Lớp học "linh hoạt” của bà giáo 30 năm dạy học miễn phí cho trẻ em khuyết tật

01/12/2024 06:43
Thu Thuỷ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Mỗi sáng từ thứ 2 đến thứ 6, bà giáo Côi (83 tuổi) lại miệt mài bắt xe ôm đến lớp học nằm trong con ngõ nhỏ tại Hà Nội để “gieo chữ” cho trẻ em khuyết tật.

Lớp học linh hoạt thực chất là một căn phòng nhỏ nằm sâu trong Nhà văn hóa khu dân cư số 2 phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tên gọi này mang ý nghĩa là dù ở bất kỳ đâu học sinh cũng có thể học được.

Lớp học có gần 20 học sinh ở đủ các độ tuổi khác nhau, đa số học sinh ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, là trẻ khuyết tật và thiểu năng trí tuệ. Trong đó có học sinh đã 33 tuổi nhưng nhận thức chỉ như học sinh tiểu học.

Nữ hiệu trưởng nghỉ hưu quyết tâm "gieo chữ" miễn phí cho học sinh khuyết tật

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà giáo Nguyễn Thị Côi (83 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, từ những năm học lớp 4, bà Côi đã mơ ước lớn lên sẽ trở thành một cô giáo để mang kiến thức đến với học sinh.

gdvn_ANH1.png
Bà giáo Nguyễn Thị Côi, 83 tuổi đã dạy lớp học miễn phí được 30 năm nay. (Ảnh: Thu Thuỷ)

Năm 1994, bà Côi là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Thời điểm ấy, lãnh đạo phường Hoàng Văn Thụ kêu gọi giáo viên dạy học cho trẻ em nghèo, cơ nhỡ và bà đã xung phong tham gia.

Những ngày đầu, bà Côi kiên trì đến từng xóm trọ, tìm gặp những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, từ những em nhỏ đánh giày đến bán báo, để thuyết phục các em đến lớp. Khi ấy, cơ sở vật chất của lớp học còn nhiều thiếu thốn, bàn học được làm từ những hộp gỗ, cùng vài chiếc bóng đèn và quạt mát đơn sơ. Dù điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng nhờ quyết tâm và tình yêu thương dành cho học trò, cô giáo Côi và các em luôn có mặt đầy đủ, cùng nhau học tập chăm chỉ.

Tính đến thời điểm hiện tại, bà giáo Côi đã miệt mài dạy học “không lương” 30 năm. Bà Côi cho biết, niềm vui tuổi già là được hằng ngày đến lớp, cầm phấn đứng trên bục giảng dạy đọc, dạy viết cho các em khiếm khuyết, chậm phát triển.

Không chỉ là người mang đến kiến thức, bà giáo Côi còn giúp những học sinh đặc biệt của mình học được các kỹ năng sống như cách vệ sinh thân thể, cách đi đường an toàn… để có thể hòa nhập tốt hơn vào xã hội. Do đó, các bậc phụ huynh luôn biết ơn bà, nếu không có bà Côi, những đứa trẻ đặc biệt ấy có thể sẽ chẳng bao giờ biết đến một cơ hội học tập, sẽ chẳng bao giờ biết đến một nơi chốn yêu thương như ngôi nhà mà bà đã tạo ra.

GDVN_anhthu2 (1).png
Bên trong lớp học do bà giáo Côi đứng lớp. (Ảnh: Thu Thuỷ)

Theo bà giáo Côi, việc dạy học những trẻ em khuyết tật, chậm phát triển cần dành gấp đôi, gấp ba sự tâm huyết, chăm sóc và kiên nhẫn để các em kịp tiếp thu kiến thức. Bởi mỗi em có trình độ và nhận thức khác nhau. Có những em học 3 tháng vẫn không nhớ nổi vài chữ cái, có em thì chạy nhảy không ngừng, phải dùng kẹo để dỗ em ngồi học và có em thì im lặng cả ngày chẳng chịu nói. Do đó, người dạy phải hiểu được tính cách và nắm bắt được bệnh tật của từng em thì mới có phương pháp dạy học phù hợp và hiệu quả.

“Người mẹ” thứ 2 của những số phận đặc biệt

Bên cạnh vai trò là cô giáo, bà Côi còn giống như một người mẹ thứ hai, chăm sóc và động viên học sinh. Bà tận tâm chia sẻ khó khăn, trở thành chỗ dựa tinh thần cho các em.

“Ở đây mỗi học sinh là một hoàn cảnh đặc biệt khác nhau, người thì mẹ mất sớm, người thì có bố vào tù ra tội, người thì chỉ sống cùng ông bà đã già yếu. Do đó, tôi rất thương các em vì sinh ra đã thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa. Thậm chí, có em học sinh 33 tuổi nhưng đầu óc, suy nghĩ chỉ bằng học sinh tiểu học.

Với tôi, đây không chỉ đơn thuần là lớp học, mà còn là nơi sẻ chia, trò chuyện giữa cô trò, giúp các em giảm đi phần nào sự tự ti”, bà giáo Côi bày tỏ.

Dù không có một đồng trợ cấp nào nhưng bà giáo Côi vẫn kiên trì đứng lớp, kiên trì truyền lửa và tình yêu thương cho các em học sinh đặc biệt. Thương học trò không có sách vở, bút, bà giáo còn tự bỏ tiền túi mua cho các em phục vụ việc học. Mùa đông đến, bà Côi chủ động đi xin quần áo cũ vì sợ các em không có đồ ấm để mặc.

GDVN_anhthu3.png
Sự tiến bộ từng ngày của các học trò là niềm vui đối với bà giáo Côi. (Ảnh: Thu Thuỷ)

Bà giáo Côi tâm sự: “Có thể đối với nhiều người, các em là những đứa trẻ khuyết tật, nhưng đối với tôi, chúng xứng đáng được bao bọc, được xã hội chở che. Tôi tin, với sự động viên, kiên nhẫn và tình yêu thương có thể giúp các em hoà nhập với cộng đồng và sống một cuộc đời ý nghĩa.

Trong quá trình dạy học, nhiều em đã trưởng thành và tự lập được cuộc sống bằng các công việc khác nhau nhưng vẫn nhớ đến cô giáo năm xưa đã từng chăm lo, dạy bảo cho mình khiến tôi vô cùng xúc động và cảm thấy tự hào”.

Giờ đây, lớp học không chỉ có bà giáo Côi đứng lớp, mà còn có trợ giảng là các bạn sinh viên trẻ tình nguyện đến hỗ trợ hướng dẫn.

Anh Lê Đình Thắng (sinh năm 2002) là một trong những tình nguyện viên của lớp học linh hoạt này. Đình Thắng cho biết, bản thân biết đến lớp học này thông qua Dự án Chạm Mây - một dự án phi lợi nhuận nhằm lan tỏa tri thức và hướng nghiệp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

“Hiện tôi đang học ngành Sư phạm Toán tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và mong muốn trở thành giáo viên sau khi ra trường. Trong quá trình học, tôi đã từng đi dạy gia sư để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, khi biết đến lớp học này, tôi quyết định tham gia ngay bởi tôi tin, công việc này sẽ là trải nghiệm đáng nhớ thời sinh viên của mình.

Ngày đầu tiên đến lớp, tôi khá bất ngờ về sự tận tuỵ của bà giáo Côi. Dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn còn nhanh nhẹn, chỉ bảo các em học sinh tận tình. Một số bạn hơi tăng động nhẹ, tự ý chạy nhảy trong lớp, bà Côi chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng, chưa một lời than phiền.

Bà giáo Côi cũng là một trong những tấm gương nhà giáo yêu nghề, yêu trẻ mà tôi hướng đến. Tôi hy vọng nhiều bạn trẻ sẽ tham gia những dự án tương tự để đóng góp sức trẻ xây dựng cộng đồng đoàn kết, tương thân tương ái”, Đình Thắng bày tỏ.

GDVN_FM5A0757.JPG
Anh Lê Đình Thắng hướng dẫn em Nguyễn Nhật Long học bài. (Ảnh: Thu Thủy)

Em Nguyễn Nhật Long (18 tuổi) đã theo học ở đây được khoảng 1 năm. Hiện Nhật Long đang học Toán và Tiếng Việt theo chương trình sách giáo khoa lớp 1.

“Em thấy học ở đây rất vui, các bạn hoà đồng, dễ nói chuyện. Sáng nào em cũng dậy sớm để bắt xe ôm đến lớp, ít khi nghỉ học. Cô giáo dạy bảo nhẹ nhàng dù nhiều từ em chưa viết đúng”, Nhật Long chia sẻ.

Đến hiện tại, bà giáo Côi không nhớ đã dạy bao nhiêu lứa học sinh. Cả đời cống hiến hết mình cho nghề giáo, bà Côi chỉ mong cầu sức khoẻ, bình an để duy trì lớp học, tiếp tục gieo niềm hy vọng cho các em.

Thu Thuỷ