu bởi các hãng điều hoà có thể thiết kế số lượng máy nén khác nhau.
Nhiều chuyên gia điều hòa phân tích, có 7/14 thông số trong hồ sơ mời thầu "chỉ có" điều hòa TOSHIBA mới đáp ứng được. |
Thứ ba, tại thông số “bước điều chỉnh tần số máy nén”, hồ sơ mời thầu quy định: “Nhỏ hơn hoặc bằng 0,1HZ” cũng là không cần thiết, mang tính chất “khoá thầu” cho điều hòa TOSHIBA.
Thứ tư, về lưu lượng quạt giải nhiệt, hồ sơ mời thầu quy định: “13.000+13.000+13.000 m3/h” cũng là bất thường. Lẽ ra chỉ cần quy định tổng thể lưu lượng quạt giải nhiệt là bao nhiêu m3/h. Việc chia thành 3 quạt, ba máy như vậy là để “trùng khớp” cấu hình của TOSHIBA.
Thứ năm, quy định dòng khởi động mềm 1A cũng là vô lý, không phù hợp.
Thứ sáu, quy định về môi chất lạnh R410A cũng không phù hợp, chưa phải là chuẩn cao của công nghệ bảo vệ môi trường.
Thứ bảy, về thông số “hệ số EER ở 100% tải”, hồ sơ mời thầu ghi: “Nhỏ hơn hoặc bằng 3,28”, theo các chuyên gia con số 3,28 là mang tính “chỉ định” cho TOSHIBA một cách “lộ liễu”. Lẽ ra chỉ cần quy định “nhỏ hơn hoặc bằng 3” là đủ. Hơn thế, cách dùng từ EER còn hiểu sai kỹ thuật, lẽ ra phải là thông số COP là con số nói về hiệu quả làm lạnh của thiết bị. Đó là chưa kể quy định này rất rườm rà, phi lý, ở Việt Nam hiện nay cũng chưa có máy móc chuyên dùng để đo đếm được thông số này.
Theo nhiều chuyên gia về điều hòa, các thông số trong hồ sơ mời thầu dự án 147 Lý Chính Thắng có tới 7/14 thông số bất hợp lý. Trong đó, nhiều thông số có dấu hiệu “cài đặt”, “chỉ định” điều hòa của hãng TOSHIBA được trúng thầu tại dự án. Sự bất thường này cần được cơ quan chức năng làm rõ.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Điều 89, Luật Đấu thầu (2013) nêu một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu như: Hành vi “trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác…”.
Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu. Tại Điều 34 về lập hồ sơ mời thầu nêu rõ: Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.